PGS, TS Nguyễn Viết Nhung: Mục tiêu giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong tại Đồng Nai

NDO -

Sáng 2/8, 32 y, bác sĩ của Bệnh viện Phổi Trung ương lên đường tới Đồng Nai. Nhiệm vụ lần này của họ là hỗ trợ Đồng Nai thành lập và vận hành Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 với mục tiêu giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong tại Đồng Nai, đặc biệt ở bệnh nhân tầng thứ 2. 

Đoàn cán bộ y tế Bệnh viện Phổi Trung ương quyết tâm hỗ trợ Đồng Nai khống chế được dịch bệnh.
Đoàn cán bộ y tế Bệnh viện Phổi Trung ương quyết tâm hỗ trợ Đồng Nai khống chế được dịch bệnh.

Trung tâm là tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh Covid-19 tại tỉnh Đồng Nai có chức năng tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị bệnh nhân Covid-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trong khu vực được phân công.

Đứng thứ ba cả nước, Đồng Nai đối mặt với nhiều thách thức

Đồng Nai hiện đang đứng thứ ba cả nước về số ca mắc Covid-19 với hơn 4.000 ca mắc, thiệt hại nặng nề chỉ sau TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Số ca tăng nhanh liên tục những ngày qua, gây quá tải cho hệ thống điều trị, đặc biệt là ở tầng thứ 3 điều trị bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Vừa trở về từ Đồng Nai, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chia sẻ, dịch diễn biến nhanh tại Đồng Nai vì tại đây có nhiều khu công nghiệp, dân số đông và đã có sự lây nhiễm trên diện rộng tại các khu công nghiệp. Đặc biệt, thời gian qua dòng người đổ về từ TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn chưa thực hiện nghiêm giãn cách xã hội đã mang theo nguồn lây về địa phương.

So với một số tỉnh Đông Nam bộ, năng lực hồi sức cấp cứu của Đồng Nai có khá hơn nhưng chưa đáp ứng nhu cầu khi số ca tăng nhanh.

“Ngày 29/7, Đồng Nai mới có gần 4.000 ca nhiễm, nhưng số ngoài cộng đồng được dự đoán có thể đến 6.000-8.000, vì thế Bộ Y tế tính số bệnh nhân nặng cần phải có khu điều trị cấp cứu lên tới 400 giường. Nhưng hiện tại, Đồng Nai chỉ có 2 cơ sở y tế lớn là Bệnh viện Thống Nhất có 70 giường, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai có 30 giường hồi sức tích cực. Số trang thiết bị hồi sức như máy thở chỉ đáp ứng được 1/5 số bệnh nhân. Nếu Đồng Nai không chuẩn bị trung tâm hồi sức, sẽ không kịp đáp ứng với tình hình dịch”, PGS Nhung nói.

GS, TS Nguyễn Viết Nhung: Mục tiêu giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong tại Đồng Nai -0
 Các trang thiết bị được đóng gói cẩn thận vận chuyển vào Đồng Nai.

Với sự phân công của Bộ Y tế, Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện K Trung ương phối hợp thành lập Trung tâm hồi sức cấp cứu cho Đồng Nai có quy mô 500 giường với mục tiêu không chỉ cho Đồng Nai mà còn cho một số tỉnh chung quanh khi dịch lan rộng.

PGS Nguyễn Viết Nhung cho biết, sự chi viện cho Đồng Nai sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, bệnh viện cử cán bộ và máy móc vào hoàn thiện giường cấp cứu bao gồm 10 máy thở, 10 moniter theo dõi bệnh nhân, bơm kim điện và 1 loạt dụng cụ, trang thiết bị hồi sức giúp cho 70 giường có sẵn có năng lực điều trị tốt hơn.

“Chúng tôi cũng mang 1 hệ thống xét nghiệm Gene Xpert cùng 360 kit test và 400 bộ dụng cụ lấy mẫu để giúp địa phương xét nghiệm SARS-CoV-2 với mục tiêu chính không phải chỉ cho hồi sức cấp cứu mà còn giúp cho mô hình chống dịch của Bệnh viện Thống nhất an toàn trong phòng chống dịch một cách toàn diện”, ông Nhung nói.

Giai đoạn 2 khi dịch tăng lên, Bệnh viện Phổi Trung ương Nai sẽ mở rộng, mua sắm trang thiết bị tăng thêm 100  giường.

Bệnh viện cũng kêu gọi một số nhà hỗ trợ cho Đồng Nai 150 máy ô-xy dòng cao, để hướng dẫn, đào tạo cho nhiều cơ sở điều trị. Nếu những cơ sở ở tầng bệnh nhân làm tốt, bệnh nhân không cần thở máy chỉ dùng ô-xy dòng cao sẽ điều trị tại chỗ, giảm tải cho trung tâm cấp cứu cấp độ 3.

Nỗ lực đưa Đồng Nai vượt qua đại dịch Covid-19

Nhận nhiệm vụ trưởng đoàn chi viện đợt đầu cho Đồng Nai, ThS, BS Vũ Văn Thành, Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính chia sẻ, Bệnh viện Phổi Trung ương cử 32 y, bác sĩ có kinh nghiệm trong hồi sức cấp cứu hô hấp cùng với trang thiết bị hỗ trợ Đồng Nai, trong đó có 10 bác sĩ hồi sức tích cực và 22 điều dưỡng.

GS, TS Nguyễn Viết Nhung: Mục tiêu giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong tại Đồng Nai -0
 PGS, TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương trao tặng quà cho các cán bộ y tế trước khi lên đường.

Là một bác sĩ trẻ, lần đầu bước chân vào mặt trận điều trị Covid-19 nóng bỏng, BS nội trú Lê Tuấn Long, khoa Hồi sức tích cực tâm sự: “Khi chứng kiến những đồng nghiệp ở tuyến đầu đã tham gia chống dịch trong suốt hơn 1 năm qua, tôi cũng muốn chia lửa cho anh em tuyến đầu, với quyết tâm khống chế được dịch tại Đồng Nai sẽ trở về”.

Sáng nay, chia tay các đồng nghiệp, PGS, TS Nguyễn Viết Nhung đã gửi lời chúc các chiến sĩ áo trắng bình an và dốc hết sức lực để hỗ trợ địa phương về mặt chuyên môn một cách tốt nhất.

"Với việc thành lập Trung tâm hồi sức tích cực, nếu làm tốt phân loại, điều trị cả 3 tầng thì tầng thứ ba sẽ giảm tải, năng lực hồi sức cấp cứu có thể đáp ứng tương đối”, PGS Nhung nhấn mạnh với các đồng nghiệp.

Bên cạnh đó, lực lượng chi viện sẽ đào tạo cán bộ y tế địa phương tăng năng lực xét nghiệm kit nhanh tốt hơn, phân cấp, phân quyền nữa xuống các khu công nghiệp để họ tự lấy mẫu, không thể phụ thuộc ngành y tế.

Các cán bộ y tế cũng sẽ hỗ trợ chuyên môn cho địa phương đánh giá tiêu chí phát hiện F0 nhanh nhất, mở rộng khu thu dung F0, thậm chí có thể áp dụng mô hình cách ly F0 ở nhà nếu đủ điều kiện.

GS, TS Nguyễn Viết Nhung: Mục tiêu giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong tại Đồng Nai -0
 PGS, TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương chúc các đồng nghiệp bình an, hoàn thành nhiệm vụ.

Theo PGS Nhung, điều Đồng Nai cần phải làm sớm là xây dựng cơ sở dữ liệu số một cách triệt để hơn nữa, bản đồ hóa giường bệnh các cấp, xây dựng đường dây nóng bảo đảm thông suốt phục vụ người bệnh.

“Mục tiêu đặt ra là hạn chế tỷ lệ F0 nhẹ phải đi viện, hạn chế tỷ lệ bệnh nhân ở tầng trung bình lên tầng nặng là thành công. Chúng ta sẽ phải chấp nhận có ca tử vong ở tầng thứ 3, nhưng phân loại tốt, phát hiện sớm sẽ giảm thiểu tối đa tỷ lệ tử vong ở tầng điều trị 1, 2”, ông Nhung cho hay.  

Theo PGS Nhung, nếu Đồng Nai làm quyết liệt như đợt vừa rồi, tương tự như TP Hồ Chí Minh, có thể trong 1-2 tuần nữa, dịch sẽ có chiều hướng chững lại.

Đến nay, Bộ Y tế đã cử đoàn công tác đặc biệt do PGS, TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thường trực chống dịch tại Đồng Nai.

Một đoàn cán bộ Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã đóng quân tại Đồng Nai hỗ trợ cho Bệnh viện Thống Nhất.

Trong trường hợp cần thiết, Bệnh viện 71 Trung ương Thanh Hóa sẽ phối hợp cùng Bệnh viện Phổi Trung ương chi viện cho Đồng Nai.

Hôm qua, 1/8, 11 y, bác sĩ Bệnh viện K Trung ương cùng trang thiết bị đã vào Đồng Nai để hỗ trợ cho Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Thống Nhất.

Dồn sức dập dịch tại các tỉnh thành phía nam