Ông E. Macron ghi điểm trong tranh luận trực tiếp trên truyền hình

NDO -

Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tối 20/4, hai ứng cử viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen đã tranh luận quyết liệt để bảo vệ cương lĩnh tranh cử. Kết quả thăm dò ý kiến của khán giả và phân tích của các chuyên gia cho thấy ông Emmanuel Macron đã bảo vệ cương lĩnh tranh cử tốt hơn đối thủ.

Ông Emmanuel Macron tiếp tục chiếm ưu thế trong lần tranh luận trực tiếp thứ hai trên truyền hình kể từ năm 2017.
Ông Emmanuel Macron tiếp tục chiếm ưu thế trong lần tranh luận trực tiếp thứ hai trên truyền hình kể từ năm 2017.

Tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng cử viên lọt vào vòng hai bầu cử tổng thống Pháp là sự kiện được mong đợi nhất đối với cử tri Pháp. Trong suốt gần 3 giờ, hai ứng cử viên đã thể hiện sự khác biệt trong tất cả các vấn đề đối nội và đối ngoại.

Mở đầu là chủ đề nóng về sức mua, vai trò của nước Pháp trong châu Âu, cuộc xung đột tại Ukraine và mối quan hệ với Nga, cải cách hưu trí và hệ thống y tế sau dịch bệnh. Tiếp theo là các chủ đề về khí hậu, công nghệ cao, kinh tế số, giáo dục và đào tạo, an ninh, nhập cư, đạo Hồi hay các cuộc trưng cầu dân ý…

Sau thất bại nặng nề trong cuộc tranh luận tay đôi với ông Emmanuel Macron vào năm 2017, bà Marine Le Pen, đảng cực hữu Tập hợp Dân tộc, đã nỗ lực rất nhiều để nắm vững mọi hồ sơ cho cuộc tranh luận tối 20/4, nhất là vấn đề sức mua của dân Pháp, chủ đề được đề cập đầu tiên.

Là người phát biểu đầu tiên, ứng cử viên cực hữu đã tấn công vào kết quả lãnh đạo nước Pháp của ông Macron trong nhiệm kỳ vừa qua, cho rằng cuộc sống của người dân Pháp đã khó khăn hơn nhiều do lạm phát tăng cao, giá năng lượng, thực phẩm leo thang và mức nợ công ngày càng lớn.

Trong khi đó, ông Emmanuel Macron chỉ trích cương lĩnh tranh cử của đối thủ, cho rằng các cam kết giải quyết những thách thức của nước Pháp không khả thi và mâu thuẫn về bài toán kinh tế cho các vấn đề hưu trí, năng lượng, sinh thái... Là người có nhiều kinh nghiệm quản lý trên tất cả các hồ sơ đối nội và đối ngoại, ông Emmanuel Macron đã hóa giải dễ dàng các câu hỏi của đối thủ, luôn giành thế chủ động trong suốt cuộc tranh luận.

Đề cập đến kế hoạch hành động nếu đắc cử, bà Marine Le Pen khẳng định sẽ lãnh đạo nước Pháp để trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ và an ninh. Còn ông Emmanuel cam kết làm cho nước Pháp độc lập hơn, mạnh hơn thông qua sự phát triển về kinh tế, việc làm, nghiên cứu, đổi mới và văn hóa.

Kết quả thăm dò khán giả do hãng Elabe thực hiện ngay sau cuộc tranh luận cho thấy 59% đánh giá ông Emmanuel Macron trình bày và phản biện thuyết phục hơn. Bà Marine Le Pen được 39% khán giả ủng hộ, còn 2% không có ý kiến.

Trong hai ngày 21 và 22/4, hai ứng cử viên lọt vào vòng hai tiếp tục đi vận động bầu cử ở các địa phương, đồng thời tìm cách thu hút lá phiếu của những cư tri ủng hộ các ứng cử viên đã bị loại ở vòng một. Trong số này có cử tri ủng hộ ứng cử viên Jean-Luc Mélenchon, người có 22% phiếu bầu, đã kêu gọi cử tri "không bỏ một phiếu nào" cho ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen nhưng cũng không kêu gọi họ bầu cho ông Emmanuel Macron. 

Cho tới nay, ông Emmanuel Macron đã nhận được cam kết ủng hộ của nhiều đảng phái, nhân vật chính trị và cả hai nghiệp đoàn lớn nhất tại Pháp gồm CGT và CFDT. Dù vậy, những người ủng hộ ông và các nhà phân tích cho rằng bất ngờ vẫn có thể xảy ra. Lý do là vì nhiều cử tri sẽ không đi bỏ phiếu do nghĩ rằng kết quả sẽ đúng như thăm dò ý định bỏ phiếu.

Hơn thế nữa, trong cuộc tranh luận tối 20/4, bà Marine Le Pen đã thay đổi quan điểm về một số vấn đề, như không muốn nước Pháp ra khỏi EU mà chỉ muốn cải tổ cơ chế hoạt động. Kết quả thăm dò ý định bầu cũng cho thấy tỷ lệ phiếu bầu của hai ứng cử viên có thể sẽ không cách biệt quá xa như năm 2017.