Nuôi cá bằng công nghệ “sông trong ao”

Mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cá “sông trong ao” là hệ thống bể nuôi cá có thiết kế đặc biệt. Ở đầu mỗi bể, có các hệ thống ống dẫn thổi khí liên tục tạo thành dòng chảy như ở các sông suối tự nhiên, có đáy thảm bê-tông cứng, có máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... bảo đảm đủ điều kiện sống tối ưu cho cá, được đánh giá là có hệ số sử dụng thức ăn giảm, tỷ lệ rủi ro dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh. Ðây là quy trình công nghệ mới nuôi cá cho hiệu quả cao.

Ao nuôi được lắp đặt các máy bơm chuyên dụng nhằm tạo các dòng chảy liên tục.
Ao nuôi được lắp đặt các máy bơm chuyên dụng nhằm tạo các dòng chảy liên tục.

Khác với mô hình nuôi cá truyền thống, ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là thu hồi, xử lý được chất thải sau nhiều vụ nuôi; diện tích bể nuôi chỉ bằng 1/20 diện tích ao cho nên rất thuận tiện trong khâu chăm sóc, quản lý và thu hoạch. Ao nuôi thiết kế các máy bơm chuyên dụng tạo ra các “dòng sông nhỏ” chảy liên tục trong ao, giúp gom chất thải lắng xuống bể cho máy hút dọn mỗi ngày, bảo đảm môi trường nước ao nuôi luôn sạch, sau một vụ nuôi không cần phải nạo vét ao vì hầu như không còn chất thải. Lượng phân cá sau khi hút lên được đóng bánh và phơi khô, là nguồn phân hữu cơ rất giàu dinh dưỡng cho cây trồng. Toàn bộ hệ thống đường di chuyển chung quanh ao được bê-tông hóa, bảo đảm khi trời mưa, nước mưa không mang theo đất cát bẩn xuống làm ô nhiễm ao nuôi, đồng thời, thuận lợi khi vận chuyển cá giống, thức ăn hay xuất bán.

Gia đình anh Hoàng Văn Thường, xã Tiêu Ðộng, huyện Bình Lục (Hà Nam) cho biết: Gia đình đã đầu tư gần một tỷ đồng cải tạo ao, lắp đặt trang thiết bị máy móc, xây dựng ba máng nuôi cá “sông trong ao”, với diện tích mỗi máng 130 m2, thả 5.000 con cá trắm và chép/máng. Quá trình nuôi cho thấy, cá sinh trưởng, phát triển tốt, không có dấu hiệu bị bệnh; sản lượng đạt khoảng 40 đến 45 tấn, kích cỡ trung bình từ 4 - 5 kg/con cá trắm, từ 2-3 kg/con cá chép. Ông Phạm Văn Ðàm, xã Nhân Ðạo, huyện Lý Nhân (Hà Nam) cho biết: Hiện với gần 30.000 con cá các loại, gia đình tôi đã áp dụng nuôi theo mô hình này, cá không bị bệnh, lớn nhanh, chu kỳ nuôi ngắn, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, năng suất cao gấp năm đến sáu lần so với cách nuôi truyền thống. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” là một trong những điểm nhấn, định hướng cho phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; giúp giải quyết khó khăn của người dân về ô nhiễm nguồn nước, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất...

Giám đốc Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hòa Phong, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) Vũ Thị Thắm cho biết: Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là cá nuôi không tiếp xúc với bùn cho nên bụng cá không có màng đen gây mùi tanh hôi, thịt cá thơm ngon; giảm được chi phí nuôi, giảm nhân công chăm sóc, rút ngắn thời gian nuôi, cá nhanh lớn, sản lượng đều. Ngoài ra, thay vì phải thay nước trong ao nuôi như trước kia, hệ thống này không thay và thải nước ra ngoài, tránh được lây lan mầm bệnh sang các trang trại khác và ra môi trường chung quanh. Hệ thống nuôi này cũng được ứng dụng linh hoạt, trong đó có thể nuôi nhiều đối tượng với nhiều kích cỡ khác nhau, giúp cho người nuôi chủ động cao trong quá trình sản xuất. Hiện các ao của Hợp tác xã đang thả nuôi các loại cá nước ngọt như: chép, trắm, diêu hồng, rô phi, trôi, mè... với mật độ khoảng 200 con/m2, gấp ba đến năm lần nuôi theo hình thức truyền thống; lợi nhuận trung bình đạt 400 triệu đồng/bể nuôi/năm.

Tuy nhiên, để áp dụng được mô hình này, cần có diện tích mặt nước lớn, khoảng 5.000 m2, vì vậy, các hộ có diện tích nhỏ, manh mún, sẽ không áp dụng được. Mặt khác, mô hình còn đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn (khoảng 150 triệu đồng/bể); cơ sở vật chất đầy đủ, nguồn điện ổn định, và phải có máy phát điện dự phòng. Ðồng thời, đây cũng là mô hình áp dụng công nghệ cao, thiết bị vận hành liên tục; quản lý môi trường khá phức tạp. Do đó, cần người có trình độ nhất định và quản lý, vận hành, chăm sóc nuôi dưỡng. Các ngành chức năng cần tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ với nhiều chính sách ưu đãi dành cho các hộ tham gia như: Hỗ trợ theo hình thức sau đầu tư; kinh phí mua cá giống và mua vật tư (chế phẩm xử lý môi trường, thuốc phòng chữa bệnh); hỗ trợ tập huấn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật…