Ô nhiễm không khí khiến xương người giòn hơn

NDO - Một nghiên cứu mới đã cho thấy về mối liên hệ đáng lo ngại giữa mức độ ô nhiễm không khí và tình trạng mất xương nhanh hơn do loãng xương.
0:00 / 0:00
0:00
Nghiên cứu cho thấy khi ô nhiễm tăng lên, mật độ khoáng chất trong xương giảm xuống ở tất cả các vùng xương trong cơ thể. Ảnh minh họa: Getty Images
Nghiên cứu cho thấy khi ô nhiễm tăng lên, mật độ khoáng chất trong xương giảm xuống ở tất cả các vùng xương trong cơ thể. Ảnh minh họa: Getty Images

Nguy cơ loãng xương tăng theo tuổi tác, và đặc biệt phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh. Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã thu thập dữ liệu về một nhóm đa dạng gồm 9.041 phụ nữ sau mãn kinh trong hơn 6 năm. Các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý đến mật độ khoáng của xương, một chỉ báo gián tiếp về nguy cơ loãng xương và gãy xương.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí y khoa The Lancet.

Sử dụng địa chỉ nhà để ước tính các chất oxit nitric (nitric oxide), nitơ điôxít (nitrogen dioxide), lưu huỳnh điôxit (sulfur dioxide) và hạt bụi mịn PM10 (nhỏ hơn 10 micromet) trong không khí, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi ô nhiễm tăng lên, mật độ khoáng chất trong xương giảm xuống ở tất cả các vùng xương trong cơ thể như xương cổ, cột sống và hông.

Nhà khoa học y sinh Diddier Prada, Đại học Columbia ở New York, Mỹ cho biết: "Phát hiện của chúng tôi xác nhận rằng chất lượng không khí kém có thể là một yếu tố nguy cơ gây loãng xương, không phụ thuộc vào các yếu tố kinh tế xã hội hoặc nhân khẩu học".

Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ và nguy cơ gãy xương cao hơn, cũng như tình trạng mất xương nhiều hơn theo thời gian. Nghiên cứu này bổ sung dữ liệu về phụ nữ sau mãn kinh nói riêng và về các hỗn hợp ô nhiễm không khí khác nhau.

Đặc biệt, Tiến sĩ, bác sĩ Prada và các đồng nghiệp đã nhấn mạnh mối liên hệ giữa nitơ (nitrogen) và cột sống. Mức tăng 10% của loại ô nhiễm này trong 3 năm có liên quan đến việc mất trung bình hằng năm 1,22% mật độ khoáng xương cột sống thắt lưng, gấp đôi lượng mà nhóm tính toán từ quá trình lão hóa bình thường.

Theo các nhà nghiên cứu, điều này rất có thể là do tế bào xương chết thông qua các cơ chế bao gồm căng thẳng oxy hóa (sự mất cân bằng giữa các gốc tự do và chất chống oxy hóa trong cơ thể), trong đó các phân tử độc hại từ môi trường gây hại cho cơ thể.

Tiến sĩ Prada cho biết: “Lần đầu tiên, chúng tôi có bằng chứng cho thấy các oxit nitơ (nitrogen oxide) đặc biệt là tác nhân chính gây tổn thương xương và cột sống thắt lưng, là một trong những vị trí dễ bị tổn thương nhất.

Bản thân nghiên cứu này không đủ để chứng minh mối quan hệ giữa việc ô nhiễm không khí chắc chắn dẫn đến mất xương, nhưng xem xét khối lượng nghiên cứu hiện đang hình thành, có vẻ như đây là một giả thuyết ngày càng hợp lý.

Cũng cần lưu ý rằng trong khi nghiên cứu cụ thể này xem xét phụ nữ sau mãn kinh, những người tham gia thực sự gồm nhiều nhóm dân tộc, địa điểm, lối sống và nền tảng kinh tế xã hội, khiến nhiều khả năng mức độ ô nhiễm thực sự là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất xương.

Các nhà nghiên cứu mong muốn có những nỗ lực hơn nữa cả trong việc giảm ô nhiễm không khí và việc phát hiện những người có thể dễ bị tổn thương hơn, trong đó có những người bị loãng xương.

Nhà biểu sinh học Andrea Baccarelli, Đại học Columbia cho biết: “Những cải thiện về mức độ tiếp xúc với ô nhiễm không khí, đặc biệt là oxit nitơ, sẽ làm giảm tổn thương xương ở phụ nữ mãn kinh, ngăn ngừa gãy xương và giảm gánh nặng chi phí y tế liên quan đến chứng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh”.