Nuôi vịt chạy đồng

Nắng như đổ lửa xuống cánh đồng kênh Chó Mực, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Chúng tôi lần theo lối mòn trên bờ ruộng còn thơm mùi rạ mới, theo tiếng vịt ăn lúa lẫn trong tiếng ra-đi-ô văng vẳng xa gần. Mấy cánh đồng lúa đông xuân thu hoạch sớm trở thành điểm thu hút những người làm nghề nuôi vịt chạy đồng.

Anh Cường lùa đàn vịt đến Kênh Chó Mực, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới (An Giang).
Anh Cường lùa đàn vịt đến Kênh Chó Mực, xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới (An Giang).

Một người đàn ông tựa lưng vào gốc cây me nước ngủ ngon lành.

Chúng tôi đánh thức anh dậy, khẽ hỏi: "Ngủ thế, không sợ người ta bắt hết vịt à?". Anh bật dậy, kéo chiếc nón tai bèo xuống cằm, nheo nheo mắt, nói: "Nằm vậy chứ nghe tiếng vịt kêu là biết liền. Kêu vừa và không đồng thanh thì có người lạ đến, còn đồng loạt kêu thất thanh thì chắc chắn là bị heo, chó tấn công hoặc có kẻ trộm. Hơn chục năm kinh nghiệm chăn vịt chứ ít đâu!".

Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi được biết anh tên là Cương, 45 tuổi, quê ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng. Làn da rám nắng đến nhẵn bóng này nói lên "thâm niên" theo nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng của anh.

- Vì sao không chăn vịt ở một nơi cố định mà phải lùa chúng theo những cánh đồng lúa vừa thu hoạch để ăn, cực vậy?

Cương cười, giải thích: "Đó là điều cốt yếu của nghề nuôi vịt đẻ.

Vì chúng phải đẻ trứng mỗi đêm, cho nên cần "tẩm bổ". Mấy cánh đồng lúa vừa thu hoạch còn lại nào lá lúa sữa, lúa tươi, nào cua, nào ốc, cào cào, châu chấu... Mấy thứ đó là nguồn dinh dưỡng quý, không có thì vịt đẻ chẳng sai, chẳng đều. Hơn nữa, vịt đẻ cần "vận động", cụ thể phải bơi, phải lội, phải chạy trên đồng tìm thức ăn thì mới tốt và không bị "hư". Nhờ chúng tự kiếm ăn, mình ít tốn kém tiền mua lúa mà có trứng bán mỗi ngày thì mới có lời".

Bỗng giọng Cương chùng hẳn.

Anh bảo, đã hơn chục năm rong ruổi khắp các cánh đồng lúa ở miền tây cùng lũ vịt, thỉnh thoảng mới ghé qua nhà thăm vợ con được mấy ngày, rồi lại tiếp tục hành trình từ đồng nọ sang đồng kia, từ tỉnh này sang tỉnh khác. Khi không còn đồng để chạy, anh lùa vịt sang tận Cam-pu-chia. Cô độc giữa đồng, Cương chỉ có chiếc rađi-ô làm bạn. Nuôi vịt chạy đồng mà như du mục. Cương bảo, thời gian sống đời chăn vịt đã biến anh thành kẻ giang hồ lỳ lợm đến chai sạn. Những lần bị chửi mắng khi lỡ để vịt chạy sang đồng người ta ăn lúa, bị người ta đánh thuốc làm vịt chết, bị đánh, bị cướp... anh không hề rơi một giọt nước mắt. Vậy mà, những đêm nằm giữa đồng không mông quạnh, hoặc những lần nhìn bếp nhà ai vương khói lam chiều lại sụt sùi vì nhớ vợ, nhớ con.

Nhiều lần, vợ Cương đòi theo anh chạy đồng để không phải nhớ nhung, chia cách, nhưng anh kiên quyết không nghe, vì tương lai của hai đứa con đang đi học. Anh kể, lúc bước chân vào nghề, ba anh từng ngăn cản, cũng bởi cái lẽ "muốn nghèo nuôi vịt". Nhưng anh chẳng tin, vì nghe người quen nói nuôi vịt đẻ chạy đồng cỡ 500 con, một năm kiếm được chừng ba, bốn chục triệu đồng.

"Đúng là mỗi năm tôi cũng kiếm được chừng ấy tiền từ hơn 500 con vịt. Nhưng phải trang trải chi phí thuê tàu xe chở chúng sang ăn đồng khác, mua thuốc kháng sinh chích ngừa bệnh cho chúng... Số còn lại chỉ đủ ăn chứ không thể khá lên được. Chưa tính lỡ khi vịt bị dịch chết hàng loạt là coi như trắng tay, phải vay nợ, nuôi lại đến mấy mùa, mới hy vọng trả dứt!", Cương thổ lộ.

Cạnh chòi vịt của anh Cương là chòi của gia đình ông Ngô Văn Ảnh, cùng quê ở Sóc Trăng. Ông Ảnh có gần năm chục năm nuôi vịt đẻ chạy đồng. Ở cái tuổi 63, ông vẫn cứ đùm túm vợ con đi mải miết trên những đồng xa. Nuôi vịt chạy đồng dính vào ông như cái nghiệp khó lòng dứt ra. Nghề này vui, được đi khắp chốn nhưng lắm khi nước mắt chảy ngược vào lòng vì phận tha hương. Ông bảo, khổ nhất là vào mùa dịch cúm gia cầm, ăn ngủ không yên vì cứ nơm nớp bị cán bộ thú y tới kiểm tra. Còn một nỗi khổ nữa là bị những đồng nghiệp sở tại ức hiếp, nhiều khi bị cướp vịt, bị đánh chỉ vì một lý do lãng xẹt.

Ông Ảnh kể, năm 2010, dịch cúm gia cầm hoành hành dữ dội, dân nuôi vịt đẻ chạy đồng khắp miền tây lo sốt vó. Đêm nào cũng phải nghe tin tức trên đài phát thanh, lo canh cánh không ngủ được. Sáng ra, ông không đánh thức người con trai dậy lùa vịt chạy đồng sớm như mọi khi, mà ngồi tần ngần nhìn lũ vịt. Chỉ chốc nữa thôi, ông phải bán đi nửa đàn vịt hơn 1.000 con. Ông đã đi đến quyết định này sau một đêm dài trăn trở. Vậy mà, khi dịch bùng phát dữ dội, cả bầy vịt đẻ 500 con phải đem tiêu hủy. Quyết không bỏ nghề, ông đi vay nóng từ nguồn tín dụng đen với tiền lời cắt cổ 30% để gây lại đàn vịt mới và vừa trả dứt nợ hồi cuối năm qua. Lần này, ông không dám mạo hiểm vì còn người con trai đang học đại học năm thứ nhất. Mọi kỳ vọng của ông đều đặt hết vào anh này, bởi những người con còn lại của ông không ai học quá lớp 5. Người đang theo ông chăn vịt và có thể nối nghiệp ông chính là con trai út Ngô Trường Ni. 20 tuổi, tám năm theo cha nuôi vịt chạy đồng, Ni dần quên mặt chữ, nhưng nghe tiếng kêu khác lạ của con vịt là Ni biết nó bị bệnh gì. Kinh nghiệm là hành trang duy nhất mà Ni có được để làm tiếp nghề của ba anh.

"Hồi đó đang học dở lớp 5, thấy cha mẹ đã già không coi nổi bầy vịt đẻ cả ngàn con, vài hôm lại bị mất, bị người ta kiếm chuyện, cho nên em bỏ học đi chăn vịt. Ban đầu, ba kiên quyết không cho, nhưng em còn kiên quyết hơn, cho nên ba đành chịu!", Ni nhớ lại.

Nuôi vịt chạy đồng ảnh 1

Những người nuôi vịt chạy đồng có cuộc sống tạm bợ, nay cánh đồng này mai sang đồng khác.

Đêm. Cánh đồng kênh Chó Mực chìm trong bản giao hưởng của dế mèn và màn đêm. Bên ấm trà trong căn chòi trống hoác giữa đồng không mông quạnh, ông Ảnh kể cho chúng tôi về những lần gặp tai bay vạ gió khi chạy vịt ở Sóc Trăng. Một đêm, vợ chồng ông bị đánh thức bởi tiếng quát của một nhóm người say rượu.

Chúng đòi bắt 118 con vịt của chúng đã bị lạc, nhập vào bầy vịt của ông năm ngoái. Vì là năm đầu tiên chăn vịt trên cánh đồng này, cho nên ông Ảnh quyết không nhận "nợ". Chúng "giảm giá", lấy vài chục trứng vịt nhậu rồi bỏ đi.

Một lúc sau, chúng kéo thêm gần 20 gã nữa trở lại túp lều của ông Ảnh, ngang nhiên đập phá đồ đạc, hành hung cả nhà và bắt gần 20 con vịt mang đi. "Đêm ấy là ngày 28 Tết mới đây thôi. Sáng hôm sau, tôi trình báo vụ việc với nhà chức trách. Công an huyện Thạnh Trị xác minh và bắt tạm giam 12 đối tượng là dân tại địa phương", ông Ảnh kể. "Làm nghề này bị dân bợm nhậu xin đểu là điều không tránh khỏi. Thường, chúng đến xin là phải cho, bằng không thì chúng chửi, chúng đập phá, hành hung. Năm ngoái, chúng đánh một người nuôi vịt chạy đồng quê ở Đồng Tháp phải nhập viện. Chúng tôi nuôi vịt còn không dám ăn thịt, khi thiếu đồ ăn thì chỉ ăn trứng. Vậy mà, có khi chúng xin một con, rồi hai con và nhiều hơn nữa. Xin kiểu ấy có khác nào ăn cướp. Nhưng rừng nào... cọp nấy, chú à!", ông lão chăn vịt thở dài...

Sớm tinh mơ, tiếng vịt kêu rộ trên cánh đồng mù sương tưởng như bất tận. Những đồng rạ đã xác xơ, chi chít dấu chân vịt. Ông Ảnh bảo đã hết mồi, phải mướn xe chở vịt sang đồng khác. Nếu đồng gần cỡ từ Sóc Trăng sang Bạc Liêu thì tốn khoảng một triệu đồng, nếu đồng xa như ở An Giang, Đồng Tháp thì từ vài triệu đồng trở lên. Trước khi chuyển vịt, phải đi dọ trước những cánh đồng sắp thu hoạch lúa, rồi phải mua đồng rạ khoảng 200 nghìn/công, bởi bây giờ người ta chẳng cho không như hồi trước. Vịt ăn được khoảng một tháng là hết lúa mót, lại lỉnh kỉnh gạo lúa, xoong nồi, áo quần... đi tìm đồng khác. Những cuộc hành trình vạn lý luôn chực chờ những người nuôi vịt chạy đồng.