Ông đồ trẻ và hành trình theo đuổi chữ Hán - Nôm

NDO -

NDĐT- Thế hệ những người trẻ nghiên cứu chữ Hán - Nôm được hưởng nhiều từ công nghệ thông tin, giúp họ tìm đến với kho tư liệu của các thư viện. Nhờ đó, con đường "ngược dòng" tìm lại lịch sử, giá trị văn hóa truyền thống mà chàng trai xứ Nghệ, Trần Mạnh Cường theo đuổi đã mở rộng cửa hơn.

Ông đồ Cường bên quần thể bia văn chỉ xã Trung Sơn, Đô Lương.
Ông đồ Cường bên quần thể bia văn chỉ xã Trung Sơn, Đô Lương.

26 tuổi mê văn bia, tư liệu cổ

Với Trần Mạnh Cường, tiếng nói của cha ông từ ngàn năm trước không chỉ là đam mê mà đã trở thành “duyên” và “nghiệp” của đời anh.

Mạnh Cường tự nhận mình là người hiếu cổ. Ngay từ nhỏ, anh đã có đam mê với những đồ vật, câu chuyện thời xa xưa. Tuổi thơ anh gắn liền với đồng bào dân tộc, bản làng và không khí văn hóa đậm chất hoài niệm. Vậy nên cũng dễ hiểu vì sao anh nhanh chóng bị thứ ngôn ngữ cổ mê hoặc. Ban đầu, anh chỉ tìm hiểu vì tò mò, nhưng rồi trong quá trình tự học, càng ngày anh càng bị thu hút.

Thời gian đầu, anh chỉ định xem việc tìm hiểu ngôn ngữ Hán - Nôm như là nghề tay trái. Nhưng sau khi nguyện vọng thi vào Trường Đại học Luật không thành, anh quyết định nộp đơn vào khoa Hán – Nôm của trường Đại học Khoa học Huế. Bỏ ngoài tai sự phản đối của gia đình và bạn bè, anh tin tưởng đây chính là con đường duy nhất để có thể tiếp tục theo đuổi đam mê, sở thích của mình.

Không ngại khó, chỉ sợ thiếu kiến thức

Ban đầu khá vất vả, bởi những kiến thức trong sách vở không đủ để Mạnh Cường áp dụng vào công việc thực tế. Nếu gặp phải tấm bia chữ đã bị mốc, mờ hay sứt mẻ, việc dịch thuật sẽ càng khó khăn gấp bội. Rất may, thời sinh viên, Mạnh Cường đã có thói quen hay đi. Cứ nơi nào trong thành phố có câu đối hay biển hiệu viết bằng chữ Hán – Nôm là anh lại đạp xe đến, cố dịch nghĩa cho bằng được. Nhờ vậy, anh có được nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc phán đoán, suy luận nét chữ. Kinh nghiệm cùng với phương châm “quyết tâm đi nhiều quen tay”, Mạnh Cường nhanh chóng tiến bộ và gặt hái được nhiều thành công trong công việc của mình.

Ông đồ trẻ và hành trình theo đuổi chữ Hán - Nôm ảnh 1

Ông đồ Cường (bên trái) trong một lần đi tìm hiểu tư liệu về dòng họ Phan, Yên Thành.

Năm 2010, cầm tấm bằng giỏi trên tay, anh Cường được bố trí về làm việc tại thư viện tỉnh Nghệ An. Chưa bằng long với công việc bàn giấy, có thời gian rảnh, anh tranh thủ rong ruổi trên con xe “cà tàng” đi “điền dã” khắp các vùng quê. Anh kì công tìm đến những ngôi đền, miếu, nhà thờ họ,… nổi danh để khám phá những tư liệu và văn bia cổ chưa ai biết.

Năm 2013, Bảo tàng Quốc gia Kyusu (Nhật Bản) phát hiện một bức quốc thư cổ, niên đại 423 năm của Việt Nam gửi đến Nhật Bản. Ngay khi ảnh chụp thư tịch viết bằng chữ Hán được lưu truyền trên mạng, đã có nhiều suy đoán về nguồn gốc, người viết và nội dung văn bản, nhưng chưa có ý kiến nào đủ độ tin cậy và chính xác.

Trong quá trình dịch thuật, Mạnh Cường phát hiện nội dung thư nói về việc trao đổi các sản vật giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật Bản, cũng như tác giả bức thư họ Nguyễn, tước hiệu Phúc Nghĩa Hầu. Lần theo các mốc lịch sử của thời đó cùng với một số thư bang giao Việt – Nhật khác và những tư liệu thu thập được từ các dòng họ, anh đã tìm ra danh tính thật sự của nhân vật, chính là Phúc Nghĩa Hầu - Nguyễn Cảnh Đoan, con trai thứ tám của Thái phó Nguyễn Cảnh Hoan và mẹ. Ông là người xã Đại Đồng, Thanh Chương, Nghệ An.

Qua nhiều kênh thông tin, cuối cùng ông đồ Cường đã có đủ cơ sở để khẳng định quan điểm của mình về tác giả, nội dung và ý nghĩa của bức quốc thư. Anh Mạnh Cường nhận xét, đây là tài liệu mở ra thời kì phát triển rực rỡ nhất trong mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam – Nhật Bản, được gọi là thời kì “Châu ấn thuyền”. Những phát kiến của anh góp phần giúp giới sử học gợi mở nhiều điều về mối quan hệ bang giao truyền thống của hai nước trong lịch sử.

Đồng thời, anh cũng tìm ra manh mối cho thấy sự phồn thịnh của cảng Phục Lễ (Hưng Nguyên, Nghệ An) vào thế kỷ XVI. Cảng Phục lễ lúc bấy giờ được coi là thương cảng quốc tế sầm uất và quan trọng nhất của nước ta. Tuy nhiên, vì nhiều lí do nên thương cảng một thời vang bóng này đã suy tàn và hoàn toàn biến mất. Nhờ thông tin lịch sử mới của Cường, mà người xứ Nghệ mới biết đến vùng đất Hưng Nguyên như là một “Hội An” dưới thời Trịnh – Nguyễn.

Quãng thời gian gắn bó với nghề khiến anh Trần Mạnh Cường nhận ra rằng, Nghệ An là mảnh đất cổ, có bề dày truyền thống về lịch sử, văn hóa. Nhưng tiếc thay, hiện nay lại không có người đào sâu để nghiên cứu. Cường tự thấy không ai khác, mình phải có trách nhiệm với công việc đó. Đã nhiều năm nay, với đồng lương ít ỏi, một mình anh rong ruổi khắp nơi để khám phá, tìm hiểu về lịch sử quê hương mình. Dường như, bất cứ huyện, xã nào ở Nghệ An cũng từng in dấu chân anh. Không chỉ đi các địa danh trong tỉnh, anh còn tìm đến những nơi có liên hệ mật thiết với con người, vùng đất Nghệ An, như: Cảng Nhà Rồng, Huế, Hội An, Hải Dương, Bình Định,…

Ước muốn lớn nhất của Trần Mạnh Cường là trở thành một nhà “Nghệ An học”, dùng vốn kiến thức sâu rộng của mình về mảnh đất “địa linh nhân kiệt” này để gợi mở, phát huy nguồn lịch sử quý báu, cũng như bảo vệ những dấu tích văn hóa còn lưu lại nơi xứ Nghệ.