Giá xăng dầu tăng cao và có khuynh hướng kéo dài bắt buộc các nước không có hoặc có ít dầu thô phải tìm giải pháp để giảm lượng xăng dầu nhập khẩu. Bên cạnh các giải pháp như tiết kiệm năng lượng, sử dụng nhiều khí đốt, than, công nghệ sạch, năng lượng hạt nhân... thì việc đẩy mạnh sử dụng các loại năng lượng tái tạo như gió, điện mặt trời, hydro luôn được quan tâm. Tuy nhiên, do gặp khó khăn về công nghệ và giá thành, các loại năng lượng này còn quá cao, nên thị trường chưa thể chấp nhận ít nhất là trong vòng vài chục năm tới. Do đó, tìm kiếm các nhiên liệu sinh học, vừa hạn chế sử dụng nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch, vừa giảm thiểu lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường là một hướng đi được nhiều nước chú ý. Trên thế giới đã ghi nhận một số thành công trong việc sử dụng thêm những nhiên liệu hợp chất hữu cơ từ nguồn thực vật để thay thế một phần lượng xăng dầu.
Brazil là nước đi đầu với chương trình quốc gia ủng hộ cồn từ năm 1975, sử dụng ethanol (cồn) sản xuất từ bã mía để pha vào xăng với tỷ lệ đến 20%, dùng trong ngành vận tải. Tiếp theo là Mỹ, bắt đầu thử nghiệm từ năm 1976 sau đợt khủng hoảng năng lượng tồi tệ năm 1973. Từ năm 1978, Quốc hội Mỹ đã công nhận những lợi ích của ethanol trong nhiên liệu và dùng biện pháp giảm thuế đối với xăng pha ethanol để khuyến khích phát triển thị trường nhiên liệu này. Thái Lan cũng đã sử dụng xăng pha cồn với tỷ lệ 15% sản xuất từ phế thải sắn, bắp, cây bắp, đường, bã mía và một cuộc họp quốc tế về chủ đề này đã được tổ chức tại Băng - cốc hồi tháng 9-2004.
Tháng 9-2003, Giám đốc Ủy ban về dừa của Philippines (PCA), Tiến sĩ L. Orillaneda thông báo nước này đã sản xuất được diesel từ dầu dừa với giá 6 peso/lít trong khi các phụ gia nhiên liệu khác có giá 480 peso/lít. Ông còn cho biết Nhật Bản và Mỹ đã đề nghị liên doanh sản xuất sản phẩm này, góp phần giảm thiểu lượng diesel sản xuất từ dầu thô. Mới đây nhất, Mỹ đã thí nghiệm thành công việc pha trộn xăng máy bay với một phần nhiên liệu chiết xuất từ cơm dừa.
Nói chung các loại cồn công nghiệp như metilic, etilic, butilic... được dùng như chất thay thế các loại xăng ô-tô, chất trộn vào xăng hoặc như nguyên liệu để sản xuất các loại xăng dầu tổng hợp. Ưu điểm của cồn là có chỉ số octane cao, loại bỏ hoàn toàn các phụ gia có chứa chì trong xăng, nhiệt lượng xấp xỉ với xăng. Nhưng nhược điểm của chúng là phát thải nhiều khí NOx và ăn mòn kim loại lớn hơn xăng thông thường. Hiện nay, các nhà khoa học đang nghiên cứu để tìm cách hạn chế các nhược điểm này bằng các biện pháp công nghệ như trộn thêm các phụ gia chống ăn mòn. Tuy nhiên, trước mắt, các nhược điểm này có thể chấp nhận được về phương diện cơ học và môi trường khi pha trộn với tỷ lệ thấp. Vì vậy, Quốc hội Mỹ đã ban hành luật cho phép các bang được pha trộn cồn vào xăng ô-tô với tỷ lệ khoảng 10%. California, New York, Connecticut là những nơi đã sử dụng rộng rãi xăng pha cồn. Tính ra, nếu sử dụng xăng pha cồn thì nước Mỹ giảm nhập khẩu xăng được 100 triệu đô-la/ngày. Về mặt sản xuất trong nước, Quốc hội Mỹ sắp ban hành dự luật năng lượng vào đầu năm 2005 khuyến khích tăng sản lượng ethanol trong vòng 10 năm tới với mức 500.000 thùng ethanol/ngày (1 thùng = 169 lít) và đến năm 2025 sẽ giảm được 33,5 tỷ thùng dầu thô.
Về mặt kỹ thuật, tăng thêm 10% ethanol vào xăng thì chỉ số octane tăng thêm ba điểm, hiệu suất nhiên liệu tăng và do hàm lượng oxy trong ethanol cao nên giúp xăng được đốt sạch hơn, giảm khí thải CO, CO2 , ít tác động đến môi trường hơn so với dùng xăng thông thường. Về mặt kinh tế, ngoài việc không phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu xăng, việc này còn giúp giảm giá xăng, tăng giá trị cho các phế thải nông nghiệp, phát triển công nghiệp sản xuất cồn, tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội và tăng thu nhập cho nông dân.
Việt Nam là nước nông nghiệp, các loại phế thải thực vật dồi dào, nhất là ở những địa phương sản xuất bắp, khoai, sắn, mía, đường, dừa... và vẫn phải nhập khẩu xăng dầu, hằng năm đến 12 triệu tấn, nên thiết nghĩ Nhà nước cần nghiên cứu, ứng dụng xăng pha cồn cho các phương tiện vận tải như một biện pháp tiết kiệm năng lượng và xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, giá cồn công nghiệp ở nước ta là 2.500 đồng/1ít. Nếu chỉ giới hạn trong việc pha trộn 10% cồn vào xăng, hằng năm chúng ta đã tiết kiệm được hằng trăm triệu đô-la Mỹ để nhập khẩu đồng thời hàng triệu người tiêu dùng được hưởng lợi do giá xăng không quá cao và nông dân nghèo có thêm thu nhập. Việc đầu tiên cần làm là Chính phủ nên cho phép thử nghiệm sử dụng xăng pha cồn như các nước khác để tạo khung pháp lý tối thiểu, tránh cho nhà sản xuất - kinh doanh những rắc rối về pháp luật. Việc tiếp theo là cần nghiên cứu các đặc trưng kinh tế, kỹ thuật của xăng pha cồn, các ưu điểm và nhược điểm, các biện pháp cải tiến chất lượng và xác định tỷ lệ pha trộn tối ưu, đồng thời tìm sự hợp tác với Thái-lan, Philippines, Indonesia, Brazil, Nhật Bản... để sản xuất diesel từ nguồn thực vật.
Các công việc nói trên không những góp phần giải quyết các khó khăn trước mắt do giá xăng dầu tăng cao mà còn mở ra một hướng phát triển lâu dài về sản xuất nhiên liệu sinh học dựa trên những ưu thế nội tại của đất nước, bổ sung thêm nguồn năng lượng cho nước nhà.