Nón lá làng Chuông

Làng nón truyền thống

"Lên núi lấy lá non về làm nón". Từ ngày thơ bé, khi được cha dạy phát âm l/n bằng câu văn trên, tôi vẫn cứ băn khoăn không hiểu "lá non" là lá gì. Chỉ khi đặt chân về chợ phiên làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai), tôi mới được người làng nón chỉ cho thấy chiếc lá non. Lá non (hay lá lụi), lá cọ, mo cau, cật nứa, khung tre, chỉ thêu, sợi cước... đều là những nguyên liệu để làm nón được bán ở chợ. Mỗi tháng chợ họp đủ 18 phiên chính, phiên xép thu hút đông đảo người dân trong vùng và thương nhân các tỉnh đến trao đổi, buôn bán. Lá non được lấy từ vùng núi Nghệ An - Hà Tĩnh. Cật nứa, tre, mo cau thì chở từ vùng trung du Hòa Bình, Phú Thọ... Người xa mang nguyên liệu xuống bán cho người làng Chuông, rồi mua nón làng Chuông đem đi.

Nón làng Chuông nức tiếng trong nam ngoài bắc vì vẻ đẹp thanh tao, bền chắc, từng mũi khâu đều tăm tắp. Hàng chục năm trước, làng làm nhiều loại nón khác nhau, nhưng hiện nay chỉ sản xuất loại nón lá thông dụng và còn một, hai nhà làm thêm nón quai thao, nón ba tầm. Chiếc nón lá xưa được làm từ lá cọ, dày và có mầu nâu. Nhưng khoảng 50 năm trở lại đây thì người làng thay thế bằng lá non (lá lụi) mỏng, nhẹ, sáng mầu. Lá phải phơi để chuyển từ mầu xanh sang mầu trắng ngà, rồi lấy lưỡi cày là cho phẳng, không giòn, không nhăn. Sau việc chuẩn bị lá, chiếc nón phải trải qua tám công đoạn cầu kỳ, tỉ mỉ gồm làm khung, xếp vòng, đặt giấy bóng, xếp lá lót, phủ mo cau, xếp lá ngoài, khâu, đan sợi mới hoàn thành. Làm nón công phu nên một người làm chăm chỉ hoàn thành khoảng hai chiếc mỗi ngày. Nhưng nghề nón không kén người làm. Từ em nhỏ, thiếu nữ, cụ già và thậm chí, cả nam thanh niên trong làng đều biết khâu nón. Những bàn tay đưa nhanh thoăn thoắt từng đường kim mũi chỉ, từ vòng trong ra vòng ngoài, đều tăm tắp mà không hề làm rách lá.

Người làng Chuông bây giờ không biết ai là tổ nghề của làng, chỉ biết rằng gần 400 năm nay, chiếc nón gắn liền với cuộc đời mỗi người, từ khi còn thơ bé đến lúc già cả, mất đi. Làng Chuông ít ruộng. Làm nón tuy là nghề phụ lúc nông nhàn nhưng lại là nguồn thu nhập chính. Cả làng có khoảng 4.000 hộ nhưng có đến hơn 3.000 hộ làm nón. Bà Lưu Thị Thóc (75 tuổi) kể về nghề: "Nhiều người cứ nghĩ làm nón nhàn hạ nhưng thật ra rất nhọc công. Mỗi ngày chỉ làm được khoảng hai cái bình thường, còn loại đẹp phải làm cẩn thận, mất cả ngày mới xong". Giá nón so với giá nguyên liệu thì nhiều người thấy lời lãi, nhưng so với công sức bỏ ra thì lại có phần thiệt thòi. Chị Hải bán nón ở chợ tâm sự: "Giá nón dao động từ 10.000 đồng đến 30.000 đồng/chiếc tùy vào chất lượng nón. Trừ tiền nguyên liệu, người làm nón chỉ thu nhập từ 20 đến 25 nghìn đồng/ngày". Phó Chủ tịch UBND xã Phương Trung Phạm Văn Toàn cho biết: "Các hộ giàu lên từ nghề nón là các hộ chuyên cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Còn phần đông số hộ làm nón chỉ đủ ăn, nhưng đây là công việc giải quyết lao động lúc nông nhàn rất tốt".

Nhiều cơ sở làm nón tập trung, tầm cỡ như cơ sở của anh Lê Văn Tuy, của bà Hoàng Thị Sang... đã giúp cho nón làng Chuông phát triển hơn. Cơ sở làm nón của anh Tuy thường cung cấp cho thị trường hơn 1,5 vạn chiếc nón/tháng, tạo việc làm cho 40 lao động ở địa phương. Những năm gần đây, làng Chuông bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng xuất khẩu đầu tiên. Mỗi năm, làng Chuông sản xuất được khoảng 3 triệu chiếc nón, cung cấp cho thị trường nông thôn trong nước và xuất khẩu sang nhiều nước như Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc...

Giữ lại dáng nón cổ

Xưa làng Chuông vẫn làm loại nón cổ hay còn gọi là nón quai thao, nón ba tầm. Ðó là loại nón dày, bằng lá cọ, có nan và vành rộng khoảng 80cm, còn đi kèm chiếc áo tơi dùng khi trời mưa. Xã hội thay đổi, người dân chỉ đội nón lá (dáng nón có chóp giống nón Huế). Thêm chiến tranh loạn lạc rồi những người già mất đi, con cháu làng Chuông bây giờ không còn nhớ cách làm nón của cha ông xưa. Cũng vì thế mà làng Chuông mất dần bóng dáng của chiếc nón cổ.

Sau chiến tranh, anh thương binh hạng 2/4 Phạm Trần Canh trở về quê hương làng Chuông. Nhìn miền quê xưa không còn ai làm nón cổ, ông tiếc nuối cho một nét đẹp của làng đang phai nhạt và bị quên lãng. Không ngại gian khó, ông quyết tâm làm sống lại nét tinh hoa của làng nghề quê hương. Chỉ với một bên chân lành lặn, ông đã đi thu thập lại những chiếc nón quai thao cũ từ khắp các vùng Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình...

Ði mãi, cuối cùng ông lại tìm được chiếc nón cổ ở một ngôi chùa tại Hà Nội. Ông vui mừng đem về tháo rời để nghiên cứu kích cỡ, kiểu dáng, cách khâu, trang trí rồi ghi chép lại tỉ mỉ. Vừa tìm hiểu, vừa gắng nhớ lại cách làm nón của thời ông bà, bố mẹ, kiên trì mày mò rồi ông cũng đã làm lại được chiếc nón quai thao-nón ba tầm ngày xưa. Làm nón cổ công phu vất vả gấp mấy lần nón thường. Ðể hoàn thành được một chiếc nón đòi hỏi người thợ phải kiên trì, khéo léo hoàn thành đủ sáu công đoạn trong ba ngày dài.

Ðến ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Canh, vừa ngồi xem người nghệ nhân hơn 80 tuổi này tay thoăn thoắt cắt lá, xếp nan vừa nghe ông kể chuyện về chiếc nón cổ: "Nón quai thao phải làm từ bốn đọn lá cọ non từ trên miền Phú Thọ. Mỗi tháng, cây cọ chỉ ra một đọn lá non này thôi. Lá về phải phơi cho trắng, rồi phải là, phải cắt, gọt cho đúng, cho đẹp...". Làm nón cổ vừa tốn công, vừa ít người mua, giá thành rẻ, chỉ từ khoảng 60 đến 80 nghìn đồng/chiếc nên dân làng bỏ làm cũng là điều dễ hiểu. Ông Canh tâm sự: "Con cháu đều đã có cuộc sống riêng. Nhà chỉ có hai ông bà, tuổi già sức cũng yếu, ngày ngày làm nón cho thỏa đam mê với nghề, rồi gắng giữ lại truyền thống của tổ tiên". Nhiều đoàn nghệ thuật về đặt ông nón để biểu diễn. Nhiều khách du lịch trong và ngoài nước cũng vì mến chiếc nón xưa mà tìm đến ngôi nhà nhỏ, ngồi xem ông cắt lá, bà khâu nón, uống chén nước chè quê, hỏi chuyện và ngắm nhìn những chiếc nón xếp khắp nhà. Ðợt trước, đoàn làm phim về Xô Viết Nghệ Tĩnh đã đặt ông cả 100 bộ nón với áo tơi để làm phục trang cho diễn viên. Năm 2001, vợ chồng ông làm việc cật lực trong suốt 15 ngày, hoàn thành hai chiếc nón quai thao khổng lồ có đường kính 2 m để khách sạn Liên Hoa (Hà Nội) dự triển lãm Hàng thủ công mỹ nghệ tại Ðức và Cộng hòa Séc. Ðầu năm 2010, ông được Tổng cục Du lịch mời đi sang Anh để giới thiệu về nón Việt Nam nhưng do tuổi đã cao nên ông nhờ người cháu đi thay. Nhờ những sự kiện như vậy, hình ảnh chiếc nón làng Chuông đã được bạn bè thế giới biết đến. Chuẩn bị cho Tuần lễ hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2010 "Nghìn năm tinh hoa", ông cũng sẽ làm bốn, năm chiếc nón cổ, đường kính khoảng 1 m để trưng bày và làm quà tặng.

Không chỉ phục chế mẫu nón quai thao cổ, ông còn phục chế nhiều mẫu nón cổ khác như nón của dân tộc Thái, của người Tày, nón chóp dứa, nón lá già ghép sóng, nón Hồng Công... Ðến nay, ông Canh đã thuần thục cách làm 11 kiểu nón cổ và tổ chức dạy miễn phí cho những người quanh vùng. Ðến nay đã có khoảng 100 người, đủ mọi lứa tuổi đến học cách làm nón cổ của ông.

Phát triển làng nghề

Nón làng Chuông tuy nổi tiếng nhưng thật khó để người mua nhận ra  bởi trên chiếc nón không có tên hay dấu hiệu để nhận biết. Nhân dân xã Phương Trung đã quan tâm việc xây dựng thương hiệu cho nón làng Chuông nhưng chưa tìm được cách làm hợp lý, hiệu quả. Người làng Chuông vẫn làm theo yêu cầu đặt hàng của khách chứ chưa chủ động giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới. Ðến làng cũng thấy cổng chào và lẻ tẻ một vài cửa hàng bán nón dọc đường làng nhưng chỉ là do người dân tự mở, thiếu sự quy hoạch. UBND xã đã đề xuất xây dựng khu trung tâm thương mại, du lịch để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và đã được đồng ý chủ trương nhưng vì nhiều lý do nên vẫn chưa thực hiện được.

Ở làng Chuông, cùng với nghề nón truyền thống còn có nhiều di tích đình, chùa, nhà cổ. Nhưng lợi thế đó của làng chưa được tận dụng để phát triển du lịch. Khách đến làng chủ yếu vẫn là khách tự do, phải tự mày mò vì không có hướng dẫn viên. Nếu đến làng Chuông, khách được dẫn vào nhà dân, được chứng kiến công việc làm nón, được làm thử và nghe giới thiệu, giải thích một cách chuyên nghiệp, cụ thể thì có lẽ, du lịch làng Chuông sẽ hấp dẫn, thu hút hơn. Bởi cảm nhận được cuộc sống sinh hoạt đời thường của làng nghề cổ mới chính là điều khách tham quan mong muốn và danh tiếng nón Chuông cũng vang xa hơn.

      Nguyễn Trang