Ô nhiễm không khí nghiêm trọng đe dọa sức khỏe con người

NDO -

NDĐT – Chất lượng không khí ở Việt Nam, nhất là tại Hà Nội đang trong tình trạng báo động, khiến cho người dân thực sự lo lắng. Một tỷ lệ lớn dân số Việt Nam và hệ sinh thái quốc gia đang bị phơi nhiễm với không khí ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép.

Ô nhiễm không khí đáng báo động tại các làng nghề, khu công nghiệp.
Ô nhiễm không khí đáng báo động tại các làng nghề, khu công nghiệp.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Ô nhiễm không khí: Mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng” do Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) phối hợp Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức ngày 17-1 tại Hà Nội.

Năm 2016, người Hà Nội sống 282 ngày ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng đe dọa sức khỏe con người ảnh 1

Giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Tại Hội thảo, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam công bố Báo cáo chất lượng không khí Việt Nam 2016 do đơn vị này thực hiện. Báo cáo tập trung phân tích số liệu AQI (chỉ số thể hiện chất lượng không khí và tác động đến sức khỏe) và nồng độ bụi PM2.5 ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo này, năm 2016 chỉ số AQI trung bình của Hà Nội là 121 (AQI từ 101-200 thuộc nhóm kém, những người nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài). Trong đó, nồng độ bụi mịn PM2.5 (một chất ô nhiễm nguy hiểm) của Hà Nội là 50,5 Mg/m3, cao gấp đôi so với quy chuẩn quốc gia và gấp năm lần so với ngưỡng trung bình theo hướng dẫn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Theo quy chuẩn quốc gia về chất lượng không khí, năm 2016, Hà Nội có 123 ngày ô nhiễm không khí. Tuy nhiên, nếu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2016, Hà Nội có 282 ngày ô nhiễm không khí.

Báo cáo cũng chỉ ra, năm 2016, Hà Nội trải qua tám đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Bảy trong tám đợt ô nhiễm này hướng gió chủ yếu từ phía đông, nơi tập trung các khu công nghiệp lớn của thành phố. Báo cáo đưa ra nhận định, các khu công nghiệp lớn có thể là nguồn đóng góp chủ yếu vào ô nhiễm không khí Hà Nội. Báo cáo cũng cho thấy, chất lượng không khí Hà Nội có cải thiện vào quý 2 và 3, nhưng xấu đi vào quý 1 và 4.

Những con số ô nhiễm không khí của Hà Nội cao hơn nhiều so với TP Hồ Chí Minh. Năm 2016, thành phố đông dân và nhiều phương tiện giao thông nhất của Việt Nam có 14 ngày vượt quá quy chuẩn quốc gia và 175 ngày vượt quá tiêu chuẩn của WHO. Chỉ số AQI trung bình là 86, nồng độ bụi mịn PM2.5 là 28,3 Mg/m3.

Các nguồn gây ô nhiễm chủ yếu của hai thành phố lớn được chỉ ra là do khí thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ hoạt động công nghiệp, hoạt động xây dựng, nhà máy nhiệt điện, đốt chất thải, đun nấu hộ gia đình và ô nhiễm xuyên biên giới.

Báo cáo đưa ra khuyến nghị, để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố lớn cũng như ở các địa phương khác trên cả nước, Việt Nam cần nhanh chóng giảm các nguồn gây ô nhiễm nhân tạo từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, sản xuất điện năng, giao thông...; tăng cường thực thi các quy định hiện hành về quy chuẩn đốt chất thải rắn và hoạt động xây dựng; đẩy mạnh hoạt động cải thiện chất lượng không khí tại mỗi gia đình thông qua thay đổi hành vi đun nấu (sử dụng bếp đun cải tiến).

Đồng thời, Việt Nam cần có các chính sách hiệu quả để bảo đảm chất lượng không khí như ban hành Luật không khí sạch, điều chỉnh các tiêu chuẩn về chất lượng không khí tương đương với tiêu chuẩn quốc tế (WHO), cải thiện quy hoạch đô thị, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo…

Nhiều tác động xấu đến sức khỏe

Ô nhiễm không khí nghiêm trọng đe dọa sức khỏe con người ảnh 2

Toàn cảnh Hội thảo Ô nhiễm không khí: mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, trong đó trẻ em là nhóm dễ bị tổn thương nhất về sức khỏe do những tác động của ô nhiễm không khí.

TS Đỗ Mạnh Cường, Phó trưởng Phòng Sức khoẻ và môi trường cộng đồng, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nêu rõ: Ô nhiễm không khí là khi thành phần của không khí bị thay đổi dẫn tới ô nhiễm không khí. Đó chính là kết quả của quá trình thải các chất độc hại vào không khí với một tốc độ vượt quá khả năng chuyển đổi, hòa tan, lắng đọng các chất đó của các quá trình tự nhiên trong khí quyển.

Ô nhiễm không khí ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Theo đó, các ảnh hưởng cấp tính gồm: ngạt do suy hô hấp, nhiễm độc máu, thậm chí tử vong. Biểu hiện nhẹ hơn là suy nhược, chóng mặt, say, co giật, ngất, ảnh hưởng tới tim phổi... Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng mãn tính đến sức khỏe con người như: Viêm phổi, viêm phế quản mãn; bệnh phổi tắc nghẽn mãn tỉnh; bệnh hen suyễn, tim mạch; viêm da, kích ứng da; căng thẳng thần kinh...

Nhóm dễ bị ảnh hưởng gồm: Người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em, người đang mang bệnh, người lao động tại các làng nghề, cơ sở sản xuất, người thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Tại Việt Nam, bệnh về đường hô hấp có tỷ lệ người mắc cao nhất (17,3%) trong cơ cấu năm bệnh tật tại Việt Nam (gồm: bệnh hô hấp, chửa đẻ và sau đẻ, bệnh hệ tuần hoàn, bệnh hệ tiêu hóa, bệnh nhiễm khuẩn và ký sinh) và có tỷ lệ tử vong đứng thứ 2 (16,9%) sau bệnh hệ tuần hoàn.

Trong số 10 bệnh mắc cao nhất ở Việt Nam thì có ba bệnh liên quan đến đường hô hấp (viêm phổi; viêm họng, VA cấp; viêm phế quản, tiểu phế quản). Đặc biệt, ô nhiễm không khí trong nhà và tại nơi làm việc có thể làm tăng nguy cơ ung thư; gây đau đầu; kích thích mắt, mũi, họng; mệt mỏi thần kinh, buồn ngủ, uể oải; tình trạng hôn mê, ngủ lịm; bệnh nghề nghiệp (bụi phổi, viêm phế quản...).

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới vừa công bố năm 2016, vào năm 2012, trên thế giới có khoảng 6,5 triệu ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, chiếm 11,6% các ca tử vong, trong đó 3 triệu ca do ô nhiễm không khí ngoài trời. Khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á có số ca tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí cao nhất, trong đó có Việt Nam.

TS Cường cho biết, điều tra tại Hà Nội cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm phế quản tại Khu công nghiệp Thượng Đình cao gấp 2,9 lần so với vùng đối chứng là Phú Thị, Gia Lâm, Hà Nội. Còn tại Hải Phòng, các con số cũng cho thấy các triệu chứng và bệnh tật liên quan tới đường hô hấp ở nơi bị ô nhiễm không khí cao hơn từ 1,9 đến 7,6 lần.

Theo dự báo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, vào năm 2020, tỷ lệ người dân bị mắc bệnh viêm phổi mãn tính ở người lớn, cấp tính ở trẻ em, bệnh đường hô hấp, tim mạch và tình trạng khó thở đều sẽ tăng gấp đôi so với năm 2010.

Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần phải có đánh giá cụ thể về tác động môi trường và tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra; đồng thời truyền thông, hướng dẫn bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng; quan trắc, giám sát chất lượng không khí ngoài trời và trong nhà...

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung chính như: Kết quả nghiên cứu về chất lượng không khí ở Việt Nam và gánh nặng bệnh tật không lây nhiễm đang gia tăng, những tác động đặc thù của ô nhiễm không khí hiện nay đối với sức khỏe cộng đồng, đề xuất giải pháp hành động giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Việt Nam.