Nutifood ký kết tài trợ cầu qua sông Sài Gòn hơn 1.000 tỷ đồng

NDO - Sáng 4/12, đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood và Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đã chính thức ký kết Biên bản thỏa thuận tài trợ xây dựng Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn. Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn được xem là một trong những biểu tượng mới của thành phố trong tương lai.
0:00 / 0:00
0:00
Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Biên bản thỏa thuận tài trợ xây dựng Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn với Nutifood.
Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Biên bản thỏa thuận tài trợ xây dựng Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn với Nutifood.

Tổng kinh phí tài trợ từ doanh nghiệp là hơn 1.000 tỷ đồng, bao gồm toàn bộ kinh phí xây dựng dự án theo chủ trương, quy hoạch, phương án thiết kế mà thành phố đã phê duyệt.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn được thiết kế hình chiếc lá dừa nước, một loại lá rất đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Cây cầu sẽ như một chiếc lá mềm mại bay nhẹ nhàng trên dòng sông Sài Gòn, giúp gợi nhớ hình ảnh thân thuộc, dân dã trong quá khứ của vùng đất phương Nam và cũng là sẽ một biểu tượng mới, giúp kết nối với hiện đại, hướng đến tương lai của thành phố mang tên Bác.

Nutifood ký kết tài trợ cầu qua sông Sài Gòn hơn 1.000 tỷ đồng ảnh 1

Phối cảnh cầu đi bộ qua sông Sài Gòn có hình chiếc lá, kỳ vọng là biểu tượng ý nghĩa của Thành phố Hồ Chí Minh.

Cầu có thiết kế dài 500m (trong đó chiều dài cầu là 280m, còn lại là phần đường dẫn hai bên), bắt đầu từ công viên bến Bạch Đằng, chân cầu là công viên bờ sông và ngoài ranh khu A - phía nam quảng trường trung tâm khu đô thị Thủ Thiêm.

Bên cạnh việc phục vụ người đi bộ, cầu còn có làn đường dành cho người đi xe đạp và người khuyết tật. Ngoài ra, cầu còn được thiết kế cho xe cứu thương có thể di chuyển trong những trường hợp khẩn cấp.

Cầu đi bộ qua sông Sài Gòn được thiết kế bởi liên danh Chodai-Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam, được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lựa chọn từ cuộc thi do Sở Quy hoạch và Kiến trúc tổ chức năm 2009.

Tại buổi Lễ ký kết, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood chia sẻ: “Tôi đã trả lời rất nhiều cuộc gọi của báo chí, của bạn bè hỏi rằng, vì sao Nutifood lại đề xuất tài trợ xây dựng một cây cầu đi bộ, một dự án không có mối liên hệ nào với lĩnh vực dinh dưỡng mà chúng tôi đang theo đuổi. Nhưng với Nutifood thì cây cầu này có ý nghĩa rất lớn. Nó là "món quà" mà chúng tôi muốn thực hiện để tri ân người tiêu dùng và tri ân mảnh đất Sài Gòn, nơi Nutifood hình thành và phát triển suốt hơn 20 năm qua”.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm cho biết: Tháng 8/2023 Sở nhận được đề xuất của Nutifood muốn tài trợ xây cầu. Qua đánh giá và làm việc với sở, ngành, trong đó có Sở Quy hoạch-Kiến trúc thì đây là đề xuất hợp lý và phù hợp về mặt kiến trúc cũng như quy hoạch chung.

Đây là lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một dự án tài trợ lớn như vậy, có quy mô và ý nghĩa dân sinh sâu sắc, gắn liền với nhiều di tích lịch sử, quan trọng ở hai bên bờ sông Sài Gòn.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Trần Quang Lâm

Theo ông Lâm, đây là lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận một dự án tài trợ lớn như vậy, có quy mô và ý nghĩa dân sinh sâu sắc, gắn liền với nhiều di tích lịch sử, quan trọng ở hai bên bờ sông Sài Gòn.

Trong vòng 7 ngày sau khi ký kết tài trợ, Nutifood sẽ trình các bước thực hiện cụ thể, trong vòng 2 tháng trình chủ trương đầu tư.

“Nhiều cây cầu đi bộ đã trở thành biểu tượng của một thành phố, một quốc gia; trở thành điểm du lịch thu hút hàng triệu du khách, đóng góp lớn cho nền kinh tế của quốc gia đó. Có thể kể đến như cầu Rolling ở London, Vương quốc Anh; cầu Lượn sóng Henderson ở Singapore; Cầu Webb ở Melbourne, Australia... Đối với cây cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn sẽ là biểu tượng, có giá trị kinh tế, xã hội đối với người dân, cho thành phố mang tên Bác”, ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood cho biết thêm.

Tại Lễ ký kết, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cảm ơn và tri ân sự quan tâm của lãnh đạo Nutifood cùng đội ngũ nhân viên đã tích lũy lợi nhuận cũng như đóng góp thành quả lao động bằng một công trình mang tính nhân văn sâu sắc, đóng góp vào sự phát triển chung để thành phố phát triển đi lên.

Đồng chí Phan Văn Mãi mong muốn các sở, ngành cùng tham gia bởi đây là công trình không chỉ của thành phố, của nhà tài trợ mà chính là cho người dân thành phố thụ hưởng; làm sao sớm chuyển ý tưởng thành thiết kế dự án, thành công trình, phấn đấu khởi công cầu chậm nhất trước 30/4/2025.

Công trình cầu đi bộ là kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố, để lại cho đời sau

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành Phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng: Lãnh đạo thành phố các thời kỳ đều xác định phát huy tất cả nguồn lực để góp phần phát triển hạ tầng, để Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện phát triển nhanh bền vững.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt giao thông, đây còn là công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của thành phố, để lại cho đời sau.

Do đó, thành phố giao trách nhiệm cho Sở Giao thông Vận tải tiếp tục cùng nhà tài trợ, các sở, đơn vị triển khai hiệu quả, bảo đảm chất lượng công trình. Đây cũng là công trình nằm trong danh mục các công trình chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.