Phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đột phá để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ

NDO - Chiều 18/12, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội có cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng. (Ảnh: TTXVN)

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đã lắng nghe lãnh đạo thành phố báo cáo và các ý kiến thảo luận của đại diện lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo bộ, ngành về công tác sơ kết nghị quyết này.

Các ý kiến thảo luận tập trung thảo luận và đề xuất bước đầu các cơ chế, chính sách mới, qua tổng kết thực hiện Nghị quyết 35 nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng.

Theo đó, để tạo điều kiện cho Hải Phòng, thành phố và các bộ, ngành cần rà soát, đánh giá cụ thể các nội dung đã thực hiện theo Nghị quyết 35; tham khảo kinh nghiệm thực tế về thực hiện các cơ chế đặc thù đã thực hiện tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng,... để đánh giá và đề xuất những cơ chế vượt trội cho Hải Phòng phát triển mạnh mẽ trong điều kiện và tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội và đại diện một số cơ quan của Quốc hội, bộ, ngành bày tỏ nhất trí, ủng hội các cơ chế, chính sách mới liên quan phân cấp, phân quyền, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, tăng nguồn thu ngân sách, thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế trọng điểm như công nghiệp, thương mại, du lịch.

Phân cấp, phân quyền, tạo cơ chế đột phá để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, địa phương cần hết sức quan tâm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, nâng cao năng lực của bộ máy nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị thành phố cần quan tâm đầu tư lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, yếu tố con người tổ chức thực hiện là quan trọng nhất, và đề nghị Hải Phòng tăng cường cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa, tạo sự thông thoáng, tăng cường triển khai chuyển đổi số, đáp ứng những yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tiếp thu và học hỏi kinh nghiệm thành công của các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý làm tốt công tác giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, an sinh xã hội, y tế, phòng chống tệ nạn xã hội để đảm bảo sự phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thành phố phối hợp các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ xây dựng nghị quyết như các kiến nghị, đề xuất; sớm trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định; đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025.

Tại các cuộc làm việc chiều nay, Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu cho rằng, việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35 nói trên và việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và nhân dân.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng đã đề nghị thành phố Hải Phòng tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị, đảm bảo tính ổn định, thống nhất, không gây gián đoạn trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công; nhanh chóng kiện toàn hệ thống chính quyền các cấp sau khi sắp xếp, đảm bảo tính thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Theo báo cáo của Thành ủy Hải Phòng, tại Nghị quyết số 35/2021/QH15, Hải Phòng được áp dụng thí điểm 6 cơ chế, chính sách đặc thù.

Sau 3 năm áp dụng thực hiện, Hải Phòng đã tiến hành sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 35, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Trong 2 năm 2021 và 2022, thành phố đã được Trung ương phân bổ thưởng vượt thu theo cơ chế đặc thù trên 2.700 tỷ đồng.

Về chuyển đổi đất lúa đối với dự án có diện tích trên 10 ha đến 500 ha, thành phố đã chủ động thực hiện được 15 dự án với tổng diện tích là trên 740 ha, không phải trình Chính phủ.

Báo cáo của lãnh đạo thành phố cho thấy: các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố năm 2024 tiếp tục có sự tăng trưởng so với năm 2023 và vượt Kế hoạch được giao.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) thành phố năm 2024 đạt trên 11%; đứng thứ 3 cả nước, là năm thứ 10 liên tiếp thành phố đạt mức tăng trưởng 2 con số và gấp 1,6 lần mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2024 ước đạt trên 116 nghìn tỷ đồng, vượt 18% dự toán Trung ương giao…

Bên cạnh những kết quả nổi bật vừa nêu, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 35, thành phố cũng gặp một số những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước.

Lãnh đạo thành phố cho biết: Để tiếp tục thể chế hóa các định hướng chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đặc biệt vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 96- KL/TW ngày 30/9/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó có nhiệm vụ sơ kết Nghị quyết số 35/2021/QH15 để ban hành Nghị quyết mới về một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội mang tính đội phá, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã tích cực triển khai thực hiện và có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những nội dung kiến nghị, đề xuất được địa phương quan tâm.