OCOP - Hướng đi đúng cho nông sản Tây Nam Bộ

Sau hơn 5 năm triển khai đồng bộ ở các địa phương, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) khu vực Tây Nam Bộ đã và đang tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế nông thôn.
Du khách tham quan cơ sở sản xuất nước mắm Phụng Hưng, thành phố Phú Quốc.
Du khách tham quan cơ sở sản xuất nước mắm Phụng Hưng, thành phố Phú Quốc.

Đa dạng sản phẩm chất lượng

Ðến nay, tỉnh Kiên Giang có 269 sản phẩm OCOP; trong đó có sáu sản phẩm đạt hạng 5 sao, 36 sản phẩm 4 sao và 227 sản phẩm 3 sao. Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh cùng các chủ thể đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng trong nước và nước ngoài, tham gia sàn thương mại điện tử, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại những sự kiện trong và ngoài tỉnh.

Tại Sóc Trăng, từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã công bố thêm 10 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Hiện Sóc Trăng có 227 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó có một sản phẩm đạt 5 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao và 205 sản phẩm đạt 3 sao.

Từ việc triển khai Chương trình OCOP, các địa phương đã quy hoạch được vùng nguyên liệu đặc sản, hình thành nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng, tạo thương hiệu cho địa phương, như: Trà mãng cầu Cẩm Thiều thị xã Ngã Năm; hành tím thị xã Vĩnh Châu; sữa tươi thanh trùng huyện Ba Xuyên; các sản phẩm bưởi năm roi, bưởi da xanh, vú sữa tím huyện Kế Sách; mứt mận Ngọc Hạnh huyện Mỹ Tú; khô trâu Sáu Sành huyện Thạnh Trị; mứt củ hành tím Cô Mới thành phố Sóc Trăng; sản phẩm Gạo ST25 (Ông Cua) huyện Trần Ðề...

Nhìn chung, các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã; bao bì bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ðồng thời, được các đơn vị phân phối, bán lẻ, sàn giao dịch thương mại điện tử như Trung tâm thương mại Co.opmart, VinMart, PostMart… ký hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị kết nối sản phẩm OCOP với hệ thống thương mại năm 2024 có sự tham gia của nhiều chủ thể sản phẩm OCOP, doanh nghiệp thương mại, nhà phân phối, siêu thị trên toàn quốc.

Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, để kích cầu sản phẩm OCOP tại địa phương, các cấp chính quyền cần quan tâm, có những chính sách đưa sản phẩm OCOP trở thành những quà tặng đặc trưng địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú đầu tư gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại các điểm lưu trú, khu du lịch. Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP phải đầu tư nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã, kiểu dáng bao bì sản phẩm. Các siêu thị, doanh nghiệp, tập đoàn bán lẻ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một chuỗi giá trị sản xuất sản phẩm OCOP; thành lập Hiệp hội OCOP quốc gia, đơn vị đại diện để lựa chọn những sản phẩm OCOP từ 4 sao, 5 sao, từng bước đưa các sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế.

Tìm thị trường cho hàng OCOP

Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại và Du lịch Kiên Giang kết nối đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Kiên Giang đủ điều kiện vào bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart.

Theo đó, có năm đơn vị đủ điều kiện với các sản phẩm là: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ Thanh Phú (sản phẩm mật ong, chuối sấy); Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo Nam food (sản phẩm thạch sim); Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Thanh (sản phẩm tôm khô); Cơ sở sản xuất dừa Coco An Nhiên (sản phẩm dừa dứa nắp khoen) và Cơ sở trà mãng cầu xiêm 2 Ðậu (sản phẩm trà mãng cầu xiêm)…

Mới đây, Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức "Tuần lễ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Sóc Trăng tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024".

Tuần lễ không chỉ là sự kiện có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là nhịp cầu kết nối các đơn vị, doanh nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh và Sóc Trăng nhằm tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại, hợp tác, quảng bá, liên kết và tiêu thụ sản phẩm; nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, chủ lực của tỉnh Sóc Trăng.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Trần Phú Lữ cho biết, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư với tỉnh Sóc Trăng nói riêng và các tỉnh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long nói chung để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất của địa phương có điều kiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam chia sẻ, Sóc Trăng phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương; nhất là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ, du lịch của ấp, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Cùng với đó, tỉnh hỗ trợ các chủ thể nâng cao chất lượng các sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ và tìm thị trường cho các sản phẩm OCOP theo hướng ổn định, bền vững. Ðể phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP. Kế hoạch đề ra các mục tiêu cụ thể như: Phấn đấu đến cuối năm 2024, Sóc Trăng có ít nhất 230 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; hỗ trợ từ ba đến bốn sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia dự thi đánh giá xếp hạng 5 sao; củng cố và nâng hạng ít nhất 15% số sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.