Hiện nay, nhiều mô hình nuôi tôm tại thành phố đã sử dụng các trang thiết bị hiện đại như máy cho ăn tự động, hệ thống sục khí ô-xi tự động và hệ thống làm sạch ao… đã giảm tới mức thấp nhất các khả năng gây dịch, bệnh. Một số hộ nuôi tôm đã xây dựng hệ thống ao nuôi lót bạt đáy và lưới che trên mặt ao nhằm hạn chế tác động của thời tiết, khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với nuôi tôm ao đất bán thâm canh và quảng canh.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn của hộ gia đình ông Nguyễn Hoài Nam ở xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ là một điển hình. Với diện tích 7.500 m2 mặt nước, ông Nam chia thành ba ao nuôi tôm thiết kế theo hình tròn, trong đó có 3.000 m2 ao nuôi chính, 3.000 m2 ao dự trữ và 1.500 m2 ao ương. Tôm giống nhập về được ương thêm từ 12 đến 30 ngày mới đưa ra ao nuôi. Ông Nam cho biết, với ao nuôi áp dụng quy trình tuần hoàn nước khép kín, sử dụng hệ thống quạt, tạo ô-xi đáy thì mật độ thả nuôi từ 200 đến 250 con/m2. Sau 80 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng khoảng 40 con/kg, năng suất 5,5 tấn/1.000 m2 ao, tính bình quân đạt 50 tấn/ha/vụ. Ao nuôi tôm của gia đình ông Nam sử dụng bộ điều khiển tự cấp thức ăn cho tôm bảo đảm nguồn thức ăn vừa đủ và sử dụng thiết bị quan trắc môi trường để thường xuyên theo dõi, bảo đảm môi trường sống tốt nhất cho tôm. Nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ để kiểm soát từ khâu làm ao, kỹ thuật nuôi, cách cho ăn đến quản lý môi trường nước, sau bảy vụ nuôi, gia đình ông Nam thu lợi nhuận hơn mười tỷ đồng. "Tôi đề nghị ngành nông nghiệp sớm quy hoạch vùng nuôi an toàn, có chính sách hỗ trợ vốn vay thời hạn hơn một năm để người dân có thể ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất. Hỗ trợ người nuôi tôm quảng bá và tìm thị trường tiêu thụ, bởi tôm sạch đang có giá bán bằng với giá tôm nuôi theo lối truyền thống là chưa hợp lý", ông Nguyễn Hoài Nam bày tỏ.
Còn ông Trịnh Ðức Thuấn ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, người có hơn 20 năm trong nghề, đang nuôi tôm theo quy trình VietGAP trên ao lót bạt và trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm cho nhiều người nuôi tôm ở thành phố và một số tỉnh. Ông Thuấn cho biết, nuôi tôm theo quy trình VietGAP là nuôi tôm sạch, tức là con giống phải sạch, quá trình nuôi sạch, lựa chọn thức ăn cho tôm không sử dụng kháng sinh, không sử dụng chất cấm, ứng dụng công nghệ hiện đại, thu hoạch và chế biến sản phẩm cũng phải bảo đảm tiêu chuẩn an toàn…
Các mô hình nuôi tôm ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao ở thành phố bước đầu cho kết quả khả quan, từng bước thích ứng với sự biến đổi của khí hậu, kiểm soát được dịch bệnh, tỷ lệ thành công cao, đạt lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/vụ. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư mô hình nuôi tôm theo kỹ thuật, công nghệ cao là rất lớn, từ 800 triệu đến một tỷ đồng với 5.000 m2 ao, cho nên để nhân rộng, cần có chính sách hỗ trợ nông dân vốn vay ưu đãi. Thực tế hiện nay, giữa người nuôi tôm và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị kỹ thuật tiên tiến vẫn chưa có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ. Nông dân rất cần các phương tiện, kỹ thuật tiên tiến để ứng dụng vào thực tế sản xuất, nhưng giá các sản phẩm này còn quá cao cho nên nhiều nông dân khó đầu tư trang bị. Nhiều hộ nuôi tôm mong muốn các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị công nghệ cao có hình thức khuyến mãi, hỗ trợ như mua trả chậm, cho thuê thiết bị với giá hợp lý…
Theo định hướng phát triển của thành phố đến năn 2025, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Cần Giờ là 2.400 ha và tại huyện Nhà Bè là 120 ha. Ðể nghề nuôi tôm thẻ phát triển bền vững, người nuôi tôm không gặp rủi ro do thời tiết và thị trường, ngành nông nghiệp thành phố cần có chính sách đồng hành với người nuôi tôm.
Các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, có quy trình nuôi tôm sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao cần sớm được hỗ trợ các thủ tục pháp lý để cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức tập huấn nuôi tôm công nghệ cao, đồng thời triển khai nhiều mô hình trình diễn nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao, qua đó giúp nghề nuôi tôm phát triển bền vững, tiến tới kết nối tiêu thụ sản phẩm tôm sạch với thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Ðể kết nối những người nuôi tôm nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cần vận động người dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; đồng thời kết nối tổ chức nuôi tôm với đơn vị thu mua để tiến tới xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài…