Bình luận-Phê Phán

Phải trao cho trẻ em điều tốt đẹp nhất

Dù đã có những quy định nghiêm khắc để xử lý hành vi bóc lột, khai thác, trục lợi trẻ em, tuy nhiên thời gian qua, tình trạng lợi dụng, chăn dắt trẻ em vẫn diễn ra tại một số nơi dưới nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi gây bất bình trong dư luận xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo khoa học “Bảo vệ quyền trẻ em: Thực trạng và giải pháp” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2022.
Hội thảo khoa học “Bảo vệ quyền trẻ em: Thực trạng và giải pháp” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 8/2022.

Các đối tượng xấu đã khai thác sự thương cảm của cộng đồng đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để kiếm tiền bằng mọi cách. Nếu không kiên quyết xử lý, ngăn chặn kịp thời, tình trạng này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ và tác động xấu đến trật tự, an toàn xã hội.

Mới đây, đoạn clip quay cảnh một chiến sĩ công an bị đám đông tìm cách ngăn cản trong khi làm nhiệm vụ trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Điều đáng nói là trong khi chiến sĩ công an cố gắng đưa nhóm trẻ hành nghề ảo thuật ngậm xăng phun lửa trái phép và vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe về trụ sở để làm rõ việc ai đứng sau chăn dắt, lợi dụng các em để kiếm tiền bất chính và tìm cách giúp đỡ các em thì một số người có mặt tại hiện trường đã có hành vi, lời nói cố tình ngăn cản.

Xem đoạn clip có thể nhận thấy thái độ kiên quyết và trách nhiệm của chiến sĩ công an trước sự việc cũng như cách hành xử cảm tính, bất hợp tác của một số người chứng kiến: “Người ta đang lợi dụng nó (những đứa trẻ - PV) để kiếm tiền cho người ta, chúng tôi muốn đưa về để làm rõ vấn đề đó. Các anh chị đang giúp cho những người đó (người lớn chăn dắt, lợi dụng trẻ em - PV)...

Các anh chị nghĩ con cái mình bị bắt làm vậy thấy được không. Thế mà không ai hỗ trợ gì hết vậy?”. Sau khi đăng tải đoạn clip nhận nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ việc làm đúng đắn của chiến sĩ công an, đồng thời kêu gọi trách nhiệm của mỗi người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn, dẹp bỏ tình trạng lợi dụng, bóc lột trẻ em phi nhân tính.

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện một số đường dây chuyên chăn dắt trẻ em bằng nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi như: bắt các em nhỏ đóng giả trẻ mồ côi để đi ăn xin, bán vé số, bán hàng rong, giả bị tật nguyền, mắc bệnh trọng nằm ngồi lê la ở những chỗ đông người để kêu gọi sự thương hại của người qua đường,... Những ngày không kiếm được tiền theo quy định, các em bị chủ bỏ đói, hành hạ dã man cả về thể xác lẫn tinh thần.

Tiêu biểu như năm 2021, cơ quan chức năng đã phát hiện một đường dây tại Thành phố Hồ Chí Minh chuyên dụ dỗ trẻ vị thành niên khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa bỏ nhà đi làm với cái bẫy “việc nhẹ lương cao, có tiền giúp gia đình”. Nhiều em do nhẹ dạ, thiếu hiểu biết đã nghe theo lời “đường mật”, lén lút bỏ nhà vào Thành phố Hồ Chí Minh để rồi vỡ mộng “kiếm tiền đổi đời”.

Công việc thực tế các em phải làm là lang thang trên phố từ 6 giờ sáng đến 9-10 giờ đêm để bán hàng mà chủ giao. Toàn bộ số tiền thu được, tiền khách hàng tặng thêm đều phải nộp về cho chủ, hoàn toàn không có khoản lương nào như hứa hẹn. Một số em vì quá cực khổ đã bỏ trốn thì lập tức bị các đối tượng chăn dắt đánh đập dã man. Nếu sự việc không được phát hiện, các em không được các cơ quan chức năng giải cứu kịp thời thì hậu quả sẽ rất nguy hại.

Thực tế, hành động chăn dắt, bóc lột trẻ em dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng là trái pháp luật, bất nhẫn, vô lương tâm, để lại những hậu quả nặng nề về tâm sinh lý cũng như sức khỏe của trẻ. Các em bị tước đi quyền học tập, quyền sống và vui chơi lành mạnh, làm cho trí tuệ phát triển lệch lạc, nhận thức méo mó, phải chịu những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách. Bị đẩy vào cuộc mưu sinh khi tuổi còn quá nhỏ, các em sẽ sớm phải đối mặt với những hiểm họa khó lường như bạo hành, bắt cóc, lạm dụng tình dục,... để rồi không ít trẻ đã bị rơi vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Chưa kể, về góc độ xã hội, việc làm bất nhẫn của những đối tượng chăn dắt trẻ em đã vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, tạo nên sự bất bình đẳng trong đời sống, đồng thời khiến cho bộ mặt các đô thị trở nên nhếch nhác, kém văn minh. Nếu tình trạng lạm dụng, chăn dắt trẻ em gia tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội bởi đây có thể là mầm mống của tội phạm và những yếu tố gây bất ổn xã hội trong tương lai...

Ở Việt Nam, quan tâm chăm sóc và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, chú trọng. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Đến năm 1991, Việt Nam đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em gồm 5 chương, 26 điều.

Qua quá trình thực hiện, các điều luật liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách cũng như bộ máy tổ chức nhà nước quản lý các hoạt động liên quan đến trẻ em, bảo vệ quyền trẻ em không ngừng được hoàn thiện.

Tại Điều 37, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”. Luật Trẻ em năm 2016 chỉ rõ: “Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.

Năm 2017, liên Bộ Thông tin và Truyền thông, Lao động-Thương binh và Xã hội đã công bố đường dây nóng 111 (trước đó là đường dây điện thoại số 18001567) nhằm hỗ trợ trẻ em bị xâm hại tình dục, bóc lột, mua bán. Những việc làm trên thể hiện quyết tâm và cam kết của Việt Nam trong vấn đề bảo vệ quyền trẻ em.

Dù vậy, thực tiễn thời gian qua cho thấy vẫn còn tình trạng có lúc, có nơi sự quan tâm của chính quyền sở tại cũng như các ban, ngành, đoàn thể, sự phối hợp giữa các tổ chức, đơn vị còn thiếu sâu sát, lỏng lẻo. Đây chính là lỗ hổng khiến cho nạn chăn dắt trẻ em vẫn còn đất sống, thậm chí có nguy cơ phát triển ở các đô thị lớn, gây bức xúc dư luận.

Bên cạnh đó, nhận thức về vấn đề bảo vệ quyền của trẻ em trong cộng đồng vẫn chưa thật sự đầy đủ, đúng đắn khiến cho trẻ em vẫn tiếp tục phải đối diện với nhiều nguy cơ, hiểm họa đe dọa đến sự an toàn sức khỏe và tinh thần. Trở lại sự việc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Thành phố Hồ Chí Minh) đang được dư luận quan tâm, lẽ ra cộng đồng cần hỗ trợ cơ quan chức năng làm rõ đối tượng đứng sau huấn luyện, tổ chức cho các em hành nghề nguy hiểm kiếm tiền trái phép để từ đó có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Các em nhỏ cần được sự giúp đỡ để trở lại cuộc sống bình thường chứ không phải là sự bao che nhất thời để rồi lại tiếp tục trở thành công cụ kiếm tiền trong tay kẻ xấu.

Diễn biến thực tế từ sự việc trên càng cho thấy để ngăn chặn tình trạng chăn dắt, bóc lột trẻ em rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền cơ sở, cơ quan chức năng, cán bộ chuyên trách, tổ chức, đoàn thể xã hội và vai trò không thể thiếu là sự hợp tác của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần phát huy ý thức trách nhiệm trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em, kịp thời phát hiện những sự việc, hiện tượng tiêu cực để báo cáo tới lực lượng chức năng kịp thời xử lý.

Cùng với đó cần nâng cao trách nhiệm công dân, nhận thức đúng đắn hơn về việc bảo vệ quyền trẻ em, để tránh không bị lôi kéo theo tâm lý đám đông và trở thành người tiếp tay, dung túng cho cái xấu, cái ác. Tình thương nếu không được đặt đúng lúc, đúng chỗ thì sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho đối tượng xấu khai thác, lợi dụng, khiến cho nạn chăn dắt trẻ em không thể giải quyết được triệt để. Chừng nào nếu mỗi cá nhân trong cộng đồng chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc “trao cho trẻ em điều tốt đẹp nhất”, bảo vệ trẻ em bằng những hành động thiết thực thì sẽ vẫn còn nhiều trẻ em phải đối mặt với những nguy cơ mất an toàn.

Mới đây, trước tình trạng trẻ em ăn xin xuất hiện thường xuyên tại các giao lộ, khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn thành phố. Theo đó, tất cả 312 Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thuộc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thành lập tổ công tác, tăng cường thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp tại địa phương.

Các đơn vị chức năng sẽ tiến hành rà soát, lập danh sách các khu vực có trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật có nguy cơ lang thang xin ăn để kịp thời vận động, thuyết phục và hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm giúp ổn định đời sống. Đồng thời, thành phố tăng cường tuyên truyền, vận động chủ các khu nhà trọ phối hợp với địa phương trong việc thông tin về tình trạng của người ở trọ có nguy cơ lang thang xin ăn hoặc có dấu hiệu chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật lang thang xin ăn. Cùng với sự vào cuộc của cả xã hội, cách làm này nếu được tiến hành kiên quyết, đồng bộ tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, chắc chắn sẽ góp phần hạn chế, ngăn chặn được tình trạng khai thác, bóc lột, lạm dụng trẻ em.