Nông dân Ninh Thuận ứng dụng công nghệ số

Để nâng cao hiệu quả quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, nhiều nông dân tại tỉnh Ninh Thuận đã ứng dụng công nghệ số, mở hướng đi mới, giúp họ an tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
0:00 / 0:00
0:00
Trang trại nho Hoàng Yến của nông dân Tống Minh Hoàng ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước.
Trang trại nho Hoàng Yến của nông dân Tống Minh Hoàng ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước.

Mô hình “cửa hàng điện tử” đem lại nhiều ưu điểm, giúp nông dân dễ dàng kết nối, hỗ trợ nhau về kỹ thuật hoặc quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, ngày càng hiệu quả.

Quảng bá sản phẩm trên nền tảng số

Nông dân Tống Minh Hoàng ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước là một trong những người đi đầu trong ứng dụng nền tảng số vào sản xuất nho và đã gây dựng được thương hiệu nho của riêng mình. Anh Hoàng chia sẻ: “Những năm trước, 5 sào nho (5.000m2) của gia đình luôn phụ thuộc vào thương lái. Có thời điểm nho chín rộ nhưng thương lái không thu mua, thế là rơi vào tình cảnh được mùa mất giá, được giá mất mùa, nông dân rất vất vả”. Quyết tâm vượt qua khó khăn, anh Hoàng đã đi học tin học và tự lập website riêng để quảng bá sản phẩm trên internet và mạng xã hội. Hơn hai năm trở lại đây, vườn nho của anh được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, dần trở thành địa chỉ tin cậy, đón nhiều lượt khách đến tham quan, mua nho tươi tại vườn. Từ đó, anh không còn bị tư thương ép giá nữa.

Hiện nay, ngoài bán nho tươi trực tiếp tại vườn, mỗi tháng anh Tống Minh Hoàng nhận thêm từ 50-100 đơn của khách hàng mua sỉ online. Thu nhập tăng, anh đầu tư nâng tầm vườn nho thành trang trại nho Hoàng Yến, vừa bán nho của trang trại, vừa bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ khác cùng liên kết. Anh đã lập thêm website riêng khác để vừa quảng bá nho tươi, nho giống, vừa để người tiêu dùng tham khảo, đặt mua hàng thuận tiện hơn.

Nông dân ở Ninh Thuận hiện rất chú trọng đến việc quảng bá và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp bằng cách thiết kế nhãn hiệu và niêm yết giá sản phẩm rồi đưa lên website, Zalo, Facebook... Qua các kênh này, người tiêu dùng dễ dàng truy cập mọi lúc, mọi nơi để tiếp cận, nắm bắt rõ quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, có thể an tâm mua để dùng.

Lan tỏa ứng dụng công nghệ số

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/11/2021 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, những năm qua, hàng chục hội viên nông dân và Hợp tác xã nông nghiệp huyện Bác Ái đã quen dần với việc ứng dụng nền tảng số để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Thanh Hòa, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất tổng hợp nông nghiệp Phước Đại, huyện Bác Ái cho biết, đến nay, cơ sở này đã có ba sản phẩm gồm: Hạt chuối cô đơn, nấm linh chi và thịt lợn đen được đưa lên sàn giao dịch điện tử Postmart, có nhiều khách hàng truy cập và đặt mua hàng. Đây là tín hiệu vui, vì nông sản ở huyện miền núi có cơ hội tiếp cận nhiều thị trường trong nước và ngoài nước.

Hợp tác xã cũng triển khai bán hàng trên nền tảng mạng xã hội, các sản phẩm được niêm yết giá; khách hàng đặt mua trực tiếp trên nền tảng số.

Nhiều xã viên cho biết, ưu điểm của việc bán hàng trên nền tảng số là các xã viên nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng rất cụ thể (qua trao đổi tin nhắn hoặc điện thoại), từ đó dễ dàng đáp ứng, quảng bá cũng như chăm sóc khách hàng và chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất để bảo đảm nguồn hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường theo mùa vụ. Tuy nhiên, hạn chế của bán hàng qua mạng là, một số sản phẩm tươi sống khó bảo quản, cho nên nông dân hạn chế việc vận chuyển sản phẩm tươi đi các tỉnh, thành phố cách xa vài trăm cây số.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bác Ái Nguyễn Đức Nghĩa, đến nay, hội đã phối hợp đăng ký cho 52 hội viên nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử Postmart, chủ yếu là các sản phẩm đặc trưng và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP ở địa phương như: Bưởi da xanh Phước Bình, hạt chuối cô đơn... Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận Lê Thanh Hùng cho biết, thời gian qua, các cấp hội tích cực phối hợp với các sở, ngành để kết nối và hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm thông qua việc hướng dẫn bán hàng trên các kênh thương mại điện tử như: Postmart và mạng xã hội, đã đem lại hiệu quả tích cực, giúp nông dân tăng thu nhập, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của hội viên, nông dân về chuyển đổi số, tích cực hòa nhập nền kinh tế số.

Riêng việc liên kết tiêu thụ nông sản trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, Hội Nông dân đã hỗ trợ thu thập thông tin và mở tài khoản mua bán cho 17.110 hộ sản xuất nông nghiệp trên toàn tỉnh. Đây cũng là cơ hội để đưa sản phẩm thuộc chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và nông sản của địa phương tiếp cận gần hơn với thị trường trong nước và nước ngoài ■