Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của các bộ, ngành và tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng nhấn mạnh đây là tuyến đê rất trọng yếu, việc đầu tư gần 7km tuyến đê giảm sóng xa bờ là rất cần thiết để ngăn chặn tình trạng xói lở bờ biển xảy ra ngày càng nghiêm trọng, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của khoảng 600 nghìn hộ dân và của Nhà nước, bảo vệ gần 54 nghìn ha đất tự nhiên, trong đó có khoảng 43 nghìn ha đất canh tác của 4 huyện, thị xã ven biển.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương bố trí nguồn vốn cho dự án quan trọng này, trong đó nghiên cứu dùng nguồn dự phòng của năm 2024; đồng thời giao các cơ quan nghiên cứu dự án đầu tư cảng biển tại khu vực này theo hình thức hợp tác công-tư.
Tối cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến khảo sát công trình và thăm, tặng quà công nhân đang thi công cầu Rạch Miễu 2 ở phía đầu Tiền Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công trường xây dựng cầu Rạch Miễu 2. |
Dự án nối 2 tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 1741/QĐ-TTg, ngày 5/11/2020, được khởi công ngày 29/3/2022, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện quản lý dự án. Công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư được tách thành Tiểu dự án giao cho tỉnh Bến Tre và tỉnh Tiền Giang thực hiện theo quy định.
Cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8km, có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6km, quy mô 6 làn xe. Điểm đầu tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa Quốc lộ 1 với Đường tỉnh 870) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối kết nối Quốc lộ 60 tại đường dẫn cầu Hàm Luông thuộc địa phận thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Dự án có tổng diện tích thu hồi giải phóng mặt bằng khoảng 62,38ha, trong đó tỉnh Tiền Giang khoảng 26,56ha và tỉnh Bến Tre khoảng 35,82ha. Kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư hơn 1.279 tỷ đồng.
Khi hoàn thành, cầu Rạch Miễu 2 sẽ giúp giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời rút ngắn khoảng cách giao thông đường bộ giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng...
Thủ tướng Phạm Minh Chính nghe giới thiệu về tiến độ dự án cầu Rạch Miễu 2. |
Dự án được khởi công ngày 29/3/2022, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thực hiện quản lý dự án. Cầu Rạch Miễu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8km, có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 17,6km, quy mô 6 làn xe. Hiện công trường đang bám sát tiến độ; năm 2023 giải ngân 100% kế hoạch; 2 tháng đầu năm giải ngân 15%; giải phóng mặt bằng đạt 96%...
Nói chuyện với cán bộ, công nhân viên trên công trường, Thủ tướng yêu cầu nỗ lực làm "3 ca, 4 kíp", “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”; nêu rõ, điều quan trọng nhất phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, các yêu cầu kỹ mỹ thuật trong điều kiện thi công còn khó khăn; lưu ý giải ngân vốn kịp thời, góp phần tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân địa phương. Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận phải lập kế hoạch chi tiết, nghiên cứu nỗ lực rút ngắn tiến độ dự án sớm 3 tháng, phấn đấu dịp Quốc khánh 2/9/2025 hoàn thành công trình; đồng thời phải chống tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc hoàn thành sớm dự án sẽ góp phần giải tỏa áp lực giao thông khu vực, giảm chi phí logistics, góp phần chống lãng phí nguồn vốn. Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang phải nỗ lực phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ dự án triển khai thuận lợi; quan tâm động viên cán bộ, công nhân viên đang thi công.
Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác đã đến dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trương Định. |
Trương Định sinh năm 1820, tại huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Cha ông là Trương Cầm, giữ chức lãnh binh tỉnh Gia Định. Vào thời vua Thiệu Trị ông theo cha vào Nam, lấy vợ và sinh sống tại huyện Tân Hòa (nay là huyện Gò Công Đông). Trương Định là người đứng đầu trong việc khai hoang lập ấp và được triều đình phong cho chức Quản cơ. Khi quân Pháp xâm lược, ông đã cùng nhân dân đứng lên khởi nghĩa và bao phen làm giặc khiếp sợ. Ngày 20/8/1864 ông bị thương, để không sa vào tay giặc, ông đã dùng gươm tuẫn tiết.
Sau khi mất, vợ ông-bà Trần Thị Sanh đã chôn cất ông tại thị xã Gò Công. Mộ Trương Định được xây bằng đá ong với hồ ô dước trên diện tích 67m2. Mặt bia có khắc dòng chữ "Đại Nam Phấn Dõng Đại Tướng Quân, Truy Tặng Ngũ Quân, Quận Công, Trương Định Chi Mộ". Sau bao lần bia mộ bị chính quyền Pháp đập phá, năm 1964, nhân dân đã tu bổ khang trang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mặc niệm tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Trương Định. |
Để tưởng nhớ công lao người Anh hùng dân tộc năm 1972 một ngôi đình khang trang giữa một khu đất rộng, có võ ca, 2 khẩu thần công phục chế và một hồ nước rộng hơn 1.000m2 tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông. Để che mắt địch, nhân dân gọi là đình Gia Thuận.
Hằng năm, đến ngày giỗ ông (20/8 dương lịch) nhà nào cũng lập bàn thờ ngoài trời và làm lễ tại đình. Lễ giỗ ông nay trở thành ngày hội của nhân dân trong huyện.