Ông Nguyễn Đức Chung có trách nhiệm trong các vụ việc liên quan Nhật Cường, xử lý nước hồ ô nhiễm

NDO -

Tại buổi họp báo thường kỳ của Văn phòng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết một số thông tin liên quan đến trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung đối với vụ Nhật Cường  và việc xử lý ô nhiễm nước hồ từ chế phẩm Redoxy-3C…

Ảnh: VGP.
Ảnh: VGP.

Liên quan ông Nguyễn Đức Chung, Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết, ngày 28-8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và thực hiện biện pháp tạm giam với ông Chung về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật, có một số tài liệu liên quan đến vụ Nhật Cường.

Theo đó, liên quan vụ Nhật Cường, Bộ Công an đã khởi tố 28 bị can với bốn tội danh: Buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán, rửa tiền, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong số 28 bị can, Bùi Quang Huy bị khởi tố cả bốn tội danh; Bùi Quang Huy sử dụng tư cách pháp nhân của Nhật Cường để tổ chức buôn lậu 260 nghìn sản phẩm điện thoại và thiết bị điện tử các loại với giá trị 3.200 tỷ đồng; ngoài trốn thuế, lập sổ sách kế toán che giấu trốn thuế khoảng 30 tỷ đồng. Qua quá trình điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra thấy rằng gói thầu số hóa của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cần làm rõ hành vi vi phạm về đấu thầu, trong này có một phần trách nhiệm của ông Nguyễn Đức Chung.

Về vi phạm quy định quản lý tài sản, gây thất thoát tại thành phố Hà Nội, quá trình triển khai việc xử lý ô nhiễm nước hồ từ chế phẩm Redoxy-3C, Hà Nội đã trực tiếp đàm phán với đối tác ở Đức sản xuất hóa chất này riêng cho Hà Nội, nghiên cứu các đặc tính của sông, hồ Hà Nội. Nếu Hà Nội ký trực tiếp với Công ty Watch Water GmbH thì rất lý tưởng. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy do phải ký với công ty đại lý nên gây thất thoát cho Nhà nước khoảng 41 tỷ đồng. Với vai trò là Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Chung có trách nhiệm ở đây. Còn trách nhiệm đến đâu, đến mức nào thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ.

* Liên quan vụ nâng khống giá trị thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Chánh Văn phòng Bộ Công an Tô Ân Xô cho biết, kết quả điều tra bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định một số cá nhân ở Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) và Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS) có hành vi câu kết nâng khống giá trị hệ thống thiết bị y tế, chiếm đoạt tiền của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Cụ thể, trong quá trình lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ thần kinh, theo tờ khai hải quan ghi nhận nhập khẩu hệ thống robot hỗ trợ thần kinh có giá trị khoảng 7,4 tỷ đồng, bao gồm cả thuế VAT. Tuy nhiên, các đối tượng này đã câu kết với nhau nâng giá của hệ thống lên 39 tỷ đồng, được hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý, đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai. Giá của hệ thống robot là 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao máy 1 ca bệnh là hơn 4 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá họ khai là 39 tỷ đồng thì người bệnh phải chi trả chi phí khấu hao máy 23 triệu đồng/ca.

Trong các năm từ 2017-2019, Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán 550 ca, số tiền chênh lệch được các đối tượng hưởng lợi là hơn 10 tỷ đồng. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đang tập trung điều tra, làm rõ các hành vi vi phạm của các bị can, mở rộng điều tra tìm ra sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Liên quan vấn đề này, Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết, sau khi vụ việc xảy ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, trong đó có Bệnh viện Bạch Mai, rà soát lại các hợp đồng liên doanh, liên kết, giảm giá dịch vụ trên các máy đầu tư… điều chỉnh 18 dịch vụ xuống bằng mức giá thanh toán với các cơ quan bảo hiểm y tế. Bệnh viện cũng đã đàm phán, thương thảo với các đơn vị liên kết để điều chỉnh giá một số dịch vụ. Riêng với máy giảm tới 5 triệu đồng thì giảm xuống còn 4,3 triệu đồng/ca; giảm giá 28 triệu đồng xuống còn 24 triệu đồng/ca; tham mưu cho lãnh đạo Bộ có chỉ thị về liên doanh, liên kết. Trong tuần tới, chỉ thị này sẽ được ban hành.

* Liên quan vấn đề mở lại một số đường bay quốc tế, Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã có văn bản báo cáo lên Chính phủ từ ngày 3-9 về việc mở lại các đường bay quốc tế được đánh giá là có tính an toàn cao cũng như theo đề xuất của phía đối tác.

Bộ có đề xuất hai mốc là ngày 15-9 mở lại đường bay quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; ngày 22-9 dự kiến mở lại đường bay tới Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia.

Các đối tượng được Bộ GTVT kiến nghị gồm: các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động công vụ, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước, công dân Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, các chuyên gia nước ngoài đang thực hiện các dự án tại Việt Nam.

Về quy định kiểm dịch, Bộ GTVT đã đánh giá trên cơ sở năng lực cách ly của các địa phương, đưa ra tần suất bay 1 tuần/chuyến/quốc gia và chuyến bay chiều ngược lại. Dự kiến có khoảng 5.000 khách sẽ nhập cảnh trong tháng 9.

Quy trình kiểm dịch hiện đã có nhiều văn bản của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đối với công dân Việt Nam, đối với các chuyên gia sẽ được áp dụng để đảm bảo chống dịch… Bộ GTVT đã thảo luận các nhà chức trách hàng không, các hãng bay… để có thể đưa ra giải pháp tốt nhất.

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường cho biết thêm, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thống nhất mở lại đường bay quốc tế từ ngày 15-9. Các phương án đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng để bảo đảm an toàn cho người dân. Lực lượng quân đội có vai trò quan trọng trong việc cách ly. Bộ Y tế đã ban hành một loạt quy trình hướng dẫn cách ly từ gia đình, công xưởng, nhà máy, trường học, nơi công cộng…; đồng thời tin tưởng sau khi mở lại đường bay quốc tế sẽ vừa bảo đảm an toàn cho người dân vừa phát triển kinh tế.

Đình chỉ chức vụ Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội với đồng chí Nguyễn Đức Chung 

Khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung

Tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND đối với ông Nguyễn Đức Chung