Từ ngày mồng 5 tháng Giêng (14/2), hơn 500 công nhân, lao động của Công ty cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) đã trở lại làm việc đầy đủ. Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và hiện đang xuất khẩu sang nhiều nước, trong điều kiện chung có nhiều thách thức nhưng năm 2023 hoạt động sản xuất của Unifarm rất ổn định, tạo việc làm và bảo đảm các chế độ, chính sách cho công nhân, lao động. Kỳ vọng năm mới thắng lợi mới, trong những ngày làm việc sau Tết, khí thế lao động sản xuất tại Unifarm rất phấn khởi và phấn đấu hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Chia sẻ việc công nhân, lao động trở lại làm việc đông đủ 100% sau Tết, Tổng Giám đốc Unifarm Phạm Quốc Liêm cho biết: Sự quan tâm, chăm lo tốt của doanh nghiệp đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động trong dịp Tết cũng như trong thời gian qua đã giúp người lao động nâng cao ý thức và trách nhiệm với công việc, nên họ sớm trở lại làm việc, qua đó, giúp doanh nghiệp ổn định nguồn lực để sản xuất ngay sau Tết.
Là tỉnh phát triển công nghiệp, Bình Dương hiện thu hút hơn 1,3 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp, trong đó có hơn 85% lao động là người ngoài tỉnh. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, có khoảng 450 nghìn công nhân, lao động ngoài tỉnh ở lại Bình Dương đón Tết. Hầu hết, các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ Tết và trở lại hoạt động vào ngày 15/2 (mồng 6 tháng Giêng).
Chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, ngay trong thời gian ra quân lao động sản xuất đầu năm, nhiều doanh nghiệp có số lao động trở lại làm việc đạt tỷ lệ 100% như: Công ty cổ phần Thép VAS Tuệ Minh (huyện Bắc Tân Uyên) với 800 lao động; Tổng công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ - CTCP (thành phố Thủ Dầu Một) với 475 lao động; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (thành phố Thủ Dầu Một) với 2.006 lao động; Công ty TNHH Một thành viên Cao su Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng) với 1.044 lao động; Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (huyện Phú Giáo) với 2.300 lao động...
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 22/2, đã có 2.524/2.576 doanh nghiệp trở lại hoạt động sau thời gian nghỉ Tết, đạt tỷ lệ 97,98%. Tại 2.524 doanh nghiệp này, số lao động trở lại làm việc sau Tết là 492.200/521.952 lao động, đạt tỷ lệ 94,30%.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến ngày 22/2 đã có 2.979 doanh nghiệp, đơn vị ngoài quốc doanh có công đoàn cơ sở đã khởi động làm việc trở lại với 666.248 lao động làm việc, đạt tỷ lệ 95%; trong đó, có 357 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng mới với số lượng cần tuyển dụng là 42.700 lao động.
Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, tình hình lao động trở lại làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau Tết cơ bản ổn định, nguyên nhân do chính sách giữ chân người lao động của các doanh nghiệp đã khuyến khích người lao động trở lại làm việc như: Trước Tết, doanh nghiệp đã thực hiện chi trả lương, thưởng cũng như có các khoản trợ cấp, hỗ trợ người lao động thông qua việc tặng quà Tết, tổ chức liên hoan tất niên, hỗ trợ tiền hoặc vé tàu, xe cho người lao động về quê...; có lì xì vào ngày đi làm đầu năm và một số chính sách ưu đãi khác... Việc lao động quay trở lại làm việc ổn định vào đầu năm đáp ứng được dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp và sẽ không có biến động lớn về lao động, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Qua khảo sát tình hình, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết: Dự báo nguồn lao động 6 tháng đầu năm 2024 cần từ 25.000 đến 30.000 lao động (chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề chiếm 80%).
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn lao động cũng như kết nối cho người lao động trong việc tìm kiếm việc làm trong những tháng đầu năm 2024, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết: Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương tăng cường tiếp nhận thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thông qua các kênh truyền thông và doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, kết nối việc làm phù hợp theo nhu cầu tìm việc. Tiếp tục mở các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, đặc biệt là phiên giao dịch việc làm đầu xuân tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động tìm việc làm. Các giải pháp kết nối việc làm mới tại Sàn giao dịch việc làm trong năm 2024 sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp; đồng thời, hỗ trợ người lao động sớm tìm được việc làm phù hợp, rút ngắn thời gian thất nghiệp, giảm thiểu công sức, thời gian đi phỏng vấn. Bên cạnh đó, người tìm việc có thể tham gia phỏng vấn online cùng doanh nghiệp tại Sàn giao dịch việc làm online được tổ chức song song cùng ngày với các Sàn trực tiếp, diễn ra tại trụ sở chính và các Chi nhánh của Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương...
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, qua rà soát tại 8.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 60.000 lao động trong năm 2024, một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn, như: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có nhu cầu tuyển dụng 48.500 lao động; ngành chế biến chế tạo khác có nhu cầu tuyển dụng 6.000 lao động; ngành vận tải kho bãi tuyển dụng 300 lao động; ngành dịch vụ lưu trú ăn uống tuyển dụng 1.000 lao động và hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có nhu cầu tuyển dụng hơn 2.000 lao động.