Nước Nga qua những bộ sưu tập độc đáo

Những chiếc huân chương, huy chương, huy hiệu của Liên Xô (trước đây) và nước Nga ngày nay tuy nhỏ, nhưng đằng sau đó luôn gắn liền với một câu chuyện, một sự kiện.
0:00 / 0:00
0:00
Ninh Văn Tiến với bộ sưu tập huân chương, huy chương và huy hiệu Liên Xô (trước đây) và nước Nga.
Ninh Văn Tiến với bộ sưu tập huân chương, huy chương và huy hiệu Liên Xô (trước đây) và nước Nga.

Với không ít người Việt Nam, đó còn là tình cảm của họ dành cho xứ sở Bạch dương. Sưu tập những bộ huân chương, huy chương, huy hiệu không chỉ là một thú chơi mà với nhiều người, đó còn là một cách thu gom, lưu giữ những hình ảnh về đất nước, con người nước Nga và cũng là lưu giữ những tình cảm một thời.

Sống và học tập ở thành phố Tula, Liên bang Nga từ năm 2005 đến 2011, Ninh Văn Tiến yêu nước Nga, con người Nga rất nhiều như anh thừa nhận. Thế nhưng, thay vì mang theo biểu tượng của thành phố Tula là những mô hình vũ khí thu nhỏ, ấm samovar hay chỉ đơn giản là hương vị của chiếc bánh gừng về Việt Nam, anh cất trong vali những chiếc huy hiệu sưu tập được trong từng đó năm sống ở nhiều thành phố của xứ sở Bạch dương.

Đất nước của những tấm huân chương

Tháng 11/2022, đúng dịp kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Tiến đã có buổi giới thiệu chính thức một phần bộ sưu tập các loại huy hiệu Liên Xô (trước đây) và nước Nga ngày nay mà anh sưu tập được từ năm 2005, khi anh bắt đầu theo học tại Nga. Ðây là một hoạt động nằm trong nhiều hoạt động của chương trình kỷ niệm 105 năm Cách mạng Tháng Mười Nga do Hội Hữu nghị Việt-Nga tổ chức. Tiếc là buổi giới thiệu này không được thông tin rộng rãi, cho nên chỉ có một số bạn bè và người thân của Tiến tham dự. May mắn là nhờ một trong những người bạn cũng từng học tại Nga của Tiến đăng bài viết trên mạng xã hội Facebook, tôi mới biết đến thú vui rất kén chọn này của anh.

Nước Nga qua những bộ sưu tập độc đáo ảnh 1
Một phần bộ sưu tập huy hiệu của Ninh Văn Tiến.

Nếu không học ở Nga, Ninh Văn Tiến chắc chắn sẽ không có cơ hội biết và được tiếp xúc với các loại huy hiệu của Liên Xô (trước đây) và của nước Nga bây giờ, chưa nói đến những bộ huy chương, huân chương, danh hiệu trong lĩnh vực quân sự, dân sự công nhận thành tựu và thành tích nổi bật của các cá nhân trải dài từ năm 1917 đến 1991. Dĩ nhiên, những bộ huân chương, huy chương, danh hiệu nổi tiếng của Liên Xô (trước đây) như Huân chương Chiến thắng được cho hiếm nhất, đắt nhất thế giới vì chỉ dành cho các đại tướng và nguyên soái; Huân chương Sao Vàng; Huân chương Lê-nin; Huân chương Cờ đỏ; các danh hiệu Anh hùng Liên Xô; Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa; Bà mẹ Anh hùng… có giá trị cao và hiếm, hiện giờ đều nằm trong các bảo tàng và bộ sưu tập cá nhân, và cũng không dễ để sở hữu chúng nếu không bỏ ra một số tiền lớn.

Ðể thấy rõ vì sao thời đó lại có nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu hay huy hiệu nhiều như vậy, từ năm 1917 đến 1991 đất nước này đã trải qua nhiều biến động. Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là chủ nghĩa anh hùng, trong thời bình là Anh hùng Lao động và tất cả đều nỗ lực vì một thế giới hòa bình. Vì vậy, sau năm 1945, nếu một người xuất sắc trong công việc của mình dù họ là thợ mỏ, nhà văn hay đạo diễn âm nhạc, Nhà nước Liên Xô cũng sẽ công nhận thành tích của họ bằng một giải thưởng. Hay nếu một phụ nữ mạnh mẽ và chu đáo, có nhiều con, cô cũng được xem như đóng góp vào việc tăng tỷ lệ sinh của đất nước và được Nhà nước tặng thưởng vì công lao đó với việc Huân chương Bà mẹ vinh quang ra đời năm 1944.

Ở Liên Xô (trước đây), theo quy định, những người lái đầu máy sẽ được nhận Huy chương Vì lao động xuất sắc sau 10 năm phục vụ liên tục; Huy chương Vì giá trị lao động sau 15 năm; Huân chương Danh dự sau 20 năm và Huân chương Cờ đỏ lao động sau 25 năm. Bên cạnh đó, còn có Huy chương Vì lòng dũng cảm trong hỏa hoạn được giới thiệu để ghi nhận những hành động dũng cảm và xử lý tình huống trong phòng cháy, chữa cháy. Thậm chí là Huy chương Vì sự giúp đỡ chống ngập lụt hay huy chương Vì sự khai hoang đất đai ra đời năm 1956 mà nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Liên Xô là Yuri Gagarin từng được trao vào năm 1961 sau khi chuyến bay của ông hạ cánh xuống vùng đất được coi là "miền đất chưa khai hoang" ở Volga.

Sau khi Liên Xô tan rã vào cuối năm 1991, những bộ huân chương, huy chương trước đó không còn trao nữa. Tuy nhiên, trong những năm sau đấy, một số huân chương, huy chương thời Liên Xô (trước đây) đã được giới thiệu lại ở Nga. Năm 1994, Huy chương Vì sự cứu sống ra đời thay thế cho Huy chương Vì sự dũng cảm trong hỏa hoạn và Huy chương Vì sự giúp đỡ chống ngập lụt. Năm 2010, khi Chính phủ Nga cố gắng tăng tỷ lệ sinh, Huân chương Gia đình vinh quang ra đời nhằm tặng thưởng cho những bậc cha mẹ xứng đáng vì có những gia đình đông con đặc biệt...

So với những bộ huân chương, huy chương, danh hiệu, những chiếc huy hiệu trông nhỏ bé và ít giá trị hơn nhiều. Tuy vậy, đằng sau mỗi chiếc huy hiệu là một câu chuyện, một sự kiện, một dấu mốc đặc biệt gắn liền với mỗi quốc gia thuộc Liên Xô (trước đây), một thành phố, một tổ chức hay chỉ đơn giản là một trường đại học. Vì thế, có lẽ cũng chưa có ai có thể thống kê được Liên Xô/Nga có bao nhiêu loại huy hiệu, trong khi chỉ trong sáu năm học và sinh sống tại thành phố Tula, Tiến đã sưu tập được khoảng 2.000 chiếc huy hiệu.

Tình yêu với xứ sở Bạch dương

Thành phố Tula mà Tiến nhắc đến là một thành phố công nghiệp và trung tâm hành chính tỉnh Tula của Nga, cách thủ đô Moskva 180 km về phía nam. Ðây được xem là xưởng chế tác vũ khí lớn nhất của nước Nga, cũng là thành phố kiên cường trước nhiều cuộc tấn công của kẻ thù, là lá chắn bảo vệ nước Nga. Chẳng vậy mà tháng 12/1976, Tula được trao tặng danh hiệu Thành phố Anh hùng và Huân chương Sao Vàng nhờ những đóng góp trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Vì thế, ngoài các công trình kiến trúc, nghệ thuật hoành tráng, nổi bật nhất là bảo tàng Lev Tolstoy Yasnaya Polyana gắn liền với tên tuổi của nhà văn, nhà tư tưởng vĩ đại Lev Tolstoy, Tula có nhiều di tích như đài tưởng niệm, cột tưởng niệm tôn vinh các anh hùng bảo vệ thành phố và nhân dân Xô-viết nói chung.

Nước Nga qua những bộ sưu tập độc đáo ảnh 2
Ninh Văn Tiến trong buổi giới thiệu bộ sưu tập huy hiệu của mình.

Trong một không gian như thế, thật ngạc nhiên là Ninh Văn Tiến lại tìm thấy nhiều điều mới mẻ, thú vị ở những chiếc huy hiệu, thay vì anh có thể sưu tập các mô hình vũ khí hay các loại ấm samovar vốn là biểu tượng của Tula. Thực ra, chàng trai sinh năm 1982 có sưu tầm đĩa hát, nhiều đến mức như anh cho biết là khi kết thúc khóa học, anh không thể mang về Việt Nam và đành phải bỏ lại hàng bao tải. Ðến giờ, Tiến vẫn tiếc nuối những chiếc đĩa hát của rất nhiều nghệ sĩ Liên Xô và nước ngoài nổi tiếng mà anh kỳ công sưu tập, giữ gìn đó, nhưng rồi anh nhận ra rằng, những chiếc huy hiệu tuy nhỏ nhưng mang theo những giá trị lịch sử, biểu tượng to lớn của Liên Xô (trước đây) và nước Nga bây giờ.

Vì thế, ngoài giờ học tại Ðại học tổng hợp quốc gia Tula, ngôi trường nổi tiếng với Khoa Vũ khí và Khoa Vô tuyến điện mà Tiến theo học, anh dành thời gian khám phá thành phố và lang thang ở khu chợ trung tâm để tìm mua những chiếc huy hiệu. Do Tula có nhiều cựu chiến binh sinh sống, việc sưu tập các loại huy hiệu của anh khá dễ dàng. Anh làm quen, trò chuyện với họ, hỏi mua huy hiệu từ các cựu chiến binh và nếu có duyên hoặc may mắn, anh được tặng chỉ vì họ cảm mến chàng trai Việt Nam dành tình cảm đặc biệt cho đất nước và con người Nga.

Bộ sưu tập huy hiệu của Tiến lớn dần theo năm tháng. Anh không nhớ mình đã gặp bao nhiêu cựu chiến binh, đến bao nhiêu khu chợ đồ cũ ở các thành phố tại Nga và được bạn bè tặng lại bao nhiêu chiếc hay chỉ đơn giản là đếm được số huy hiệu mà mình đang sở hữu. Tất cả chỉ là con số 2.000 mang tính ước lượng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là mỗi chiếc huy hiệu hay một bộ sưu tập huy hiệu theo chủ đề về các nước thuộc Liên Xô (trước đây), biểu tượng của các thành phố, các danh nhân, các sự kiện, các ngày lễ lớn… đều có một câu chuyện gắn liền và tình cảm, sự yêu mến của những người bán, cho hay tặng. Tiến thích những chiếc huy hiệu là vì thế, bên cạnh suy nghĩ rằng, huy hiệu, cũng như huân chương, huy chương, danh hiệu, đều do Nhà nước Liên Xô hay các nước trong liên bang, các thành phố, các tổ chức trao tặng vào những dịp đặc biệt. Do vậy, chúng mang tính biểu tượng rất lớn, chứa đựng niềm tự hào và vinh dự của những tổ chức hay cá nhân được sở hữu chiếc huy hiệu.

Ngoài ra, một điều làm Ninh Văn Tiến ấn tượng với những chiếc huy hiệu của Liên Xô/Nga là chúng được sản xuất rất tinh xảo, màu sắc thật, nhẹ và bền theo thời gian. Thực tế, Tula nơi anh sinh sống nổi tiếng về ngành đúc kim khí và những chiếc huy hiệu được làm ra tại đây hay ở nước Nga nói chung giống như một tác phẩm điêu khắc thật sự. Và người ta không thể không ngưỡng mộ và thích thú khi cầm trên tay những chiếc huy hiệu như vậy.

Và giống như nhiều người Việt Nam đã, đang và luôn yêu mến Liên Xô, nước Nga, trong đó có cả vợ anh, một tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ Nga đang công tác tại bộ phận biên tập tiếng Nga của Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân, Tiến chọn những chiếc huy hiệu nhỏ bé để lưu giữ kỷ niệm về một thời anh học tập và sinh sống ở Tula, ở xứ sở Bạch dương. Rất có thể trong một tương lai không xa, một triển lãm với quy mô lớn hơn, khi Tiến sắp xếp bộ sưu tập một cách hệ thống, có đầy đủ chú giải về nguồn gốc, xuất xứ của mỗi chiếc huy hiệu, sẽ được anh tổ chức vào một dịp đặc biệt để kỷ niệm mối quan hệ giữa Việt Nam-Liên bang Nga.