Nữ họa sĩ Nhật Bản mê tranh sơn mài Việt

NDO -

NDĐT – Tình cờ đặt chân đến Việt Nam từ thập niên 90, nữ họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando đã khám phá nhiều điều thú vị ở đất nước này, và đã quyết định gắn bó với Việt Nam tới 18 năm để tìm hiểu và học vẽ tranh sơn mài.

Khán giả tại triển lãm tranh của Saeko Ando.
Khán giả tại triển lãm tranh của Saeko Ando.

Những bức tranh của chị hiện đang được trưng bày tại Trung tâm văn hóa Nhật Bản 27 Quang Trung trong triển lãm mang tên “Nhật Bản trong tôi’, với phong cách Nhật thể hiện trong sơn mài Việt.

Khám phá vẻ đẹp của sơn mài Việt

Là cái tên quen thuộc trong giới mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là hội họa sơn mài, Saeko Ando đã thành danh với sơn mài Việt và trở thành người nước ngoài đầu tiên gia nhập Hội Mỹ thuật Hà Nội.

Saeko Ando đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1995, với tư cách là một người khách du lịch. Trước đó, chị đã từng đến nhiều nơi trên thế giới, trong vai trò của một nữ tiếp viên của hãng JAL. 

Nữ họa sĩ Nhật Bản mê tranh sơn mài Việt ảnh 1

Nữ họa sĩ tại triển lãm.

Chị kể lại, thời gian đó, người Nhật Bản đến Việt Nam rất ít, và người Việt vẫn còn rất ngại ngùng khi giao tiếp với người nước ngoài. Ando thú thật, khi đó ấn tượng của chị rất xấu, và chị tự hỏi, tại sao lại như thế. Với bản tính tò mò, muốn khám phá mọi thứ, Ando đã quyết định ở lại tìm hiểu xem, phải có điều gì đó tốt đẹp ở nơi này.

Ando kể, khi ở Việt Nam, chị may mắn gặp được người thầy hội họa đầu tiên là họa sĩ Trịnh Tuấn. Khi xem những bức tranh sơn mài của ông, chị ngạc nhiên bởi màu sắc, sự đa dạng trong chất liệu, cách thể hiện, và kể từ đó, chị đã bị tranh sơn mài hấp dẫn. Chị chia sẻ: Kế hoạch của tôi là ở lại đây vài tháng thôi, nhưng tôi đã quyết định kéo dài hơn vì trót sâu đậm với nghệ thuật sơn mài rồi. Để có thể tự lập vẽ tranh, tôi đã phải học tất cả mọi thứ bên cạnh kỹ thuật vẽ tranh, như cách chọn vật liệu và sơn tốt, cách làm vóc và duy trì các dụng cụ, vật liệu. Ando bật mí: “Cứ như thế, tôi trì hoãn việc rời khỏi Việt Nam và trở thành một kẻ nghiện bún đậu mắm tôm lúc nào không hay”.

Nữ họa sĩ Nhật Bản mê tranh sơn mài Việt ảnh 2

Tác phẩm "Trứng".

Theo đuổi nghệ thuật sơn mài trong suốt 18 năm trời, Saeko Ando đã tạo ra cho sơn mài một vẻ đẹp mới, vừa lạ lẫm vừa quen thuộc, vừa cổ điển vừa hiện đại. Chị sử dụng nhiều màu sắc và chất liệu, tạo ra những lớp màu phức tạp, khiến cho bức tranh nhìn như hình ảnh ba chiều. Tranh của Ando đem lại cái nhìn hoàn toàn khác với tranh sơn mài từ xưa đến nay, vốn không phẳng bởi phải phủ lên nhiều lớp màu. Những bức tranh của chị phẳng đến hoàn hảo, giống như không phải chồng nhiều lớp sơn lên nhau.

Chủ đề trong tranh của Ando rất dung dị, gần gũi với đời thường. Chị lựa chọn các con vật để thể hiện ý đồ của mình. Một trong những đề tài ưa thích của Ando là trứng, được chị mô tả với nhiều kiểu màu sắc, khía cạnh khác nhau, khiến cho bức tranh sơn mài có vẻ gì đó vừa lạ lẫm vừa quen thuộc.

Những tương đồng và khác biệt

Nghiên cứu và vẽ tranh sơn mài trong hơn 18 năm, Saeko Ando đã khám phá ra nhiều nét thú vị giữa sơn mài Việt Nam và Nhật Bản. Ando cho biết, ở Nhật cũng có những nghệ nhân làm tranh sơn mài, nhưng không có họa sĩ chuyên vẽ sơn mài như ở Việt Nam.

Nữ họa sĩ Nhật Bản mê tranh sơn mài Việt ảnh 3

Một tác phẩm của Saeko Ando.

Chất liệu sơn ta của Việt Nam, theo Ando, không được nhiều họa sĩ Nhật Bản ưa chuộng, bởi vì lâu đóng cứng, lâu khô và không phù hợp với khí hậu Nhật Bản. Tuy nhiên, sơn ta lại cho sản phẩm có độ trong, lên màu sắc rực rỡ, rất hợp với vẽ tranh. Ando nói, những nhược điểm của sơn ta khiến cho nhiều họa sĩ rời bỏ chất liệu này, nhưng với chị, chị thích vượt qua nó như một thử thách.

Ando nhận xét, các tác phẩm sơn mài Nhật Bản hầu hết là tác phẩm ba chiều. Đối với đồ sơn mài, người Nhật thường thích dùng những màu đơn sắc như màu đỏ rực rỡ, hay đen sang trọng huyền bí, những hình dạng có đường nét ba chiều mềm mại tạo cảm giác bóng sẽ làm tôn lên những màu sắc này. Trong khi đó, sơn mài Việt Nam lại ưa chuộng hai màu rực rỡ là đỏ son và vàng kim.

Nữ họa sĩ Nhật Bản mê tranh sơn mài Việt ảnh 4

Bộ tranh "Rắn" là một trong những tác phẩm mà họa sĩ ưa thích nhất.

Một đặc điểm khác là sơn mài Nhật ưa thích chủ thể là các con vật, còn sơn mài Việt Nam do ảnh hưởng từ hội họa phương Tây lại thích vẽ về con người, phong cảnh hơn. Ando cũng cho biết, một trong những điểm cơ bản thể hiện sự khác biệt giữa sơn mài hai nước là kích thước tranh. Nếu như người Nhật ưa chuộng các bức tranh nhỏ, có khi chỉ 10cm mỗi chiều, thì các họa sĩ Việt Nam lại vẽ thích những bức tranh lớn, hoành tráng.

Ando chia sẻ, ngay trước triển lãm, chị đã nhìn ngắm lại những bức tranh của mình, và nhận ra rằng, mình đã vẽ dựa trên thế giới quan, cảm tính và triết học Nhật Bản: “Có lẽ dù tôi yêu Việt Nam và đã “được” đồng hóa, nhưng bản sắc của một người Nhật vẫn không thể nào mất đi được”. Chị nói với các họa sĩ Việt: “Đừng để cho xu hướng thống trị bạn, hãy nhìn vào gương và tìm ra bản sắc của mình…”