Olympic toán quốc tế được tổ chức thành công ở nước ta

Nếu quay vòng thứ tự, theo tính toán của các chuyên gia, phải nửa thế kỷ tới, Olympic toán quốc tế mới tổ chức lần hai ở Việt Nam.

Sự tin tưởng của cộng đồng toán học quốc tế

IMO 2007 cũng là Olympic toán quốc tế lần thứ 48 kế thừa tính chất của những IMO đi trước, nhưng lại là thử thách đặc biệt với nước ta bởi đây là IMO có quy mô lớn nhất từ năm 1959 đến nay, bao gồm 95 nước và vùng lãnh thổ, với hơn 500 học sinh và gần 200 cán bộ, quan sát viên tham gia. Có thể thấy tầm vóc của IMO 2007 lần này nếu nhìn ngược lại thời gian. Năm 1959, IMO lần thứ nhất tổ chức tại Rumani chỉ với bảy nước tham dự. Từ đó đến nay, số nước tham dự các IMO mỗi năm một tăng.

Năm 2006, IMO được tổ chức tại Slovenia có 90 nước và vùng lãnh thổ tham dự. Mặt khác, cũng phải thấy, IMO không giống các hoạt động của Olympic thể thao, cũng có rất ít điểm chung với Olympic vật lý châu Á mà nước ta đã tổ chức vào năm 2004.

Khi nhận trách nhiệm nặng nề và vinh dự tổ chức IMO 2007, thật sự đất nước ta phải "gồng" mình lên, làm quen, tìm hiểu và học hỏi cách thức tổ chức IMO.

Ngoài một loạt những quyết định mang tính tổ chức: thành lập Hội đồng chỉ đạo Quốc gia chuẩn bị và tổ chức IMO 2007 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm Chủ tịch danh dự, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch và thành viên là các bộ, ban, ngành. Dưới đó là Ban tổ chức, Ban điều hành IMO 2007 với các tiểu ban tài chính, cơ sở vật chất, an ninh, công nghệ thông tin, văn hóa - du lịch, tuyển chọn các bài toán đề xuất, coi thi, chấm thi...

Trước đó, được phép của Thủ tướng Chính phủ, tháng 6-2006, đoàn quan sát viên Việt Nam đã tham dự IMO 2006, tổ chức tại Slovenia để quan sát, học tập kinh nghiệm và nhận cờ IMO từ Ban tổ chức IMO 2006.

Ban tổ chức IMO 2007 đã mời GS Pelikan (Hungaria) Chủ tịch Hội đồng tư vấn IMO sang Việt Nam thăm, kiểm tra và tư vấn công tác chuẩn bị tổ chức cho IMO 2007. GS Pelikan đã đánh giá cao sự chuẩn bị của nước chủ nhà. Theo thống kê, mức chi phí cho mỗi IMO ở các nước trong những năm gần đây, thường dao động từ 2,5 triệu đến 3 triệu USD, một con số không nhỏ. Ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư, IMO 2007 nhận được sự tài trợ của các nhà tài trợ: Công ty đầu tư và phát triển FPT, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Công ty máy tính Việt Nam CMS, Công ty nước uống tinh khiết SAPUWA, Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội.

Góp phần vào sự tổ chức thành công IMO 2007 còn là công tác hậu cần, phục vụ. Hơn 500 học sinh các nước và vùng lãnh thổ được tổ chức ăn, nghỉ, có tiện nghi, sinh hoạt rất thuận lợi tại Khách sạn La Thành. Hằng ngày, số món ăn tự chọn (15 món) vừa đáp ứng nhu cầu cho tất cả các thí sinh, kể cả học sinh phải ăn kiêng, vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, và sức khỏe các thí sinh trong những ngày thi căng thẳng.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ khai mạc IMO 2007, giữa tràn ngập sắc mầu cờ, hoa và gương mặt trẻ trung, tươi tắn của thí sinh 95 nước và vùng lãnh thổ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:

"Ðây là một vinh dự to lớn, thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng toán học quốc tế với đất nước Việt Nam".

Ðề thi và chấm thi

Sự thành công mỹ mãn của IMO 2007 lần này được " đo đếm" trước hết ở khâu đề thi và chấm thi. Theo nguyên tắc, nước chủ nhà không được ra đề thi, mà chỉ được xây dựng tiểu ban tuyển chọn để chọn các bài toán đề xuất (30 bài) thuộc đủ các thể loại, phân môn, có các mức độ khó, dễ khác nhau dựa trên 115 bài toán do 34 nước gửi đến. Các bài toán này đều được diễn đạt bằng tiếng Anh.

Tiểu ban tuyển chọn của IMO 2007 gồm có các nhà toán học Việt Nam Hà Huy Khoái, Lê Tuấn Hoa, Ngô Việt Trung và Trần Nam Dương, và hai nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới Giê-da-cốp (Hungaria) và I.Bô-gđa-nốp (Nga). Dường như nước nào trên thế giới tổ chức IMO cũng mời hai ông vì họ là những nhà toán học có tầm cỡ đã đành, mà còn vì họ luôn bám sát được tình hình các IMO tổ chức ở các nước, để phát hiện những bài toán có thể đã ra, trùng với đề thi của IMO, thậm chí là đề toán của từng nước đã ra.

Chính vì thế, cái được nhất, theo ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban Thư ký IMO 2007, là chất lượng đề thi tuyển chọn. Ðề thi tuyển chọn được trưởng đoàn các nước đánh giá cao, do nước chủ nhà Việt Nam tạo điều kiện tốt về thời gian cho Hội đồng quốc tế (gồm trưởng đoàn các nước), nghiên cứu kỹ số lượng 30 bài toán, để chọn ra sáu bài.

Giới chuyên môn tại IMO 2007 gồm rất nhiều nhà toán học, chuyên gia lấy làm hài lòng, nhận xét sáu bài toán tại IMO 2007 là khó và hay, đáp ứng tốt các yêu cầu: kiểm tra được tư duy, kỹ năng, trí thông minh và sáng tạo của thí sinh. Không chỉ thế, số lượng 30 bài toán do tiểu ban tuyển chọn ra cũng được trưởng đoàn các nước đánh giá cao.

Sáu bài toán được chọn năm nay thuộc về đề của các nước New Zealand, Luxembourg, Nga, Cộng hòa Séc, Anh và Hà Lan. Thông thường trong bất kỳ IMO nào cũng có ba cặp bài có ba mức độ như sau: cặp bài 1 - 4 (mức độ dễ, nhưng là dễ đối với trình độ học sinh giỏi quốc tế). Cặp bài 2 - 5 là trung bình, và cặp bài 3 -6 thuộc loại khó.

Năm nay, bài số ba (toán tổ hợp) của nước Nga và bài số 6 (đại số) của Hà Lan được đánh giá là những bài toán khó. Do khó, chỉ có năm thí sinh làm được bài số 6. Bài số ba được đánh giá không khó bằng nhưng lại chỉ có hai em làm được. Ngược lại bài số 1, không khó nhưng được khen, đề rất hay.

Trong tổng số 520 thí sinh, không trường hợp thí sinh nào làm được tất các bài. Nhưng bài nào cũng có thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Một điểm nữa đáng chú ý, sáu đề thi của các nước được chọn, không thí sinh nào của nước đó có điểm cao, chứng tỏ các nước rất nghiêm túc. Do bài khó, năm nay, không có thí sinh nào đạt điểm tối đa 42/42. Chỉ có một thí sinh người Nga đạt điểm cao nhất, 37 điểm, tiếp đến ba thí sinh của các nước Ðức, Italy, Trung Quốc cùng đạt 36 điểm, một thí sinh Ukraina đạt 35 điểm. Em Ðỗ Xuân Bách, học sinh lớp chuyên toán Ðại học quốc gia Hà Nội, đạt 31 điểm.

Cái được nữa là, trưởng đoàn các nước nhận xét đội ngũ 70 người chấm thi (trong đó 30 người là học sinh nước ta từng đoạt giải toán quốc tế, nay trở thành các nhà toán học, khoa học đang công tác ở nước ngoài trở về), còn lại là cán bộ Viện Toán, Ðại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giáo viên khối chuyên các Ðại học Vinh, Sư phạm Hà Nội... làm việc rất chuyên nghiệp, vững vàng chuyên môn, có phản ứng nhanh, nhạy, và có thể giao tiếp bằng ba thứ tiếng Nga, Anh, Pháp.

Có được cách làm việc chuyên nghiệp, cách tổ chức chấm thi tốt, còn do thang điểm chấm tại IMO 2007 được xây dựng công phu, mạch lạc, rõ ràng. Chính vì thang điểm công phu, rất ít xảy ra hiện tượng các trưởng đoàn đòi điều chỉnh về chấm thi, tiến độ chấm diễn ra thuận buồm xuôi gió, hoàn tất đúng kế hoạch đã định.

Một số quan sát viên của nước Ðức (sang rút kinh nghiệm để tổ chức IMO năm 2009) đã đánh giá: "Chúng tôi khó có đội ngũ chấm thi nào như ở đây. Vì để mời những người chấm thi như thế, phải mất 4.000 USD/người". Riêng bài thi của đoàn học sinh Việt Nam, nước chủ nhà, do trưởng, phó đoàn các nước có bài được chọn làm bài thi chấm.

Không quá ảo tưởng

Tại cuộc họp báo sáng 30-7, ngay sau kết thúc IMO 2007, đại diện Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho biết: IMO 2007 có 39 Huy chương vàng, 83 Huy chương bạc, 131 Huy chương đồng và 149 bằng khen. Tổng số huy chương chiếm 48,48% so với số thí sinh dự thi. Tính theo tổng sắp huy chương đoàn Nga đạt kết quả cao nhất với năm HCV, một HCB; đoàn Trung Quốc: bốn HCV, hai HCB; đoàn Việt Nam: ba HCV, ba HCB; đoàn Hàn Quốc: hai HCV,  bốn HCB; đoàn Mỹ: hai HCV,  ba HCB, một HCÐ.

Tuy tính theo tổng sắp huy chương (tự đánh giá giữa các đoàn), đoàn Việt Nam đứng thứ ba, nhưng theo các chuyên gia, IMO nói chung và IMO 2007 nói riêng chỉ là kỳ thi giữa các cá nhân thí sinh. Như vậy nếu tính theo số điểm cá nhân của các tấm HCV thì học sinh Việt Nam đứng thứ 16 chứ không phải theo cách sắp xếp như hiện nay. Ðó là một nhận xét đúng và cần thiết. Bài số 3, điểm cao nhất của học sinh Việt Nam là 3/7 điểm, còn bài số 6, là 0 điểm.

Còn theo GS Hà Huy Khoái, kết quả thi của học sinh nước ta tại IMO 2007 bên cạnh nỗ lực cố gắng chung của các em, có phần may mắn. Cấu trúc đề thi có hai bài hình học và một bài đại số, mà đoàn học sinh Việt Nam vốn mạnh về hình học và đại số. Chỉ có bài toán tổ hợp là khó, nhưng đây là cái khó chung với học sinh các nước, không chỉ riêng Việt Nam.

IMO 2007 đã được tổ chức chu đáo, làm hài lòng bạn bè trên nhiều phương diện. Quan trọng hơn, kết quả tổ chức IMO 2007 cho đất nước ta niềm tự tin chuẩn bị tổ chức tốt, và tốt hơn nữa Olympic vật lý quốc tế sẽ diễn ra vào năm 2008 tới.

Chúng ta rất trân trọng kết quả của các học sinh nước ta tại Olympic toán quốc tế 2007. Nhưng đây mới chỉ là kết quả ban đầu. Muốn trở thành tài năng lớn, các em phải kiên trì phấn đấu trong suốt cuộc đua maratông của cuộc đời. Một điểm khởi đầu tốt sẽ trở nên vô nghĩa nếu các em không cố gắng phát huy. Mặt khác, những người giỏi chỉ có thể đóng góp quan trọng nếu có được một êkíp phối hợp tốt. Những kỳ thi Olympic chỉ là khâu đầu tiên để chọn hạt giống tốt, sau đó, sẽ phải gieo vào mảnh đất màu mỡ và thu hoạch để sử dụng hợp lý.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ cấp học bổng cho tất cả những thí sinh đoạt HC trong các kỳ thi quốc tế, đi du học ở nước ngoài. Thậm chí, những em có tài năng đặc biệt sẽ được cử đi những trường hàng đầu thế giới như ÐH Cambridge (Anh), ÐH Havard (Hoa Kỳ), ÐH Bách khoa Paris (Pháp). Bộ sẵn sàng đầu tư tiền bạc để các em được đào tạo ở những "lò" tốt nhất. Các em sẽ phải ký cam kết quay trở về nước sau khi học xong nhưng đó chỉ là cam kết ước lệ. Tất cả phụ thuộc vào trách nhiệm của các em với sự phát triển của quê hương, đất nước.

Trần Văn Nhung
Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo

Những mốc đáng nhớ nhất của học sinh Việt Nam
tham dự Olympic toán quốc tế

* Năm 1974, lần đầu học sinh nước ta tham dự Olympic toán quốc tế tổ chức ở CHDC Ðức, đã gây được ấn tượng mạnh với một Huy chương vàng (HCV). Lúc đó, đất nước còn đang có chiến tranh

* Năm 1979, Olympic toán quốc tế tổ chức tại Vương quốc Anh. Học sinh Lê Bá Khánh Trình đoạt HCV với số điểm tối đa 42/42, nhưng đồng thời Lê Bá Khánh Trình còn đoạt giải đặc biệt của Ban Tổ chức dành cho thí sinh có lời giải độc đáo.

* Năm 1996, Olympic toán quốc tế tổ chức tại Ấn Ðộ. Lần đầu đoàn học sinh nước ta đoạt ba HCV.

* Năm 2000, được ghi nhận là năm đầu tiên học sinh nước ta đoạt bốn HCV tại Olympic toán quốc tế tổ chức tại Hàn Quốc. Ðây mới chính là năm học sinh Việt Nam đoạt được nhiều HCV nhất, tính đến thời điểm này.

* Ðặc biệt, năm 2003, Olympic toán quốc tế tổ chức ở Nhật Bản. Năm đó, cả kỳ thi chỉ có ba HCV đạt điểm tuyệt đối 42/42, trong đó, riêng Việt Nam đoạt hai HCV, còn lại một HCV là của học sinh Trung Quốc. Theo giới chuyên môn, kết quả này rất khó lặp lại. Thông thường HCV với số điểm tuyệt đối được giới chuyên môn đánh giá rất cao.

(Nguồn: Bộ Giáo dục và Ðào tạo)

* Bế mạc kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (30-7)

* Việt Nam lần đầu tiên đứng thứ ba Olympic Toán quốc tế (30-7)

* Olympic Toán quốc tế: Việt Nam đoạt ba HCV,  ba HCB (28-7)

Em đã ôn luyện trong hai năm qua cho kỳ thi này (27-7)

Kết quả sớm nhất sẽ được công bố vào tối 28-7 (27-7)

Việt Nam tổ chức Olympic Toán quốc tế tốt hơn cả các nước phát triển (26-7)

* Khai mạc Olympic toán quốc tế lần thứ 48  (24-7)

Tưng bừng lễ khai mạc IMO 2007 (24-7)

* Chiều nay, khai mạc Olympic toán quốc tế tại Việt Nam (24-7)

* Trưởng đoàn Olympic Toán học Việt Nam: Hy vọng các em đều đoạt giải (18-7)

* Sáu thành viên Đội tuyển Việt Nam dự Olympic Toán học tại Hà Nội (17-7)

Olympic Toán quốc tế qua một vài con số (16-7)

95 đoàn tham dự Olympic Toán quốc tế tại Việt Nam (6-7)