“Nước mắt của mẹ”, kịch bản Nguyễn Toàn Thắng, NSND Lê Hùng đạo diễn. Vở kịch khai thác câu chuyện xoay quanh gia đình ông Lực. Vợ ông mất vì băng huyết ngay khi đẻ đứa con thứ hai. Cô bé sinh ra yếu ớt, không lành lặn nên ông phải gửi con lại cho các sơ trong tu viện chăm sóc, lao vào công cuộc mưu sinh vừa lo kiếm tiền thuốc thang chữa trị cho con gái, vừa nuôi nấng đứa con trai đầu lòng.
Thương cảm trước tình cảnh “gà trống nuôi con” của ông Lực, một vị sơ trẻ tuổi tên Hòa đã tình nguyện kết hôn, trở thành mẹ của 2 con riêng của chồng, hết lòng chăm sóc cha con ông Lực. Từ một kỹ sư, ông Lực phấn đấu trở thành giám đốc một tập đoàn lớn, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, làm nhiều việc thiện để cứu giúp những mảnh đời khốn khó. Nhưng vì muốn trúng một dự án lớn, ông đã vi phạm nguyên tắc chỉ định thầu và vướng vòng lao lý.
Phong, con trai ông vốn có nhiều hiểu lầm với bố nên trở nên ngông cuồng, phá phách. Cậu căm ghét người cha chỉ biết đến kiếm tiền nhưng lại vô cùng kính yêu mẹ kế. Chính bà là người đã nhiều lần đưa Phong thoát khỏi những cám dỗ của cuộc sống ăn chơi, trụy lạc, là cầu nối để bố con Phong gần gũi nhau hơn. Cho đến khi cô em gái yếu ớt của Phong trở về nhà sau 17 năm chữa trị, cậu mới nhận ra mình đã nghĩ sai về bố, hiểu động cơ vì sao ông lao vào kiếm tiền như thiêu thân. Vở diễn khép lại bằng cảnh bà Hòa cùng hai đứa con vào tù thăm chồng, mọi hiểu lầm nghi ngờ được hóa giải…
Khai thác đề tài gia đình trong cuộc sống hiện đại, vở diễn phản ánh sâu sắc mặt trái của hiện thực xã hội trong vòng xoáy kinh tế thị trường, nơi vì đồng tiền mà con người dễ phạm lỗi. Nhưng cũng từ đây, vở diễn làm sáng lên những giá trị bền vững, nhân văn của gia đình, nơi mỗi người có thể nương náu, chữa lành nỗi đau tâm hồn bằng tình yêu thương.
Mang tên “Nước mắt của mẹ” nhưng bên cạnh khắc họa sự hy sinh, nhẫn nhịn, bao dung của người mẹ, vở diễn còn làm nổi bật nỗi niềm của người cha. Đồng thời mang đến thông điệp dành cho thế hệ trẻ trong thời đại mới, ấy là tuổi trẻ có thể mắc sai lầm nhưng không thể đánh mất lý tưởng sống…
NSND Lê Hùng lại chứng tỏ vai trò đạo diễn lão luyện khi sử dụng nhiều mảng, miếng sân khấu để vở diễn trở nên mềm mại, nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người hơn. Những yếu tố hài hước được lồng gắn khéo léo trong lối diễn của một số nhân vật như ông Tâm, Liên hay lời thoại ở cảnh diễn của các tù nhân đã mang đến nhiều tiếng cười sảng khoái, thú vị cho người xem, góp phần gia tăng tính giải trí cho vở diễn.
Tuy nhiên, với tác phẩm sân khấu kịch kéo dài gần 2 tiếng, theo cảm nhận chủ quan của người viết, nếu có sự tiết chế, rút ngắn hơn ở một số cảnh diễn như hát hò, bay lắc… để dành thời lượng khắc họa sâu hơn đời sống nội tâm của nhân vật người mẹ và sự quan tâm trong suy nghĩ dành cho con cái của nhân vật người cha sẽ càng làm vở diễn có sức thuyết phục hơn…
Dịp này, cùng với việc công diễn “Nước mắt của mẹ”, Sân khấu kịch Lệ Ngọc cũng mang 2 vở diễn “Làm Vua” và “Thị Nở - Chí Phèo” tham dự Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021 diễn ra từ ngày 5 đến 16/11/2021 tại thành phố Hải Phòng. Việc liên tục cho ra mắt những vở diễn mới trong điều kiện dịch bệnh đã thể hiện sự năng động của một đơn vị sân khấu xã hội hóa trong nỗ lực giữ lửa nghề nơi nghệ sĩ, tiếp nối mạch chảy của nghệ thuật sân khấu.