Đó là kết luận trong Mô hình Giả định do PGS, TS, BS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp, Bộ môn Y học gia đình, Trường đại học Y Hà Nội trình bày tại tọa đàm trực tuyến “Cai thuốc và giảm tác hại: Hai giải pháp bổ trợ để kiểm soát thuốc lá” do Báo Thanh Niên tổ chức vào ngày 22/12 vừa qua.
Giải pháp giảm tác hại thuốc lá dùng cho ai?
Tại toạ đàm, các chuyên gia y tế đều khẳng định, cai thuốc là biện pháp tiên quyết để giảm nguy cơ liên quan đến các bệnh do hút thuốc lá. Song, thực tế cho thấy tỷ lệ thành công rất thấp. TS, BS Phạm Tuấn Anh - Phó Trưởng khoa Điều trị A, Bệnh viện K Trung ương dẫn chứng, tại Việt Nam, tỷ lệ cai thuốc chỉ giảm được 1% trong 5 năm vừa qua.
Cũng tại tọa đàm, theo nhận định từ PGS, TS, BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh, các giải pháp giảm tác hại khói thuốc (như dược phẩm thay thế nicotine hoặc các sản phẩm thuốc lá mới) dù vẫn chứa nicotine, nhưng giảm đáng kể hàm lượng các chất độc hại nhờ vào nguyên lý không đốt cháy.
Dù vậy, PGS Ngọc nhấn mạnh, các biện pháp giảm tác hại bằng thuốc lá mới chỉ được khuyến cáo cho người hút thuốc đã nỗ lực cai thuốc nhưng thất bại, đặc biệt là các bệnh nhân COPD được bác sĩ chỉ định cai thuốc nhưng không thành công. PGS Ngọc cũng khẳng định, tất cả mọi loại thuốc lá đều có hại nên cần tránh tuyệt đối việc tiếp xúc của giới trẻ.
Lợi ích kép khi áp dụng song hành chiến lược giảm tác hại và cai thuốc lá
Chia sẻ về chiến lược làm thế nào để giải quyết vấn nạn hút thuốc lá hiện nay, PGS Trần Khánh Toàn nhấn mạnh tính hiệu quả của việc triển khai trong cộng đồng song song biện pháp giảm tác hại bên cạnh chiến lược cai thuốc hiện nay.
Về mặt kinh tế, PGS Trần Khánh Toàn thông tin, hiện nay chi phí điều trị các bệnh lý liên quan đến thuốc lá mỗi năm trên toàn cầu lên đến 1400 tỷ USD. Tại Việt Nam, con số này là 1,17 tỷ USD vào năm 2011, tương đương 1% GDP của cả nước. Do đó, việc thực hiện biện pháp kép nêu trên trong chiến lược kiểm soát thuốc lá sẽ giúp các quốc gia giảm áp lực và gánh nặng cho hệ thống y tế do hút thuốc lá, dồn ngân sách cho các hoạt động an sinh xã hội khác.
Về mặt sức khỏe, lợi ích tiềm năng đó là cải thiện chất lượng sống, kéo dài tuổi thọ và hạn chế các yếu tố nguy cơ về bệnh tật, tử vong cho những người chưa thể cai thuốc được. Cụ thể hơn, BS Trần Khánh Toàn phân tích: “Nếu bắt đầu can thiệp áp dụng biện pháp giảm tác hại thuốc lá bằng sản phẩm thay thế từ năm 2024, và giả định mỗi năm chúng ta có khoảng 10% những người đang hút thuốc lá điếu chuyển sang sản phẩm thay thế, với mức giảm 70% nguy cơ mắc bệnh so với thuốc lá thông thường; thì mỗi năm chúng ta có thể giảm được 1,5 nghìn tỷ đồng cho chi phí y tế để điều trị các bệnh liên quan thuốc lá, đồng thời có thể giảm được 4700 trường hợp tử vong do thuốc lá”
Theo BS Trần Khánh Toàn: “Cũng trên cơ sở đó, từ đây đến năm 2030, chúng ta có thể giảm tỷ lệ hút thuốc lá điếu xuống dưới 30%, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36% vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030”.
Đồng quan điểm, ThS, BS Lê Đình Phương, Trưởng Khoa nội Tổng quát, Bệnh viện FV chia sẻ thêm, mô hình chuyển đổi từ thuốc lá điếu sang các sản phẩm thuốc lá mới giảm tác hại đã chứng thực hiệu quả tại nhiều quốc gia.
Theo đó, tại Nhật Bản, khi biện pháp giảm tác hại thuốc lá được áp dụng với sản phẩm thay thế cho thuốc lá điếu, tỷ lệ nhập viện của bệnh nhồi máu cơ tim và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) đã giảm đi rõ rệt. Ngoài ra, một nghiên cứu trên 5 triệu người Hàn Quốc cũng chỉ ra, nguy cơ các bệnh liên quan đến khói thuốc (như đột quỵ, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim…) đã giảm đi một nửa ở nhóm người chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá làm nóng.
PGS Toàn cho biết, hiện nhiều nước thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều quản lý thuốc lá mới theo luật hiện hành. Ở một số quốc gia, luật quản lý các sản phẩm thuốc lá mới có phần nới lỏng hơn thuốc lá điếu nhằm khuyến khích chuyển đổi. Điển hình, tại Thụy Điển, thuế thuốc lá làm nóng chỉ bằng 36% thuốc lá điếu thông thường. Đây cũng là quốc gia gần đạt mục tiêu không khói thuốc, tức giảm tỷ lệ người hút thuốc lá xuống 5%.
Hiện các sản phẩm thuốc lá mới đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều là hàng lậu từ chợ đen, không rõ nguồn gốc, chất lượng. Chính lỗ hổng trong quản lý đã khiến cho mặt hàng này bị biến tướng, trá hình, không chỉ không đem lại lợi ích cho cộng đồng mà còn gây hệ lụy khó lường cho xã hội. Do vậy, các chuyên gia đều đồng tình cần xem thuốc lá mới là một loại hàng hóa và quản lý chặt chẽ như mọi loại thuốc lá.
Đồng thời, cần tách bạch các loại thuốc lá mới khác nhau để đưa ra giới hạn kiểm soát phù hợp cho từng loại một cách nhanh chóng. Điều này không chỉ phù hợp với thực tiễn xã hội, điều kiện trong nước, mà còn tương ứng với hệ thống quy định của pháp luật hiện hành.