Nông dân, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, nhân tố tạo sức lan tỏa

Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tuyên dương 15 gương nông dân và 24 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2023. Trong số này, có những gương nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất mang lại thu nhập cao; nhiều sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng phát triển sản xuất, thúc đẩy nền nông nghiệp đô thị của thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm của Bambi Hana trưng bày tại buổi tuyên dương gương nông dân và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2023.
Các sản phẩm của Bambi Hana trưng bày tại buổi tuyên dương gương nông dân và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2023.

Trong 24 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lần này, sản phẩm “Nước dưỡng hoa cho hoa tươi các loại” của anh Lê Trung Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Bambi Hana, huyện Hóc Môn được nhiều người chú ý đến bởi tính sáng tạo, ứng dụng vào thực tiễn cao của sản phẩm này. Đây là sản phẩm được sự hỗ trợ của Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ cao thành phố để nghiên cứu, tạo ra dung dịch ion đồng, giúp cho hoa tươi lâu hơn nhiều lần so với cách bảo quản thông thường.

Dung dịch dưỡng hoa do anh Hiếu sáng chế có giá cạnh tranh hơn so với các sản phẩm được nhập từ nước ngoài và ngày càng được nhiều người tin dùng. Theo anh Hiếu, có dịp công tác tại các tỉnh, trong đó có Đà Lạt, nhìn thấy nông sản của nông dân Đà Lạt, nhất là hoa tươi không bán được, cũng không có cách lưu trữ nên đành phải bỏ đi, anh đã quyết tâm tìm ra một giải pháp bảo quản những bông hoa này tươi lâu hơn để giúp người nông dân giảm bớt mối lo, và giúp nâng cao giá trị của nông sản.

Sau khi thực hiện hơn 1.000 thí nghiệm, công ty đã cho ra đời sản phẩm nước dưỡng hoa tươi, giúp cho việc bảo quản hoa tươi cắt cành lâu hơn. Cụ thể, khi cho dung dịch dưỡng hoa vào nước cắm hoa, hoa hồng sẽ kéo dài độ tươi, mầu sắc của hoa từ bốn ngày lên tám ngày, hoa cúc từ bảy ngày lên hơn 14 ngày, hoa lay-ơn từ bốn ngày lên 15 ngày... Ngoài nước dưỡng hoa, công ty còn tạo ra các sản phẩm nước nhuộm hoa, mầu nhuộm hoa với nhiều mầu sắc cho nhiều loại hoa khác nhau.

Dự án Bambi-Giải pháp đổi mầu (nước nhuộm mầu cho hoa) và bảo quản hoa (dung dịch dưỡng hoa) công nghệ xanh cho ngành hoa tươi đã đoạt giải nhất cuộc thi Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức. Các chuyên gia đánh giá, các sản phẩm này có chất lượng tốt, tương đương với hàng nhập khẩu nhưng giá rẻ hơn, giúp người trồng hoa, cửa hàng hoa nâng cao giá trị sản phẩm hoa tươi. Đồng thời, sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn cho người sử dụng và cho môi trường.

Với diện tích sản xuất 8.000m2 nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng trung bình mỗi vụ thu hoạch 4-5 tấn tôm, mỗi năm thu hoạch từ 12-15 tấn, ông Phạm Thanh Minh, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh đã đem lại lợi nhuận bình quân từ 500 triệu-800 triệu đồng/năm.

Để đạt được kết quả này, ông Minh đã đầu tư máy phòng flag để kiểm soát dịch bệnh trong sản xuất nuôi tôm; chủ động ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để bảo vệ môi trường, tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi. Là Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi Tôm, Cua xã Đa Phước, ông đã tiên phong trong mô hình nuôi tôm ứng dụng lót bạc đáy ao của địa phương mang lại hiệu quả cao; từ đó, nhân rộng ra các hộ nuôi tôm khác, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Ngoài ra, để hỗ trợ cho các hộ nông dân khác phát triển nuôi tôm, ông Minh còn hỗ trợ con giống, cũng như vốn cho nông dân kinh doanh, sản xuất. Chỉ tính trong năm 2019, ông đã hỗ trợ hai triệu con tôm giống cho 10 hộ nông dân sản xuất với tổng trị giá 120 triệu đồng, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho 17 hộ nuôi tôm trên địa bàn xã.

Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Nguyễn Thanh Xuân cho biết: Các cấp hội nông dân từ thành phố đến cơ sở đã triển khai, phát động hội viên nông dân tiếp tục nêu cao quyết tâm tham gia các phong trào thi đua yêu nước của thành phố và của hội nông dân các cấp phát động; điển hình là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường”.

Qua đó, đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao của nền nông nghiệp đô thị hiện đại, xây dựng được hình ảnh của người nông dân mới thành phố “yêu nước-gương mẫu, năng động-sáng tạo, đoàn kết-nghĩa tình” tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới giàu đẹp-văn minh-phát triển. Qua các phong trào, đã xuất hiện những gương nông dân điển hình, tiêu biểu trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm có giá trị, chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Phước Lộc, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp thành phố theo hướng đô thị hiện đại, bền vững, gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn, Hội Nông dân thành phố cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của hội viên nông dân.

Các cấp hội cần chú trọng chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp thành phố, chương trình phát triển giống cây trồng và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Hội Nông dân thành phố cần giải pháp, đẩy mạnh việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn và bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu để tạo động lực mới về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.