Nước sông ở Quảng Nam dâng cao, khẩn cấp di dời dân

NDO -

Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, từ tối 9 đến chiều 10-10, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, nên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa lớn, nước trên các sông dâng cao trở lại khiến người dân vùng hạ du lo lắng. Trước tình hình đó, UBND Quảng Nam chỉ đạo khẩn trương di dời, sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất triệt để đến nơi an toàn trước 17 giờ hôm nay…

Vỡ cống xả trên thân đập Cát Bầu (Duy Phú, Duy Xuyên).
Vỡ cống xả trên thân đập Cát Bầu (Duy Phú, Duy Xuyên).

Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 9 đến 7 giờ sáng 10-10, trên địa bàn tỉnh từ 100-200mm,có nơi như: Ái Nghĩa: 366mm, Hội Khách: 378mm, Giao Thủy 413mm…Mưa lớn, kéo dài đã làm cho mực nước trên các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ… dâng cao trở lại. 

Quảng Nam nước sông dâng cao, khẩn cấp di dời dân -0
 Lực lượng công an giúp người dân đi qua vùng trũng thấp ở huyện Đại Lộc.

Trong đó, mực nước trên sông Vu Gia, tại Ái Nghĩa vào sáng nay lên đến 8.8m, trên báo động II: 0,8m; trên sông Thu Bồn, tại Câu Lâu, Hội An đã vượt trên báo động I. 

Trước tình mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đề nghị chủ các hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn tỉnh vận hành điều tiết lũ tại các hồ chứa; theo đó, yêu cầu các chủ hồ không để mực nước tại các hồ chứa vượt quá mực nước đón lũ thấp nhất theo quy định tại Quy định vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Quảng Nam nước sông dâng cao, khẩn cấp di dời dân -0
 Thủy điện Sông Bung 4 xả lũ.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Giám đốc Thủy điện Sông Bung Lê Đình Bản cho biết, để bảo đảm mực nước đón lũ trong thời gian tới, từ 6 giờ sáng nay (10-10), hồ chứa nước Thủy điện Sông Bung 4 bắt đầu điều tiết lũ, với lưu lượng dự kiến từ 160-1.360m3/s; Thủy điện A Vương xả lũ từ 6 giờ sáng 10-10 với lưu lượng từ 100-1.200m3/s. Còn Thủy điện Sông Bung 4A đã thực hiện xả lũ từ 1 giờ 30 phút ngày 10-10 với lưu lượng xả dự kiến từ 170 -3.000 m3/s. 

Do trời mưa lớn và nhiều thủy điện bắt đầu điều tiết nước để đón lũ, nên mực nước ở các sông dâng cao, khiến cho vùng hạ du bị ngập nước. Chủ tịch UBND xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc), bà Nguyễn Thị Hồng Vỹ cho biết, nước lũ đã băng qua cầu Ba Khe trên tuyến ĐT609 đoạn qua địa phận Đại Đồng gây tắc giao thông và làm ngập nhiều nhà dân vùng trũng thấp ven sông Vu Gia.

Quảng Nam nước sông dâng cao, khẩn cấp di dời dân -0
 Vỡ cống xả trên thân đập Cát Bầu.

5 giờ 30 phút sáng 10-10, mưa lũ lớn đã làm vỡ cống xả trên thân đập Cát Bầu (ở thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên), nước tràn xuống 20 hộ dân phía dưới chân đập; gây ngập sâu gần 1m, hư hỏng nhiều tài sản, vật dụng. Đập Cát Bầu có dung tích khoảng 800 nghìn m3, được người dân địa phương xây dựng, phục vụ nước tưới cho khoảng 5ha cây trồng của người dân thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú.

Quảng Nam nước sông dâng cao, khẩn cấp di dời dân -0
 

Thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh, ngày 10-10, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã có công điện khẩn yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương thông tin kịp thời đến nhân dân biết về tình hình mưa lũ, vận hành các hồ chứa thủy điện để chủ động các biện pháp phòng tránh. Tổ chức kiểm tra, rà soát và thực hiện sơ tán nhân dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; rà soát, chủ động huy động lực lượng tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nhất là tại các vùng trũng thấp, ven sông, ven suối. 

Đối với những hộ không bảo đảm an toàn, phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; có phương án bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết; khẩn trương di dời, sơ tán dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất triệt để đến nơi an toàn trước 17 giờ hôm nay (10-10).

Quảng Nam nước sông dâng cao, khẩn cấp di dời dân -0
 Nước lũ dâng cao tại xã Đại Hưng.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải triển khai lực lượng tại các vị trí ngập sâu trên tuyến Quốc lộ 1A và các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn; nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có lũ.

Sở Giao thông vận tải phối hợp các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường, bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ nhân dân kịp thời; giúp các địa phương thực hiện công tác sơ tán dân. Đồng thời thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại huyện Đại Lộc để chỉ huy khu vực phía bắc của tỉnh; chủ động triển khai các phương án hiệp đồng với các đơn vị của Quân khu 5.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần kiểm đếm lại phương tiện tàu cá còn đang hoạt động ngoài khơi và thông tin diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ các phương tiện, thuyền trưởng biết chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn; bổ sung lực lượng cho các Đồn Biên phòng tuyến miền núi để hỗ trợ, chính quyền, nhân dân các địa phương miền núi ứng phó mưa lớn, sạt lở đất.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng Quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt. Các chủ hồ thủy điện phải kiểm tra, bảo đảm tối đa phương án dự phòng, phương án vận hành tràn xả lũ bảo đảm; nhất là hệ thống điện.