Nông nghiệp Bình Phước hút vốn FDI

Có quy hoạch phát triển nông nghiệp khoa học, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, giao thông thuận lợi, đồng thời đất đai, khí hậu phù hợp phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm… đó là những điều kiện để Bình Phước thu hút nguồn vốn FDI mạnh mẽ vào ngành nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Sầu riêng Bình Phước là một trong những nông sản cần doanh nghiệp FDI đầu tư chế biến chuyên sâu để xuất khẩu.
Sầu riêng Bình Phước là một trong những nông sản cần doanh nghiệp FDI đầu tư chế biến chuyên sâu để xuất khẩu.

Bình Phước đang nỗ lực thực hiện “bốn tốt”, đó là “hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt và dịch vụ công tốt” để hiện thực hóa chủ trương thu hút đầu tư theo tinh thần “cùng thắng”. Nhờ đó, những năm gần đây, nhiều dự án có vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là những dự án đầu tư theo chuỗi, đang tạo đà cho nông nghiệp Bình Phước phát triển bền vững.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Trước tác động của tình hình kinh tế trong nước và thế giới, việc thu hút các dự án mới là khó khăn chung của cả nước và Bình Phước cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, bằng cách chuẩn bị tốt các yếu tố cần thiết cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI đến tìm hiểu môi trường đầu tư, đây là một trong những yếu tố then chốt để doanh nghiệp ở lại Bình Phước. Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, Bình Phước có sức hút hơn cả bởi các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đặc biệt là nông dân đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền chia sẻ: Những năm gần đây, Bình Phước đề ra các giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh. Trong đó, tập trung tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với đẩy mạnh bảo quản, chế biến nông sản, thích ứng biến đổi khí hậu, kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, quốc gia. Đồng thời, Bình Phước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.

Bình Phước xem chuyển giao khoa học-kỹ thuật là chìa khóa giúp sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao. Hằng năm, các đơn vị chuyên môn của tỉnh tập trung khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng; đưa các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh gây hại theo hướng an toàn sinh học để nông dân áp dụng, giúp tăng năng suất cây trồng, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nông dân.

Đối với địa bàn khó khăn đã xây dựng các mô hình nông nghiệp theo hướng đa canh, tích hợp, tạo sinh kế bền vững cho nông dân, ưu tiên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, các xã đang xây dựng nông thôn mới.

Từ đó, Bình Phước đã hình thành những vùng chuyên canh cây công nghiệp, như: Cây điều 149.695 ha (sản lượng hơn 199.000 tấn), cây tiêu 12.953 ha (sản lượng hơn 23.500 tấn), cây cao su 242.961 ha (sản lượng gần 418.000 tấn) và cây cà-phê hơn 14.000 ha (sản lượng hơn 28.800 tấn). Cùng với đó, tỉnh có hơn 1.000 doanh nhiệp chế biến và xuất khẩu các mặt hàng từ cây công nghiệp, doanh thu xuất khẩu chiếm 2/3 tổng doanh thu.

Thị trường xuất khẩu chính của Bình Phước là các nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như Hàn Quốc 18%, Mỹ 16%, Singapore 15%, Trung Quốc 13%, Campuchia 12%. Sản phẩm xuất khẩu chính là điều, cao su, gỗ, nông sản (chiếm 48%). Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhờ xây dựng vùng nguyên liệu bền vững đã góp phần giúp Bình Phước duy trì được tính ổn định trong xuất khẩu và duy trì vị thế địa phương xuất khẩu trong nhóm dẫn đầu cả nước (bình quân kim ngạch xuất khẩu hằng năm đạt hơn 4 tỷ USD).

Riêng năm 2023, với kim ngạch đạt 4,180 tỷ USD, Bình Phước tiếp tục trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao nhất nước; trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có tỷ trọng xuất siêu cao nhất. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh tăng 10,25%, đứng đầu vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 11 so với cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Hiện Bình Phước quy hoạch diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 10.800 ha; tỷ lệ trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng an toàn khoảng 90%; hình thành ít nhất một khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng một đến hai vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ với diện tích khoảng 1.000-2.000 ha; phát triển 100 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Kỳ vọng đà tăng trưởng mới

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước, hiện tỉnh có 95 dự án FDI với tổng vốn 942,362 triệu USD đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp, như: Chăn nuôi, chế biến ván lạng, hạt điều và nông sản. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Japfa Comfeed Việt Nam đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào ngành chăn nuôi tại Bình Phước.

Đáng chú ý, trại quy mô 10.000 con lợn sinh sản của công ty với tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng ở xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng đang là nơi cung ứng con giống có chất lượng tốt nhất cho thị trường trong nước, cũng như xuất khẩu theo tiêu chuẩn châu Âu. Cùng với đó, Tập đoàn Japfa Comfeed Việt Nam xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi và nhà máy giết mổ tại Khu công nghiệp Minh Hưng-Sikico (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản) để hoàn thiện chăn nuôi theo chuỗi giá trị.

Đây được xem là đơn vị đầu tiên hoàn thiện chuỗi cung ứng Feed-Farm-Food (chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn), góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi tại Bình Phước. Tổng Giám đốc Japfa Việt Nam Arif Widjaja cho biết: “Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Phước giai đoạn 1 đạt công suất 240.000 tấn/năm với vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2, chúng tôi tăng công suất lên 480.000 tấn/năm, bảo đảm cung ứng thức ăn chăn nuôi chất lượng cho thị trường Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Nhà máy giết mổ gia cầm của chúng tôi cũng đạt công suất 60.000 con/ngày, với số vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng. Sự có mặt của Japfa Việt Nam tại Bình Phước sẽ góp phần phát huy thế mạnh của địa phương về chăn nuôi lợn, giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lớn lao động.

Bên cạnh đó, Bình Phước có nhiều dự án FDI liên quan chế biến chuyên sâu sản phẩm từ nông nghiệp, như dự án hợp tác giữa Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Tập đoàn Dongwha Hàn Quốc, chuyên sản xuất và kinh doanh ván gỗ MDF được thành lập vào năm 2008. Đó là, Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Dongwha đặt tại Khu công nghiệp Minh Hưng III (phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành), với tổng diện tích khu phức hợp nhà máy-văn phòng lên đến 39 ha.

Nhà máy sản xuất ván gỗ MDF sử dụng nguyên liệu chủ yếu là gỗ cao su, gỗ tràm, gỗ điều và gỗ thông được cung cấp từ các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Đắk Nông. Công ty đang sở hữu máy ép ván MDF lớn và hiện đại nhất có mặt tại Việt Nam; năng lực sản xuất của công ty hơn 600.000 m3 gỗ MDF/năm, doanh thu bán hàng hơn 130 triệu USD, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 120 lao động, đóng góp ngân sách cho tỉnh Bình Phước hơn 6 triệu USD/năm. Hiện, công ty đang đầu tư thêm dây chuyền sản xuất số 3, khi hoàn thành nâng tổ công suất của nhà máy tại Bình Phước lên 1,3 triệu m3/năm.

Mới đây nhất, Bình Phước chào đón một dự án FDI lớn nhất từ trước đến nay đó là, nhà đầu tư Shandong Haohua Tire, thuộc Tập đoàn Haohua với tổng vốn 500 triệu USD. Dự án sản xuất lốp xe Haohua (Việt Nam) triển khai tại Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico, xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước trên tổng diện tích thuê đất 43 ha; công suất sản xuất lốp xe tải radial toàn thép không săm với sản lượng hằng năm là 2,4 triệu bộ/năm và lốp radial bán thép với sản lượng 12 triệu bộ/năm.

Giá trị sản lượng hằng năm dự kiến đạt 770 triệu USD. Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, Bình Phước có 242.961 ha cao su, cho sản lượng gần 418.000 tấn/năm. Dự án sản xuất lốp xe Haohua (Việt Nam) sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.600 lao động địa phương, đồng thời giúp tiêu thụ sản phẩm cao su trên địa bàn tỉnh.

Mới đây, Bình Phước tổ chức Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham-tỉnh Bình Phước năm 2024, giới thiệu đến hàng trăm doanh nghiệp FDI về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Theo ông Hiền, tỉnh đưa ra ba giải pháp hỗ trợ tổng thể: Quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu; chính sách thu hút, hỗ trợ; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Trong đó, định hướng phát triển nông nghiệp với ba nhiệm vụ trọng tâm: Tạo vùng nguyên liệu, chế biến và hình thành liên kết chuỗi với ba ngành trọng điểm là chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp; ba sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: chăn nuôi (lợn, gà), hạt điều, sản phẩm từ gỗ; ba giải pháp hỗ trợ tổng thể: quy hoạch lại vùng sản xuất nguyên liệu, chính sách thu hút, hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Đó là, những chính sách thiết thực tạo được sự quan tâm của nhà đầu tư EuroCham đến tìm hiểu và cam kết đầu tư ở Bình Phước thời gian tới.