Nói về anh Võ Văn Kiệt(*)

NDO - Tôi và anh Võ Văn Kiệt có chung hoàn cảnh gần giống nhau: hoàn cảnh gia đình cũng như quá trình tham gia hoạt động cách mạng. Gia đình tôi là nông dân, nhà nghèo. Lúc nhỏ phải đi làm thuê, làm thợ để kiếm sống và giúp đỡ gia đình. Hoàn cảnh gia đình anh Kiệt cũng vậy. Cả hai chúng tôi đều sớm tham gia hoạt động cách mạng.
0:00 / 0:00
0:00

Trong quá trình hoạt động cách mạng nước năm 1944 và trong thời kỳ chống Pháp, tôi hoạt động ở chiến trường đồng bằng Bắc Bộ, còn anh Kiệt thì hoạt động ở chiến trường Nam Bộ. Đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ tôi được Trung ương giao nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Lúc đó, anh Võ Văn Kiệt là một trong những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng tại miền Nam.

Trong những năm đầu cách mạng cũng như trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tôi có được nghe nhiều về anh Kiệt, nhưng hai anh em chúng tôi ít có điều kiện gặp nhau. Mãi đến năm 1987 anh Kiệt được Trung ương điều ra công tác ở Chính phủ giữ chức vụ Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng và Chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch Nhà nước thì chúng tôi mới gần nhau và có nhiều thời gian làm việc với nhau.

Anh Kiệt là con người năng động, luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và làm việc hết sức mình. Có thể nói: anh Kiệt là người dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình.

Nói về anh Võ Văn Kiệt, nhiều người ca ngợi anh là con người rất thực tiễn, con người của công việc, miệng nói tay làm, không hay lý luận. Nhưng khi làm việc, chỉ đạo điều hành hoặc xử lý về đối nội hay đối ngoại thì anh đã thể hiện một cách nhất quán những tư tưởng, quan điểm, nguyên tắc của Đảng một cách sinh động triệt để. Nói anh Kiệt là con người thực tiễn, bởi vì cả cuộc đời anh đã luôn gắn bó với dân, gắn bó với phong trào. Anh đã kinh qua nhiều lĩnh vực công tác: công tác đảng, đoàn thể, chính quyền, công tác ở quân đội. Chính vì qua những môi trường công tác từng trải như vậy đã tích lũy cho anh những kinh nghiệm, những sáng tạo trong công việc của mình.

Tuy không có điều kiện được học tập và tốt nghiệp ở các nhà trường, nhưng anh Kiệt cũng là một người chịu khó học tập từ thực tiễn. Đặc biệt là anh biết khai thác trí tuệ ở trong dân, trong cán bộ, trong các giới khoa học-kỹ thuật…từ đó mà nảy sinh ra những suy nghĩ chín chắn, đưa đến những quyết định chính xác.

Anh Kiệt là con người năng động, luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và làm việc hết sức mình. Có thể nói: anh Kiệt là người dám nghĩ, dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám tự phê bình.

Điều này thể hiện ở chỗ: Khi làm Thủ tướng, anh đã chỉ đạo hình thành các tổng công ty mạnh, thể hiện quan điểm kinh tế Nhà nước phải luôn giữ vai trò chủ đạo, hoặc cho các đơn vị quân đội làm kinh tế kết hợp với quốc phòng (như Binh đoàn 15...).

- Vấn đề cấm đốt pháo, anh là người đề xuất ý kiến và chỉ đạo thực hiện.

- Vấn đề xây dựng đường dây tải điện Bắc-Nam (500kV), khi tôi lên thăm Nhà máy thủy điện Hòa Bình, lúc bấy giờ nhà máy đã lắp được 4/8 tổ máy mà chỉ mới tải điện được 3 tổ máy. Trong lúc đó miền Trung và miền Nam đang thiếu điện. Tôi nhắc và bàn với anh Kiệt tập trung sức xây dựng đường dây 500KV đã có trong tổng sơ đồ mạng lưới điện quốc gia, thì anh là người đứng ra tổ chức triển khai và quyết tâm làm, mặc dù lúc đó vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Anh dám chịu trách nhiệm trước công việc mới mẻ này.

- Vấn đề khai thác vùng Đồng Tháp Mười cũng thể hiện ở chỗ anh là người đã từng lăn lộn với thực tế, thấu hiểu được lòng dân. Khi đã thấy đây là vấn đề hữu ích là anh dám làm và làm một cách quyết liệt.

Trong sinh hoạt Chính phủ hay sinh hoạt Bộ Chính trị, anh là người thẳng thắn, dám đấu tranh phê bình và dám tự phê bình.

Thời kỳ sau Đại hội VI trở đi là thời kỳ triển khai công cuộc đổi mới rất mạnh, mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế. Có một việc lớn ở thời kỳ này là chống lạm phát. Ta đang đứng trước một thực trạng rất khó khăn là kinh tế kiệt quệ, cung không đủ cầu, tiền nhiều, hàng ít, lạm phát đến 774%, khủng hoảng nghiêm trọng, cũng là lúc Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, cắt hoàn toàn viện trợ, với Trung Quốc thì chưa bình thường hóa, Mỹ thì bao vây. Bây giờ giải quyết thế nào. Lúc đó có nhiều ý kiến. IMF họ nói phải có ba tỷ đôla mới giải quyết được lạm phát. Ba tỷ đô-la lúc bấy giờ lấy đâu ra. Lúc đó tôi là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, anh Kiệt là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách kế hoạch. Tôi có bàn với anh Kiệt về biện pháp chống lạm phát và anh Kiệt cũng đồng ý với tôi chỉ có biện pháp duy nhất là phát huy nội lực, dựa vào dân, động viên nhân dân bằng lợi ích để tạo ra những tiềm năng mới và đó cũng là tư tưởng của Bác Hồ: "Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong". Chúng tôi đặt ra mấy vấn đề và báo cáo Bộ Chính trị:

Trước hết , đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm. Về nông nghiệp, đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế khoán hộ. Thế là sản xuất bung ra, ta giải quyết được căn bản vấn đề lương thực.

Hai là, khai thác mọi nguồn hàng trong nước và ngoài nước. Lúc bấy giờ ai ra nước ngoài thì khuyến khích mang hàng về. Nhà nước không đánh thuế. Vì thế chỉ trong một thời gian ngắn dân mình mang hàng về rất nhiều. Sau một năm tình hình hàng tiêu dùng đã đỡ căng thẳng.

Ba là, thu hút tiền nhiều ở trong dân. Chúng tôi chủ trương nâng lãi suất tiết kiệm từ 3% lên 9% ngang với mức giá của hàng hóa. Nếu ai gửi ba tháng thì thêm 3% nữa là 12%. Vậy là dân yên tâm và gửi tiền vào ngân hàng rất nhiều.

Tôi có bàn với anh Kiệt về biện pháp chống lạm phát và anh Kiệt cũng đồng ý với tôi chỉ có biện pháp duy nhất là phát huy nội lực, dựa vào dân, động viên nhân dân bằng lợi ích để tạo ra những tiềm năng mới và đó cũng là tư tưởng của Bác Hồ: "Dễ mười lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong".

Như vậy hàng thiếu thì dân chạy hàng, tiền của dân nhiều thì dân gửi vào Nhà nước. Còn Đảng và Nhà nước thì bảo đảm lợi ích cho dân: quy định nghiêm ngặt ngân hàng chỉ được nhận tiền gửi mà cho vay, tài chính chỉ thu mà chi, không được in thêm tiền... Và thế là từ chỗ lạm phát 774% giảm xuống chỉ còn mấy chục phần trăm.

Tình hình thế giới và trong nước vào những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX có nhiều sự kiện quan trọng và diễn biến phức tạp. Có những sự kiện nổi bật và quan trọng như việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, việc ta tham gia ASEAN, vấn đề bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ...

Việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc được tiến hành từng bước, nhất là sau Hội nghị cấp cao ở Thành Đô trở đi. Đặc biệt, từ ngày 5 đến 10/11/1991, tôi và anh Võ Văn Kiệt dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Chính phủ Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên ra Thông cáo chung đánh dấu quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam và Trung Quốc được bình thường hóa toàn diện. Chuyến thăm có ý nghĩa to lớn đối với quan hệ Việt Trung.

Cuộc gặp này có đặt ra nhiều vấn đề trong đó có vấn đề giải quyết biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ, vấn đề hợp tác kinh tế văn hóa, khoa học - kỹ thuật...

Về việc ta gia nhập ASEAN. Khó khăn và thách thức đối với Việt Nam lúc này càng trở nên to lớn hơn khi Liên Xô và Đông Âu tan vỡ, Việt Nam mất chỗ dựa về cả an ninh, quân sự, ngoại giao, kinh tế... mất nguồn viện trợ chủ yếu. Lợi ích của Việt Nam lúc này là hòa bình, ổn định và phát triển. Do đó chúng ta phải tìm mọi cách phá thế bao vây cô lập, mở rộng quan hệ bạn bè. Vì vậy, chính sách khu vực mà trước hết là chính sách đối với tổ chức ASEAN sẽ khai thông và bắc cầu cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại, phục vụ cho nhiệm vụ đối ngoại; là tạo dựng môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, tận dụng mọi điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Hơn nữa, việc "thêm bạn bớt thù", Việt Nam sẽ có nhiều điều kiện tốt hơn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, có thể nói ta tham gia ASEAN có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách khu vực của Việt Nam. Đó là một quyết sách chiến lược kịp thời và đúng đắn của Bộ Chính trị.

Anh Kiệt quả là một vị Thủ tướng giàu thực tiễn, có tài năng, một nhà hoạt động chính trị tầm cỡ của Đảng và Nhà nước được nhân dân trong nước và thế giới ca ngợi.

Trong quá trình ta tham gia ASEAN, vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhiều đóng góp quan trọng. Anh đã thay mặt Chính phủ đi dự nhiều cuộc họp các nguyên thủ trong khối ASEAN, tiếp nhiều đoàn khách quốc tế trong khu vực và thế giới.

Về quan hệ Việt-Mỹ. Trong suốt quá trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã bàn luận nhiều lần. Cá nhân tôi và anh Kiệt đã trực tiếp chỉ đạo cả về những mục tiêu và phương châm chiến lược lớn cũng như trong việc xử lý các vấn đề cụ thể với Mỹ (như vấn đề MIA, Campuchia, tài sản, lập cơ quan liên lạc, trao đổi đại sứ...) và trực tiếp gửi đến Chính phủ và nhân dân Mỹ nhiều thông điệp hết sức quan trọng liên quan đến thiện chí và chính sách đối ngoại của ta. Bộ Ngoại giao đã phối hợp với nhiều bộ, ngành và các địa phương trên cả nước triển khai thực hiện thắng lợi chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng và Nhà nước, buộc Mỹ bình thường hóa với ta, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Có thể nói trong quá trình công tác, tôi và anh Kiệt phối hợp công việc với nhau rất chặt chẽ; kể từ khi tôi công tác bên Chính phủ cũng như khi tôi về bên Đảng làm Tổng Bí thư, chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau, có khi đang đêm cũng gọi điện cho nhau, có khi gặp nhau tại sân bóng...

Anh Kiệt quả là một vị Thủ tướng giàu thực tiễn, có tài năng, một nhà hoạt động chính trị tầm cỡ của Đảng và Nhà nước được nhân dân trong nước và thế giới ca ngợi.

---------

* Bài đăng trên Báo Nhân Dân ngày 14/6/2008, tr.1, 3.