Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... với ưu đãi về thuế quan cũng tạo ra lợi thế cho Việt Nam đưa nông sản sang Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay nhiều mặt hàng chủ lực vẫn chưa tận dụng được hiệu quả các ưu thế này.
Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm từ cây công nghiệp
Từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản gặp nhiều khó khăn, lượng và trị giá xuất khẩu sang thị trường này liên tục sụt giảm so cùng kỳ năm 2022. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 5,74 nghìn tấn, trị giá 8,98 triệu USD, giảm 10,4% về lượng và giảm 27,6% về trị giá so cùng kỳ năm 2022.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu là cao su tự nhiên. Giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.565 USD/ tấn, giảm 19,2% so cùng kỳ năm 2022.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 8 cho Nhật Bản với 5,44 nghìn tấn, trị giá 1,18 tỷ yên (tương đương 8,03 triệu USD), giảm 6,4% về lượng và giảm 18,7% về trị giá so cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 1,26% trong tổng lượng nhập khẩu cao su của Nhật Bản, cao hơn so mức 0,99% của 7 tháng đầu năm 2022.
Đối với mặt hàng cà-phê, tỷ trọng xuất khẩu cà-phê robusta sang Nhật Bản tăng. Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt 78,73 nghìn tấn, trị giá 218,87 triệu USD, tăng 1,1% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 8/2023, giá xuất khẩu bình quân cà-phê của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản đạt mức 3.132 USD/tấn, tăng 0,9% so tháng 7/2023 và tăng 29,3% so tháng 8/2022. Tính chung 8 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà-phê của nước ta sang thị trường Nhật Bản đạt mức 2.780 USD/tấn, tăng 10,4% so cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ trọng cà-phê Robusta trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng từ 66,51% trong 8 tháng đầu năm 2022 lên 69,1% trong 8 tháng đầu năm 2023. Tương tự, tỷ trọng xuất khẩu cà-phê chế biến cũng tăng từ 23,13% trong 8 tháng đầu năm 2022 lên 24,57%. Ngược lại, tỷ trọng xuất khẩu cà-phê Arabica sang Nhật Bản giảm từ 10,36% trong 8 tháng đầu năm 2022 xuống 6,34% trong 8 tháng đầu năm 2023.
Còn nhiều dư địa phát triển
Ngoài các sản phẩm từ cây công nghiệp, Nhật Bản cũng là thị trường có nhu cầu cao về các sản phẩm rau quả, nhất là trái cây từ Việt Nam. Đơn cử như quả chuối, chuối của Việt Nam nhập khẩu vào Nhật Bản đang được hưởng mức thuế ưu đãi và Việt Nam có mức thuế suất theo Hiệp định AJCEP là 0% từ ngày 1/4/2023, trước đó là 3%.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, ngoài lợi thế về thuế quan, hiện tại, nhiều hệ thống tiêu thụ tại Nhật Bản mong muốn nhập khẩu chuối từ Việt Nam thay thế chuối Philippines bởi người tiêu dùng Nhật Bản cho rằng chuối Việt Nam thơm ngon.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu chuối của Nhật Bản từ Việt Nam đạt 7,9 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ yên (tương đương 7,1 triệu USD), tăng 62% về lượng và tăng 80,2% về trị giá so cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu chuối từ Việt Nam chỉ chiếm 1,3% tổng lượng chuối nhập khẩu. Do đó, vẫn còn rất nhiều dư địa để các doanh nghiệp xuất khẩu chuối mở rộng thị phần tại Nhật Bản.
Tương tự, đối với cà-phê, theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế, Việt Nam là nguồn cung cà-phê lớn nhất cho Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2023, lượng đạt hơn 65 nghìn tấn, trị giá 152,5 triệu USD, giảm 8,2% về lượng và giảm 3,6% về trị giá so cùng kỳ năm 2022. Mặc dù vậy, thị phần cà-phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng từ 27,65% trong 7 tháng đầu năm 2022 lên 31,38% trong 7 tháng đầu năm 2023.
Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, Nhật Bản giảm nhập khẩu cà-phê từ các nguồn cung lớn chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Nguyên nhân chính là do kinh tế suy thoái, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu tiêu thụ cà-phê giảm. Tuy nhiên, theo dự báo, triển vọng cuối năm cho các mặt hàng cà-phê xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ rất khả quan do nhu cầu tăng trở lại.