PV: Xin Bộ trưởng cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp (DN) nói riêng, đến hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu nói chung trên cả nước?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 là đợt dịch phức tạp, căng thẳng nhất đối với Việt Nam từ trước đến nay với số ca nhiễm lớn, phạm vi vùng dịch rộng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Dịch bệnh lây lan sâu vào các khu công nghiệp, sau hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, hiện nay là 19 tỉnh, thành phố phía nam, bao gồm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai,... là những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn, luôn đóng góp cao vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.
Nhiều DN tại các địa phương này với đặc thù mật độ lao động cao và sử dụng nhiều lao động nhập cư, đồng thời không có đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính để bảo đảm thực hiện phương án “ba tại chỗ” đã phải tạm thời đóng cửa.
Bên cạnh đó, DN còn gặp khó khăn trong việc bảo đảm lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm do các quy định về phòng dịch phức tạp, thiếu thống nhất giữa các địa phương; giá cước vận tải, kho bãi có xu hướng tăng làm tăng chi phí đầu vào của DN.
Trong khi đó, đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Vì vậy, khó khăn trong lưu thông rất có thể dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất. Ở thời điểm hiện nay, so với cùng kỳ các năm là giai đoạn sản xuất quan trọng để phục vụ các đơn hàng cuối năm tại các thị trường Mỹ, EU, do đó việc dịch chưa được kiểm soát cũng là vấn đề hết sức khó khăn đối với khả năng đáp ứng đơn hàng của DN.
PV: Trước tình hình như vậy, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về khả năng hoàn thành các mục tiêu Bộ Công thương được giao cho năm 2021? Bên cạnh khó khăn, thách thức, có hay không những cơ hội cho tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong thời gian tới?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 chỉ tăng 2,2% so cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất trong bảy tháng qua. Hoạt động xuất khẩu trong tháng 7 cũng có phần chững lại khi kim ngạch đã giảm 0,8% so tháng 6. Trong khi đó, tình hình những tháng cuối năm dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường; mặt bằng giá cả, nhất là một số vật tư nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao; sản xuất của DN bị đình trệ;… Những yếu tố này đang ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển của ngành công thương; việc đạt được các mục tiêu kế hoạch Quốc hội, Chính phủ giao năm 2021 như phát triển công nghiệp tăng 8 đến 9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 7 đến 8% là một thách thức lớn.
Bộ Công thương đã và đang thường xuyên tiến hành rà soát kỹ từng lĩnh vực, ngành hàng để cập nhật kịch bản điều hành, xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Qua đánh giá, vẫn có một số yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng trong thời gian tới. Cụ thể, xuất khẩu tháng 7 tuy giảm nhẹ so tháng 6, nhưng tính chung bảy tháng vẫn có kết quả tích cực với kim ngạch đạt 186,4 tỷ USD, tăng 26,2% so cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nhờ tận dụng ưu đãi mở cửa thị trường từ các Hiệp định thương mại vẫn rất lớn. Nhu cầu hàng hóa trên thị trường thế giới dần hồi phục, các nền kinh tế lớn sẽ triển khai gói kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp tiêu dùng có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử,… Đây cũng là cơ hội giúp các ngành công nghiệp phục hồi mạnh mẽ nếu Nhà nước kịp thời có chính sách, giải pháp hỗ trợ DN quay trở lại sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, với tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước là 2,87 triệu tỷ đồng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các chỉ đạo rất quyết liệt trong việc đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhanh và hiệu quả. Đây sẽ là dư địa thị trường rất lớn cho các ngành công nghiệp trọng điểm như thép, cơ khí, vật liệu xây dựng,... phục hồi và phát triển.
Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và cụ thể nhiều giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ trương thực hiện “mục tiêu kép” được thực hiện đồng bộ ở các địa phương, giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh. Chính phủ cũng đang hoàn thiện để ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển DN giai đoạn 2021 - 2025 cũng như một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Đây sẽ là yếu tố tích cực để tạo điều kiện hồi phục sản xuất, kinh doanh cho các DN, đồng thời là cơ hội thuận lợi để Bộ Công thương tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 đã đề ra.
PV: Bộ Công thương sẽ triển khai những kế hoạch, giải pháp đột phá nào để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19, nhất là ở các tỉnh, thành phố trọng điểm về kinh tế là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế. Vì vậy, nhiệm vụ, giải pháp của những tháng cuối năm phải hết sức quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa các bài học kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế, khó khăn, triển khai linh hoạt, hiệu quả để sớm đẩy lùi dịch bệnh, tạo điều kiện ổn định sản xuất, kinh doanh. Bộ Công thương xác định: Thứ nhất, phải bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân, nhất là những vùng có dịch, theo dõi chặt chẽ giá các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp kịp thời. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được Bộ Công thương thực hiện và thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, DN, các đơn vị liên quan triển khai.
Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN nhằm duy trì chuỗi cung ứng và sản xuất. Hiện nay, việc giữ được đơn hàng, duy trì chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cho các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và thương mại là cực kỳ quan trọng. Do đó, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp giúp bảo đảm lưu thông, luân chuyển hàng hóa, lao động phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án bố trí sản xuất bảo đảm an toàn phòng dịch trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp; đồng thời, có các giải pháp cụ thể để tái khởi động lại hoạt động của các nhà máy đáp ứng tiêu chí an toàn.
Thứ ba, tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường trong nước và quốc tế; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có các biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu. Thứ tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp khai thông thị trường trong nước, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử; tiếp tục đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến và dựa trên những nền tảng mới, tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.
Bộ Công thương đã xây dựng Đề án Phát triển xuất, nhập khẩu bền vững trong những tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, trong đó đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cũng như tháo gỡ khó khăn trước mắt. Đề án đã được Chính phủ và các địa phương thảo luận trong Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào ngày 16/6/2021.
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tham mưu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 (Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021) để các bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!