“Anh làm cái quái gì vậy?”, Sofi, vợ của Luis Suarez đã hỏi khi xem lại đoạn băng anh cắn tiền vệ Otman Bakkal của PSV. Đó là năm 2010, và là lần đầu tiên Suarez cắn người. Trong lúc tranh cãi, ngôi sao người Uruguay nhè luôn vai đối thủ mà cắn.
Khi ấy, Suarez cố tìm câu trả lời cho vợ. Anh phủ nhận, giải thích và khóc lóc.
Anh cũng làm như thế ở lần cắn tiếp theo với Branislav Ivanovic năm 2013, rồi lần thứ 3 năm 2014 với Giorgio Chiellini. Nhưng cũng chính lần thứ 3 này, chứng kiến cách HLV Oscar Tabarez làm mọi cách để bảo vệ anh, và ánh mắt buồn rầu của vợ, Suarez quyết định đi tìm câu trả lời cho chính mình. Kể từ đó, những tranh cãi, hành động phi thể thao chính thức ở lại phía sau. Khát khao chiến thắng vẫn nguyên vẹn nhưng Suarez chi tập trung vào bóng đá.
Phạm Tuấn Hải thần tượng Suarez. Ngoài phong cách chơi bóng, có thể anh đồng cảm với tính cách ngang tàng, luôn phá vỡ quy tắc của tiền đạo người Uruguay. Hồi ở đội trẻ Nacional, có thời điểm Suarez không giữ được suất đá chính và sa đà vào rượu chè, tiệc tùng dù vẫn là một thiếu niên. Anh cũng từng rượt trọng tài và sau khi vượt qua quãng đường 50 m, đã thực hiện cú húc đầu khiến vị vua áo đen ngã vật xuống sân với khuôn mặt bê bết máu.
Tuấn Hải không đến mức đó nhưng cũng khá dữ dội. 14 tuổi tại Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội, do quá nghịch ngợm và nhiều lần trèo rào đi chơi, Hải bị các thầy đuổi khỏi trung tâm. May thay, thầy Nguyễn Trọng Hồng, Trưởng bộ môn bóng đá của Trung tâm đứng ra bảo lãnh. Thầy Hồng bảo đảm Hải sẽ thay đổi, giúp anh có thể ở lại.
Hải đã đi một chặng đường dài để theo đuổi giấc mơ bóng đá. Từ khi còn là cậu bé ở Phủ Lý, Hà Nam, quả bóng luôn gắn với Hải trong những buổi chiều đá bóng cùng chúng bạn và cả những lần chịu đòn roi vì trốn học để ra sân; cũng là nhiều đêm nhớ nhà nằm khóc ở trung tâm. Tất cả không thể kết thúc lãng nhách như vậy.
Thế nhưng giang sơn dễ đổi bản tính khó dời. Cho đến khi lên đội U19, như HLV Phạm Minh Đức, người nhiều năm dìu dắt Hải, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, “vẫn còn bất mãn, còn hư”. Trong 6 năm, HLV Phạm Minh Đức liên tục “phải răn đe, kèm cặp, chửi có, nặng nề có, kỷ luật có”.
Sự kiên trì của các thầy cuối cùng cũng khiến Hải “đi tìm câu trả lời cho chính mình”. Anh muốn thành công như các đàn anh Đình Trọng, Quang Hải, Văn Hậu… ở lò đào tạo Đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội, muốn đền đáp sự tin tưởng của các thầy, và muốn bố mẹ đỡ vất vả. Hải dần thay đổi để bây giờ, HLV Phạm Minh Đức vui mừng nói rằng Hải “biết suy nghĩ và tiến bộ, trưởng thành hơn về lối sống”. HLV Nguyễn Thành Công của CLB Hồng Linh Hà Tĩnh thậm chí còn cho biết, “Hải có ý thức tuyệt vời trong sinh hoạt, tập luyện cũng như thi đấu”.
Lý do các thầy kiên nhẫn với Tuấn Hải có lẽ vì tất cả đều thấy được sự khiêm tốn, ý chí và bản lĩnh của chàng trai người Hà Nam. Hải vốn không mạnh về kỹ thuật. Như HLV Phạm Minh Đức từng nói, động tác của Hải rất xấu. Anh cũng yếu về kỹ năng ban chuyền, điều tiết, tạt bóng và chỉ đá được tiền đạo cắm.
Chi tiết này khiến chúng ta một lần nữa liên tưởng tới Suarez. Ngôi sao người Uruguay thừa nhận kỹ thuật của bản thân rất tệ. Nhưng thời gian trôi qua, anh đã tìm ra những gì mình cần để trở nên tốt hơn và tập trung cải thiện điều đó mỗi ngày. Hoặc khi mới sang châu Âu, Suarez cứ cắm đầu cắm cổ chạy suốt 90 phút. Sau đó anh học cách chơi bóng có tư duy, đồng thời cố gắng không chỉ chuyền chính xác, mà chuyền có ý đồ.
“Tôi không bao giờ hài lòng với bản thân”, Suarez nói. Tuấn Hải cũng không khác. Như thần tượng, Hải “luôn có khát vọng vươn lên”, một phẩm chất mà HLV Lê Hồng Minh của U19 Hà Nội T&T đã chỉ ra năm 2016 khi Hải tỏa sáng rực rỡ ở Vòng chung kết U19 Quốc gia. Anh chịu khó học hỏi để bây giờ có thể đá nhiều vị trí, từ tiền đạo cánh đến hộ công. Ngoài đột phá, chọn vị trí và dứt điểm, Tuần Hải còn được biết đến với khả năng hỗ trợ phòng thủ cùng những đường chuyền thông mình.
Như đã thấy ở trận đấu với Australia tại Melbourne, Hải chính là điểm sáng với lối chơi xông xáo và di chuyển linh hoạt. Tình huống phản công phút 51, anh dạt vào từ cánh trái, thu hút sự chú ý của các hậu vệ và chuyền cho Hùng Dũng, người thâm nhập vào khoảng trống mà anh vừa tạo ra. Hải cũng biết điều gì sẽ xảy ra sau đó, để lùi lại, chiếm lĩnh không gian ngay trước khung thành và chờ đợi cú nhả bóng lại để tung ra cú dứt điểm. Đáng tiếc là bóng đi chệch cột dọc.
Duyên ghi bàn vẫn chưa đến với Hải ở chiến thắng trước Trung Quốc, song không thể đánh giá thấp các đóng góp của anh. Ở bàn thứ hai, trước khi Quang Hải đưa bóng cho Hùng Dũng bên cánh phải, Tuấn Hải đứng xa khung thành hơn 6 đồng đội khác. Thế nhưng anh phát hiện khoảng trống rất nhanh để băng xuống, nhận đường chuyền, xoay sở khéo léo giữa 2 hậu vệ Trung Quốc và trả lại Hùng Dũng, để người đội trưởng kiến tạo cho Tiến Linh ghi bàn.
Đội tuyển Việt Nam đang bước vào thời kỳ mới và không ai khác, Tuấn Hải đại diện cho làn gió cách tân. Đó là một chiến binh mang trong mình hoài bão lớn, không ngừng tìm kiếm thành công bằng sự cần mẫn, khiêm tốn và khát khao tiến bộ. Khi đã xác định mục tiêu, anh sẵn sàng cống hiến đến giọt mồ hôi cuối cùng giống thần tượng Suarez.
Điều khiến Suarez trở nên khác biệt chính là tâm lý hết mình, một người sẵn sàng chạy trối chết chỉ để ngăn một quả ném biên vào phút thứ 90. HLV Brendan Rodger từng nói rằng “với Suarez trong đội hình, tất cả đều biết đây sẽ là một đội bóng sẵn sàng chiến đấu bằng cả con tim”. Khi HLV Park Hang-seo cần điều tương tự, ông biết phải tìm đến ai.