Những cột tro bụi và đám mây khí nóng khổng lồ từ đợt phun trào mới nhất của núi lửa Semeru bao trùm các ngôi làng chung quanh ở tỉnh Đông Java, khiến người dân hoảng loạn sơ tán.
Theo thông cáo báo chí của BNPB, cơ quan này cho biết trong số 13 người thiệt mạng trong vụ phun trào, có 2 người đã được xác định danh tính.
Trong khi đó, có 98 người bị thương, bao gồm 2 phụ nữ mang thai, đồng thời 902 người dân địa phương ở các khu vực bị ảnh hưởng đã được sơ tán.
Lực lượng chức năng đã giải cứu thành công 10 thợ khai thác cát bị mắc kẹt trong vụ phun trào ở 1 mỏ cát gần đó tại huyện Lumajang.
BNPB cho biết, ít nhất 35 người đã phải nhập viện, trong khi giới chức Lumajang thông tin có 41 người dân địa phương bị bỏng.
Vụ phun trào cũng đã gây hư hỏng cho nhiều tòa nhà và các tuyến đường giao thông nối huyện Lumajang với thành phố Malang, khiến công tác cứu hộ tới các khu vực bị ảnh hưởng đang gặp khó khăn.
Giám đốc BNPB, ông Suharyanto cho biết, nhà chức trách địa phương đã dựng các lều tạm cho người dân lánh nạn. Cơ quan này cũng đã gửi hàng cứu trợ ban đầu trị giá 1,1 tỷ rupiah, gồm thức ăn sẵn, chăn, mặt nạ chống khói bụi và lều tạm để ứng phó khẩn cấp với đợt phun trào. Tuy nhiên, khói bụi dày đặc đang cản trở công tác sơ tán.
AirNav Indonesia, cơ quan kiểm soát không lưu Indonesia cho biết, vụ phun trào không gây ảnh hưởng đáng kể đến các chuyến bay.
Với độ cao hơn 3.600m, Semeru là ngọn núi cao nhất trên đảo Java, đồng thời là 1 trong số gần 130 núi lửa còn hoạt động ở Indonesia. Lần gần nhất núi lửa này phun trào là vào tháng 1 đầu năm nay nhưng không gây ra thương vong.
Indonesia nằm trong "Vành đai lửa Thái Bình Dương", khu vực thường xuyên chứng kiến các hoạt động địa chấn mạnh, dẫn đến các trận động đất và núi lửa phun trào hay xảy ra.
Cũng trong sáng 5/12, 1 trận động đất mạnh 6 độ đã xảy ra ở phía bắc đảo Halmahera, cách núi lửa Semeru khoảng 2.000km về phía đông bắc. Theo thông tin từ Trung tâm Địa chấn Địa Trung Hải-châu Âu (EMSC), trận động đất xảy ra ở độ sâu 151km.