Nông dân Ninh Thuận làm “nhà lưới” để sản xuất táo sạch

NDO -

NDĐT - Với mục tiêu xây dựng thượng hiệu quả táo sạch để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, khoảng một năm qua, nhiều nông dân tại Ninh Thuận đã bỏ vốn làm “nhà lưới” bao phủ cả vườn táo để ngăn chặn con ruồi vàng đục thủng quả táo vào thời điểm táo chín. Nhờ đó, thương hiệu táo sạch Ninh Thuận đã và đang hấp dẫn thị trường.

Xu hướng thực hiện mô hình nhà lưới bao vườn táo đang được nông dân Ninh Thuận nhân rộng
Xu hướng thực hiện mô hình nhà lưới bao vườn táo đang được nông dân Ninh Thuận nhân rộng

Những ngày đầu tháng ba, chúng tôi đến các xã Mỹ Sơn, Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn… để chia vui với nông dân nơi đây về thành công khi bà con áp dụng mô hình “nhà lưới” trong sản xuất quả táo sạch. Gia đình anh Phạm Minh Đèo ở thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn trồng 1,5 sào (1.500m2), anh là một trong những người tiên phong khi bỏ ra 12 triệu đồng để làm “nhà lưới” cho vườn táo. Giữa vườn táo xanh, trĩu quả, anh nói: “Nhiều năm trước chưa làm “nhà lưới”, ở thời điểm này, nông dân rất vất vả vì không biết làm cách nào để ngăn được con ruồi vàng đeo bám vườn táo và đục thủng, gây hư hại quả táo khi chín, khiến năng suất sụt giảm rất nhiều. Giờ có “nhà lưới”, bà con không tốn chi phí mua thuốc phun hết vườn táo để trừ khử con ruồi vàng, đồng thời năng suất tăng cao, chất lượng quả bảo đảm sạch”.

Hộ anh Lê Văn Ba ở thôn Lương Cang, xã Nhơn Sơn đã đầu tư 60 triệu đồng làm nhà lưới cho vườn táo, nên mùa vụ thu hoạch năm nay kéo dài khoảng sáu tháng, không còn sợ quả táo chín bị con ruồi vàng gây hư hại.

Nhiều nông dân nơi đây cho biết, mấy năm trước, bà con tìm cách ngăn con ruồi vàng gây hại cho quả táo trong giai đoạn chín bằng thuốc trừ sâu, nhưng không đạt hiệu quả, vì sau vài ngày, thuốc phun không còn khả năng tiêu diệt thì con ruồi vàng lại xuất hiện và đục thủng quả. Khoảng một năm qua, “nhà lưới” đã ngăn con ruồi vàng, các loài sâu đục quả, con rệp sáp… không thể xâm nhập vào vườn táo để gây hại nữa. Nhờ đó, quả táo chín được bảo đảm sạch vì nông dân không còn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Chi phí đầu tư làm “nhà lưới” từ 10-50 triệu đồng/sào, tùy cách thiết kế và bao phủ vườn táo của mỗi gia đình. Độ bền của lưới từ ba đến năm năm, tùy theo chất lượng lưới, nhiệt độ, môi trường riêng ở mỗi vùng trồng.

Hiện tại, những vườn táo có “nhà lưới” đạt năng suất từ 40 - 50 tấn/ha/vụ kéo dài sáu tháng thụ hoạch, cao gấp hai lần so với những vườn trồng nhưng không có “nhà lưới”. Theo đó, giá táo bán ra cũng chênh lệch nhiều. Cụ thể, thương lái thu mua táo loại một, loại hai tại các vườn táo có “nhà lưới” từ 8 – 12 nghìn đồng/kg, cao hơn từ 2- 4 nghìn đồng/kg, so với những vườn trồng không có “nhà lưới”.

Với năng suất và giá bán ra cho thương lái hiện nay, nông dân trồng 1 ha táo có “nhà lưới”, thu nhập bình quân là 450 triệu đồng/vụ, còn những vườn trồng không có “nhà lưới” chỉ 210 triệu đồng/vụ.

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận, hiện tại, trong tổng số hơn 1 nghìn ha trồng táo xanh toàn tỉnh, có gần 24 ha được nông dân ứng dụng mô hình “nhà lưới”. Toàn bộ diện tích sản xuất có “nhà lưới” đề đạt năng suất cao hơn những vườn khác. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận Phạm Dũng, cho biết: “Nếu mỗi vụ sản xuất, các vườn chưa ứng dụng “nhà lưới” thường phun thuốc bảo vệ thực vật từ 9 đến 16 lần/vụ. Riêng các vườn có “nhà lưới” thì không phun thuốc trừ ruồi vàng và sâu đục quả, nên sản phẩm bảo đảm an toàn, hấp dẫn người tiêu dùng ngày càng nhiều”.

Ông Phạm Dũng cho biết thêm, từ mô hình do nông dân sáng tạo, áp dụng và đạt được hiệu quả cao trong sản xuất, sắp tới, đơn vị sẽ đề xuất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng kinh phí thực hiện nhân rộng mô hình, nhân rộng tiến bộ kỹ thuật “Bao lưới chống ruồi vàng” vào trồng táo. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hệ thống Ngân hàng xây dựng gói vay vốn ưu đãi cho nông dân có nhu cầu vay vốn đầu tư nhân rộng mô hình, nhằm đẩy mạnh quảng bá hiệu quả, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật rộng rãi,... góp phần đưa thương hiệu táo sạch Ninh Thuận đến với người tiêu dùng, giúp nông dân trồng táo tăng cao thu nhập, nâng cao đời sống. Từ đó, định hướng nông dân tích cực đẩy lùi tình trạng sản xuất nông nghiệp chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay.