Thăm vườn táo của gia đình ông Nguyễn Văn Mai ở thôn Ninh Quý 3, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước đang trồng hơn 1 ha táo cho thu hoạch. Tuy nhiên, thay vì thuê công hái táo để bán cho các mối lái như những vụ trước, thì vụ này, ông Mai quyết định hái táo cho dê, bò ăn và đợi đến đầu tháng 12-2015 sẽ cắt tỉa toàn bộ cành táo để chờ khoảng 6 tháng sau “ăn” mùa vụ tới.
Con trai ông Mai cho hay, cả tháng nay, cha tui không ra vườn chăm sóc táo nữa mà bỏ mặc cho “trời”. Giá cả bấp bênh quá, thôi thì để táo cho dê, bò ăn vậy.
Anh Lê Minh Hiếu, cháu của ông Mai là người hằng ngày phải đến vườn lặng lẽ hái dần táo để cho dê, bò ăn. Trò chuyện cùng anh trong lúc đang hái táo, anh nói hài hước: “Đây là sáng kiến mới của nông dân trong xã khi táo rớt giá thê thảm. Nếu thuê người thu hoạch táo thì bà con lỗ nặng hơn”.
Cho đến thời điểm này, hàng trăm ha táo tại vùng chuyên canh chủ lực của tỉnh Ninh Thuận đang sai trái, nhưng đầu ra bị tư thương ép giá dẫn đến thua lỗ nên nhiều hộ bỏ luôn, đợi hết đợt thì tỉa cành, bón phân cho vụ mới vào đầu tháng 12-2015.
Nhiều hộ còn chặt phá luôn cả vườn táo để trồng các loại cây khác. Mùa vụ này, mỗi ha, nông dân thua lỗ vài chục triệu đồng.
Sau nhiều tháng khô hạn, gần đây trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa. Nông dân không hái, táo chín gặp mưa nên mất vị ngọt, thơm và úng nước nhiều ngày khiến quả bị hư hỏng.
Gia đình anh Phạm Văn Thành ở thôn Ninh Quý 3, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước trồng gần 1 ha táo xen canh trồng ớt… chỉ sau vài trận mưa, anh đành hái táo cho dê ăn và phải chạy vạy khắp nơi để có tiền trả nợ cho đại lý cung ứng phân bón hàng chục triệu đồng.
Những năm qua, cây táo được tỉnh Ninh Thuận xem là cây đặc thù và góp phần đáng kể trong việc nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân sản xuất trên cùng diện tích đất so với trồng cây lúa và các loại hoa màu khác. Do đó, tỉnh Ninh Thuận khuyến khích nông dân mở rộng diện tích, thế nhưng, giờ đây nông dân đang lao đao vì đầu ra của cây táo thiếu ổn định.
Không chỉ có nông dân thua lỗ, mà tiểu thương thu mua nhỏ lẻ cũng đang gặp khó khăn khi táo bị ép giá. Chị Lê Thị Kim Tốt, nhiều năm là đại lý thu mua táo của nông dân trong xã cho biết, mùa vụ này, nhiều tiểu thương (đại lý) nghỉ hẳn việc thu mua vì thua lỗ nặng khi bị các mối lớn ở TP Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Sóc Trăng… ép giá. Hiện nay, giá táo loại 1, tôi thu mua với giá 4 nghìn đồng/kg và đóng thành thùng (20kg/thùng) cung ứng cho “bạn hàng” các tỉnh, nhưng sau khi nhận hàng xong, họ nói chỉ mua lại với giá 3 nghìn đồng/kg. Đã vậy, họ còn tiếp tục phân loại táo của mình, nên bình quân mỗi thùng táo loại 1, chỉ được chấp nhận khoảng 30%, còn lại là phân loại hai hoặc ba, nên giá càng thấp hơn.
“Tui (tôi) ráng gượng thôi, chứ mấy “vựa” kia nghỉ hết rồi, mua bán lỗ quá mà, cứ mỗi lần gửi hàng vào, các mối lái gửi tiền về lúc nào thì gửi, báo giá bao nhiêu là mình biết bấy nhiêu thôi, không còn cách nào khác”- chị Tốt than vãn.
Trong khi đó, giá táo bán lẻ tại các quầy hàng ở Ninh Thuận và các tỉnh tại Nam Trung Bộ từ 12 đến 20 nghìn đồng/1kg, cao gấp nhiều lần so với giá thu mua tại vườn. Bất cập không đáng có này, hoàn toàn đổ dồn hết về phía nông dân phải gánh chịu. Nguyên nhân là do việc triển khai mô hình “liên kết 4 nhà” chưa được đẩy mạnh như mong muốn, cho nên nông dân chưa được hỗ trợ các khâu sản xuất và tiêu thụ táo.
Quả nho của Ninh Thuận liên tục trải qua những gập ghềnh khi bị nho Trung Quốc nhập khẩu bán phá giá, giờ đến lượt nông dân trồng táo phải liêu xiêu vì giá rớt thảm hại. Đã đến lúc tỉnh Ninh Thuận cần có những giải pháp giúp nông dân trồng táo an tâm tiếp tục sản xuất, giảm thiểu việc nông dân phải chặt phá hết diện tích trồng táo để trồng các loại cây khác chỉ “ăn” theo thời vụ không bền vững.