Cụ thể, các ca nhiễm BA.2 đã chiếm 35% tổng số ca bệnh mới ở Mỹ tinh đến tuần kết thúc vào ngày 19/3, theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Con số này đã tăng mạnh so 22,3% trong tuần trước đó.
Theo CDC, ở vùng Đông Bắc nước này, bao gồm New Jersey, New York và Massachusetts, BA.2 hiện chiếm hơn một nửa số ca mắc.
Tuy nhiên, về tổng thể, xu hướng lây nhiễm vẫn giảm so với mức cao kỷ lục ghi nhận hồi đầu năm nay.
Các ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã giảm mạnh kể từ tháng 1/2022, mặc dù sự bùng phát trở lại ở các khu vực tại châu Á và châu Âu đã làm dấy lên lo ngại rằng kịch bản tương tự sẽ lặp lại ở Mỹ như những gì đã diễn ra trước đó trong suốt 2 năm đại dịch.
Tính đến ngày 19/3, số ca mắc trung bình tại Mỹ trong khoảng thời gian 7 ngày là 27.747 ca, giảm gần 18% so với 1 tuần trước đó.
Theo hướng dẫn phòng dịch mới của CDC, hầu hết các khu vực trên toàn quốc được coi là có mức độ lây truyền Covid-19 thấp, với năng lực bệnh viện có khả năng đáp ứng tốt so với số ca bệnh. CDC tuần trước cho biết 99,5% dân số Mỹ đang sinh sống ở nơi có mức lây truyền Covid-19 đủ thấp và người dân không cần đeo khẩu trang.
Bất chấp sự gia tăng ca mắc do biến thể phụ BA.2 rất dễ lây lan, vốn đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác, các chuyên gia y tế Mỹ cho rằng, 1 làn sóng lây nhiễm mới ở nước này dường như khó sớm xảy ra.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cho biết, ông không tin rằng sẽ có 1 đợt gia tăng đột biến các ca mắc mới trong thời gian gần.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Fauci lưu ý rằng làn sóng lây nhiễm ở Mỹ nhìn chung chậm hơn Vương quốc Anh khoảng 3 tuần, vì vậy, ông dự báo dấu hiệu gia tăng các ca nhiễm chỉ có thể được nhận thấy trong tuần tới hoặc lâu hơn.
Viện Đánh giá và đo lường sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington cũng cho rằng, khó có thể ghi nhận 1 đợt gia tăng lớn các trường hợp mắc Covid-19 ở Mỹ trong những tuần tới.
Tuy nhiên, Giáo sư Ali Mokdad tại Đại học Washington cảnh báo, việc quay trở lại cuộc sống như trước Covid-19 một cách nhanh chóng, cùng sự lây lan của BA2 có thể dẫn đến số trường hợp mắc gia tăng đột biến trong 1 thời gian ngắn.
Theo trang thống kê worldometers.info, hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất trong đại dịch, đến nay ghi nhận tổng cộng hơn 81,47 triệu ca mắc và gần 1 triệu ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng số ca mắc nhiều thứ hai thế giới, với hơn 43 triệu ca, trong khi Brazil có số ca tử vong nhiều thứ hai thế giới, với 657.773 ca.
Tính đến sáng 23/3 theo giờ Việt Nam, thế giới ghi nhận tổng cộng 474.077.261 ca mắc Covid-19, trong đó hơn 6,12 triệu ca tử vong, trên 410 triệu ca đã bình phục và 60 nghìn ca đang phải điều trị tích cực.
Tính theo khu vực, châu Âu hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhất, với hơn 171,98 triệu ca mắc và hơn 1,75 triệu ca tử vong. Tiếp đến là châu Á với hơn 133,75 triệu ca mắc và 1,38 triệu ca tử vong. Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận hơn 96,14 triệu ca mắc, trong đó có hơn 1,43 triệu ca tử vong. Nam Mỹ có hơn 55,7 triệu ca mắc và hơn 1,2 triệu ca tử vong.
Tại Pháp, số liệu của Bộ Y tế nước này công bố ngày 22/3 cho thấy, với 180.777 ca nhiễm mới Covid-19 trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận mức tăng mạnh nhất số ca bệnh mới hằng ngày kể từ đầu tháng 2, trong khi số bệnh nhân Covid-19 nhập viện cũng tăng trong ngày thứ ba liên tiếp.
Các ca mắc mới đã nâng số ca nhiễm tích lũy từ đầu dịch tại Pháp lên 24,3 triệu ca, trong bối cảnh các lớp học mở cửa trở lại sau 2 tuần nghỉ học đánh dấu sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của dịch bệnh.
Trung bình các ca mắc mới tại Pháp trong 7 ngày đã tăng lên dưới ngưỡng 99 nghìn ca, mức ghi nhận trong giai đoạn từ cuối tháng 12/2021 đến giữa tháng 2/2022, chủ yếu do biến thể Omicron dễ lây lan gây ra.
Bộ Y tế Pháp cũng cho biết, số người nhập viện vì Covid-19 đã tăng 36 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng ca nhập viện lên 20.742 người và chỉ giảm 0,8% so với 1 tuần trước. Hàng tuần, số lượng bệnh nhân giảm đều đặn kể từ ngày 10/2, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại trong vài tuần qua.
Các ca nhiễm mới ở Pháp đã gia tăng trở lại kể từ đầu tháng nhưng Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho rằng, xu hướng này sẽ đảo ngược vào cuối tháng 3. Hầu hết các hạn chế phòng dịch ở nước này đã được dỡ bỏ cách đây vài tuần.
Tại Nam Phi, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết, các quy định hạn chế áp dụng tại quốc gia này trong 2 năm qua sẽ được nới lỏng từ ngày hôm nay, trong khi tình trạng thảm họa Covid-19 trên toàn quốc cũng sẽ sớm được dỡ bỏ.
Ông Ramaphosa cho biết trong 1 chương trình truyền hình trực tiếp rằng, tình trạng thảm họa sẽ chấm dứt sau khi chính phủ tổ chức cuộc tham vấn cộng đồng về các quy định mới để thay thế, nhưng một số hạn chế sẽ được nới lỏng từ hôm nay.
Ông nói: “Sự thay đổi này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho các ngành thể thao, văn hóa, giải trí và sự kiện nói riêng”, đề cập đến việc nới lỏng các giới hạn về số lượng người được phép tham dự các sự kiện công cộng.
Những thay đổi khác bao gồm việc dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang khi ra ngoài trời, mặc dù quy định này vẫn sẽ bắt buộc trong các tòa nhà và trên các phương tiện giao thông công cộng.
Nam Phi là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất châu Phi xét về tổng số ca nhiễm và tử vong đã được xác nhận, lần lượt ở mức hơn 3,7 triệu ca mắc và 99.893 người tử vong tính đến ngày 22/3.
Quốc gia này đã được đặt trong tình trạng áp dụng các hạn chế “điều chỉnh cấp độ 1”, mức thấp nhất trong hệ thống 5 cấp kể từ tháng 10 năm ngoái.
Trong khi đó, Chính phủ New Zealand sáng 23/2 công bố sẽ dỡ bỏ quy định về bắt buộc tiêm vaccine phòng Covid-19 đối với một số ngành nghề bao gồm giáo dục và cảnh sát từ ngày 4/4, trong bối cảnh đợt bùng phát Covid-19 hiện tại đang gần đạt đỉnh.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết tại 1 cuộc họp báo sáng nay rằng, chỉ những người làm việc với những đối tượng dễ bị tổn thương như ngành chăm sóc người già, trong ngành y tế và tại biên giới mới cần được tiêm phòng từ ngày 4/4.
Bà nói thêm, thẻ tiêm chủng cũng sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc phải xuất trình khi đến các nhà hàng, quán cà phê và các không gian công cộng khác.
Lý do cho việc dỡ bỏ quy định tiêm chủng bắt buộc này theo bà Ardern là New Zealand đã nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 cao nhất trên thế giới. Hiện hơn 95% dân số trên 12 tuổi ở nước này đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Bà Ardern cho biết thêm, đỉnh của đợt bùng phát ở thành phố lớn nhất nước Auckland hiện đã qua, và phần còn lại của đất nước dự kiến sẽ chứng kiến mức độ lây nhiễm đạt mức cao điểm trước ngày 5/4, thời điểm dỡ bỏ các quy định bắt buộc tiêm vaccine.
Động thái này diễn ra 1 tuần sau khi Chính phủ New Zealand tuyên bố mở cửa biên giới trở lại cho công dân Australia nhập cảnh từ giữa tháng 4 và hành khách quốc tế thuộc đối tượng miễn thị thực từ tháng 5.