Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh ngày 12/3/1920 (giấy khai sinh ghi năm 1923) tại Hà Nội. Năm 1941, ông tốt nghiệp trường Bách Nghệ (Hà Nội), sau đó làm trưởng một xưởng công nghệ.
Năm 1951, ông sang Pháp học tại Đại học Công giáo Paris, tốt nghiệp cử nhân năm 1953. Trong thời gian ở Pháp, ông cùng các nhà trí thức Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Nguyễn Ngọc Bích tham gia vận động phong trào kêu gọi Chính phủ Pháp đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh.
Năm 1954, ông cùng các trí thức nói trên sang Thụy Sĩ ủng hộ phái đoàn do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu dự hiệp định Geneva. Đầu năm 1955 ông về nước làm Giáo sư sử địa tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng, Sài Gòn (trường Bùi Thị Xuân ngày nay).
Những năm 1960, ông bắt đầu công bố các công trình nghiên cứu của mình trên báo chí miền nam và được giới nghiên cứu công nhận là một học giả uy tín. Bên cạnh đó ông cũng là người tích cực đấu tranh cho hòa bình; ông được xem là “lực lượng thứ ba” (ôn hòa) trong chính trường miền nam.
Những tác phẩm của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu. (Ảnh Nhà xuất bản Trẻ). |
Từ năm 1975 đến nay, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và công bố các công trình nghiên cứu về sử địa, đặc biệt trong đó có công trình nghiên cứu về vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Trong gia tài đồ sộ của mình, Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có gần 100 công trình nghiên cứu, bộ sách lịch sử, địa lý, văn hóa; lưu giữ gần 4.000 bản đồ cổ Việt Nam…
Những tác phẩm tiêu biểu của ông gồm: 23 cuốn Địa bạ, Quân điền Bình Định, ba tập Tạp ghi Việt Sử Địa, Nguyễn Trường Tộ với triều đình Tự Đức, Việt Nam quốc hiệu và cương vực, Hoàng Sa - Trường Sa,…
Năm 2022, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đình Đầu đã bán toàn bộ tác quyền cho Nhà xuất bản Trẻ với mong muốn tác phẩm tiếp cận bạn đọc nhiều hơn. Sau khi ông qua đời, tiền tác quyền sẽ được chuyển vào Quỹ Văn hóa Sử Địa Nguyễn Đình Đầu do ông và gia đình sáng lập, quản lý. Theo người thân của ông, quỹ sẽ được trích để tài trợ, làm phần thưởng cho những nhà nghiên cứu trẻ về văn hóa, sử, địa.
Đối với Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã vào sinh sống và gắn bó từ giữa thế kỷ trước (khoảng năm 1955). Ông có kiến thức sâu rộng về thành phố này với tư cách là một công dân chứng kiến bao đổi thay của thành phố.
Tác phẩm “Chế độ công điền, công thổ trong lịch sử khẩn hoang Nam kỳ Lục tỉnh” của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu vừa được Nhà xuất bản Trẻ ra mắt gần đây. (Ảnh Nhà xuất bản Trẻ). |
Sự kiện kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (được thành phố tổ chức vào năm 1998) cũng là một dấu ấn trong hành trình nghiên cứu Sử - Địa của ông, khi ông được lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó “đặt hàng” tham gia thực hiện công trình nghiên cứu về địa chí Thành phố cùng với những tên tuổi lớn như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng.