NSND Quốc Hưng nói về sự mất mát của nền thanh nhạc Việt Nam khi vắng bóng người nghệ sĩ gạo cội: “Không chỉ các học sinh được học thầy Trung Kiên mà cả giới thanh nhạc Việt Nam cảm thấy mất mát vì sự ra đi này. Vì giáo trình thanh nhạc từ trung cấp đến đại học đều của thầy viết hết. Tất cả đều học theo phương pháp, quy trình thầy Kiên đưa ra. Rất khó để tìm được một người kế cận tài năng, tư duy hiểu biết về thanh nhạc như thầy.”
NSND Trung Kiên sinh năm 1938 tại Kiến Xương, Thái Bình. Ông là con trai của nhà cách mạng Nguyễn Danh Đới. Ông là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam nói chung và dòng nhạc cách mạng, thính phòng nói riêng, thể hiện thành công những nhạc phẩm bất hủ như: “Đất nước trọn niềm vui”, “Cô lái tàu”, “Tình ca”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Chào sông Mã anh hùng”, “Quà tháng năm dâng Người”, “Bài ca Trường Sơn”, “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”...
NSND Trung Kiên từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Trong sự nghiệp giảng dạy, ông là giáo sư, thầy của nhiều ca sĩ nổi tiếng: NSND Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Trọng Tấn, Lan Anh, Phương Nga, Bích Hồng, Đinh Trang, Lê Anh Dũng... NSND Trung Kiên kết hôn với ca sĩ Thanh Nga và có con trai là nhạc sĩ Quốc Trung. Nhiều năm qua, ông sống với người vợ thứ hai là NSND, nhà giáo Thu Hà - con gái của nghệ sĩ piano Thái Thị Liên.
Ông đã sống một cuộc đời tận hiến cho âm nhạc. Nhạc sĩ Quốc Trung, con trai ông viết: “Bố đã có một cuộc đời đẹp mà con vinh dự được là một phần trong đó”. Sau này, trong những năm tháng tuổi đã cao, sức không còn khỏe nhưng NSND Trung Kiên vẫn có một tiếng nói quan trọng trong sự phát triển của nền thanh nhạc Việt Nam. Ông tham gia vào các hoạt động, ngồi hội đồng chấm giải để phát hiện ra những tài năng trẻ. Có thể nói, ông đã làm việc đến hơi thở cuối cùng. Ông không chỉ đào tạo thành danh một thế hệ như NSND Quốc Hưng, NSƯT Đăng Dương, ca sĩ Lan Anh, Anh Thơ, Trọng Tấn... mà NSND Trung Kiên còn quan tâm đến các ca sĩ trẻ, phát hiện và nuôi dưỡng những giọng ca thính phòng trẻ.
Ca sĩ Đinh Trang- giải nhì Sao Mai dòng nhạc thính phòng, một ca sĩ trẻ được chính thầy Trung Kiên lựa chọn và đào tạo xúc động nói: “Tôi luôn tự hào và hãnh diện khi ai đó hỏi tôi là học trò của thầy nào? Tôi 21 tuổi thi đỗ Đại học thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và rất may mắn trong 40 sinh viên đầu vào, tôi được thầy lựa chọn để đào tạo giọng hát. Tôi phải luôn biết ơn duyên số và trân trọng sự may mắn đó bằng cách học tập và sống nghiêm túc hết mình. Những năm tháng được học thầy với bao kỷ niệm vui buồn, học trò chúng tôi thường được thầy “thuê” ăn trưa và nghe thầy kể chuyện hài hước. Cứ cuối học kỳ lại được thầy đãi cả lớp “bánh tôm Hồ Tây” và có lúc lại về nhà thầy tụ tập đông vui. Có lần thầy vui lên rồi bảo: “Hồi xưa thầy chọn con để dạy là vì lúc đi thi thầy đã nhìn vào mắt con khi con hát”.
Đinh Trang nể phục sức làm việc và tâm huyết của người thầy mà đối với cô, đó là một người thầy lớn trong cuộc đời. “Dù những năm gần đây hay cả khi thầy đang ốm nhưng thầy vẫn luôn trăn trở cho nghiên cứu những công trình thanh nhạc đang còn dang dở. Thầy không bao giờ để thời gian trống, luôn đọc sách, dịch sách và viết sách. Chỉ khi nào có lũ học trò, thầy bảo ngồi trò chuyện là vui nhất, thầy yêu học trò và yêu nghề dạy biết bao. Năm 2018 lúc tôi tốt nghiệp cao học với thành tích xuất sắc, tôi biết thầy đã mãn nguyện khi tập trung dạy tôi. Đến khi tốt nghiệp cao học rồi tôi mới có thể tự tin để nói ra “Thầy quan trọng với tôi thế nào”. Tôi luôn cảm thấy tự hào và hãnh diện khi được là học trò ruột của thầy, là người thầy đã gọt giũa giọng hát từ thô sơ đến những thanh âm vang dội sắc nét... Thầy có rất nhiều học trò là bậc thầy, là huyền thoại như NSND Lê Dung, NSƯT Đăng Dương, Trọng Tấn, Lan Anh... Thầy là bậc thầy của các thầy khiến tôi luôn trân trọng vì may mắn ấy.”
Ca sĩ Lê Anh Dũng có tám năm được may mắn học thầy. Anh chia sẻ, NSND Trung Kiên không chỉ rèn giũa cho anh giọng hát, mà còn là nhân cách của một người nghệ sĩ dám chấp nhận gian khó để theo đuổi những giá trị đích thực của âm nhạc. Anh nói: “12 năm học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, tôi học thầy tám năm, có thể nói tôi là một trong những học sinh xuất sắc của thầy. Thầy đã giúp tôi rất nhiều trong việc định hướng, trang bị những kỹ năng, hành trang vào nghề”. Anh cũng khẳng định: “Thầy ra đi là một mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam nói chung và nền thanh nhạc nói riêng, vì thầy viết rất nhiều sách, tài liệu cho thanh nhạc. Sự ra đi của thầy để lại một khoảng trống lớn. Thầy đã trọn nghĩa, vẹn tình và cống hiến hết mình cho nền thanh nhạc nước nhà, gia tài đồ sộ về kiến thức thanh nhạc của thầy để lại cùng nhiều lớp học sinh tài năng sẽ viết tiếp ước mơ và những dự định dang dở của thầy”.