Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2022)

Mấy cảm nhận sâu sắc về Thủ tướng Võ Văn Kiệt với công tác báo chí và tuyên truyền

Đầu giờ sáng cuối thu năm 1996, tôi nhận điện thoại của anh Vũ Đức Đam (lúc đó là Thư ký của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) báo tin: "Nếu Tổng Biên tập không bận họp thì Thủ tướng mời anh Hồng Vinh lên làm việc".
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm cán bộ, công nhân Công ty Xây lắp điện 3 đang thi công tuyến đường dây 500kV Hà Tĩnh - Đắc Glei, tháng 5/1993. Ảnh: Minh Đạo
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm cán bộ, công nhân Công ty Xây lắp điện 3 đang thi công tuyến đường dây 500kV Hà Tĩnh - Đắc Glei, tháng 5/1993. Ảnh: Minh Đạo

15 phút sau tôi có mặt, đã thấy Thủ tướng ngồi chờ. Rót nước mời tôi, anh Sáu Dân nói thong thả:

- Nay đột xuất mời Hồng Vinh lên đây vì có mấy việc muốn trao đổi với Tổng Biên tập chung quanh nhiệm vụ tuyên truyền trên báo Đảng. Bộ Chính trị đã cho phép báo Nhân Dân tăng từ 4 trang lên 8 trang và thay măng-sét mới. Với quyết định đó, mình rất mừng, thể hiện sự quan tâm của Trung ương Đảng và Chính phủ đối với tờ báo "anh cả" của làng báo Việt Nam. Vấn đề còn lại, là các cậu tổ chức thực hiện như thế nào để Báo đạt được mục tiêu đó". Tôi báo cáo tóm tắt với ông về những nét cơ bản trong Đề án "Cải tiến, đổi mới báo Nhân Dân trong giai đoạn mới", đặc biệt là các giải pháp cùng những đề xuất, kiến nghị. Ông chăm chú nghe và ghi vào cuốn sổ tay; rồi chia sẻ cởi mở: "Nhìn chung Đề án là tốt; nếu làm được những vấn đề đã nêu, mình tin báo Đảng sẽ nâng lên vị thế mới, xứng đáng là ngọn cờ chính trị - tư tưởng của Đảng trên mặt trận báo chí nước ta".

Tôi định cảm ơn Thủ tướng để ra về vì nhìn đồng hồ đã quá một giờ rưỡi. Biết ý tôi, ông cười: Khoan đã, mình chủ yếu dành hết sáng nay cho chủ đề phát triển báo Đảng xứng tầm. Tôi rất mừng khi ông hỏi: Về xây dựng đội ngũ cây viết chủ lực của Báo, trong Đề án chưa nói rõ lắm. Chúng ta rất mừng, báo Nhân Dân có đội ngũ bình luận viên sắc sảo, như Quang Đạm, Trần Kiên, Hà Đăng, Nguyễn Hữu Chỉnh…, nhưng số cán bộ nối tiếp sẽ thế nào? Chung quy một tờ báo muốn có TẦM, cần có nhiều cây bút có uy quyền về các lĩnh vực. Bây giờ cậu làm Tổng Biên tập, cần hết sức chú ý vấn đề này…".

Sau buổi làm việc đó, trong đầu óc tôi sống lại những kỷ niệm sau ngày 30/4/1975, tôi được Phó Tổng Biên tập Thép Mới cử vào Sài Gòn hợp lực cùng với Nguyễn Kiến Phước, Băng Châu, Hương Liên, Thế Gia, Thiên Anh…, vừa từng bước xây dựng, hoàn chỉnh Cơ quan Thường trực Báo Nhân Dân tại Sài Gòn, vừa thực hiện ngay công việc của một phóng viên thường trú. Chính những năm tháng đó, tôi được nhiều lần tháp tùng anh Thép Mới làm việc với anh Sáu Dân (lúc đầu là Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, sau là Bí thư Thành ủy). Có được biệt thự ở số nhà 24 đường Tú Xương làm Cơ quan thường trực và một chiếc xe Jeep để chuyển báo và công văn - đó là quyết định đầu tiên vào tháng 9/1975 của anh Sáu dành cho báo Đảng. Riêng lĩnh vực tuyên truyền trên báo trong thời kỳ Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ gặp nhiều khó khăn về đời sống, anh Sáu Dân đã gợi mở nhiều đề tài "nóng" mà báo Đảng phải đi tiên phong… Anh Sáu Dân cũng là người đầu tiên quan tâm tạo điều kiện để xây dựng Nhà in báo Nhân Dân tại Sài Gòn nhằm khắc phục nhanh hiện tượng báo chuyển từ Hà Nội vào bằng đường xe lửa, phải mất 4-5 ngày các cơ sở mới có báo.

Tháng 11/1996, nhân cuộc họp ở số 4 Nguyễn Cảnh Chân, lúc giải lao, ông hỏi: "Thế nào, công việc của Báo tiến triển đến đâu?", tôi thưa: "Tháng trước, Phó Thủ tướng thường trực Phan Văn Khải cùng lãnh đạo mấy vụ chức năng của Văn phòng Chính phủ đã xuống thăm và làm việc. Nghe tỉ mỉ Đề án, anh Sáu Khải đã góp thêm một số ý kiến; đồng thời chấp nhận hầu hết các kiến nghị của Báo trong phạm vi chức năng, quyền hạn của Chính phủ. Tuần trước, anh Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bưu chính, Viễn thông đến tặng Báo 10 bộ máy vi tính; đồng thời giao cho Trung tâm thông tin của Bộ mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho cán bộ, phóng viên báo Điện tử về kỹ thuật tác nghiệp…". Nghe xong, ông cười rất tươi và nói: "Vậy là Báo đi đúng hướng rồi đó, cần tiếp tục tranh thủ sức mạnh tổng hợp của các ban, bộ, ngành giúp Báo".

Đúng thời điểm đó, thành phố Hà Nội chỉ đạo triển khai quy hoạch lại cảnh quan Hồ Gươm để tôn vinh vẻ đẹp Thủ đô và thu hút khách du lịch. Theo phương án quy hoạch, Hà Nội sẽ nối thẳng con đường phố Nhà Thờ ra Hồ Gươm với lý do: Cây đa ở khuôn viên báo Nhân Dân là cây cổ nhất, đẹp nhất ở Hà Nội, cần được trở thành tài sản chung cho khách trong nước và quốc tế tham quan. Như vậy, nếu phương án này được thực hiện thì Báo Nhân Dân sẽ mất quá nửa diện tích làm việc. Biết tin này, cả anh Đỗ Mười và anh Võ Văn Kiệt đều nhắc Hà Nội không nên giải quyết phiến diện đối với một cơ quan Trung ương của Đảng; mặt khác trụ sở này, đã và đang là bộ mặt quốc gia.

Qua mấy sự kiện nêu trên, tôi càng thấy rõ cái TẦM của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước ta; trong đó có vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Từng là đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ, tôi được tai nghe, mắt thấy cảnh sống gian nan của nhân dân ở nhiều vùng rốn lũ, nhất là việc học hành của các cháu học sinh. Đã có rất nhiều đề xuất, nhiều phương án đưa ra nhằm khắc phục các vấn đề nan giải đã tồn tại từ lâu. Một trong các phương án được tranh luận nhiều nhất là giải pháp đắp đê ngăn lũ. Nhưng nếu tiến hành đắp đê sẽ rất tốn kém tiền của, công sức và khó có thể thành hiện thực trên vùng đất phù sa. Lúc đó anh Sáu Dân, sau quá trình khảo sát nghiên cứu kỹ lưỡng và lắng nghe ý kiến của nhiều chuyên gia, đã đưa ra khẩu hiệu: "SỐNG CHUNG VỚI LŨ"! Thời gian từ đó đến nay, đã kiểm chứng tính đúng đắn của chủ trương mang tầm chiến lược này.

Tôi thấm thía mấy câu chuyện mà ông đã chân tình, gợi mở về công tác tuyên truyền trên báo chí khi ông đã về hưu.

Chuyện thứ nhất

Một lần, tôi có may mắn gặp ông trong buổi ăn sáng ở Trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai. Đặt ly cà-phê xuống bàn, ông cởi mở: "Vinh à, có điều này mình cần nhắc lại với nhà báo: sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng và Nhà nước ta đã tuyên bố trước toàn dân và cả thế giới rằng, chiến thắng này là chiến thắng của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, chúng ta càng cần phát huy sức mạnh toàn dân tộc, khép lại quá khứ, xóa bỏ hận thù, hướng tới tương lai. Nhưng mình thấy, chủ trương này chưa được báo chí tuyên truyền sinh động và đúng tầm.

Chuyện thứ hai

Ông tiếp tục nói say sưa: Về nghỉ, mình có điều kiện đi thăm nhiều xóm, thôn, khóm, ấp ở miền bắc, miền trung, miền nam. Có thể khẳng định, chủ trương phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư" là đúng đắn và đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, từ các chuyến thăm, mình phát hiện một điểm yếu của phong trào này là tồn tại "bệnh hình thức", "bệnh phô trương". Chính vì vậy, mà một số đơn vị đạt "danh hiệu văn hóa" vẫn còn hiện tượng cờ bạc, rượu chè, thậm chí là ma túy nữa… Mong ngành tuyên giáo cùng ngành văn hóa tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành để chấn chỉnh và hướng dẫn cách khắc phục. Trong thiếu sót này, báo chí có phần trách nhiệm, đúng không?

Chuyện thứ ba

Ông trầm ngâm khi đề cập chủ đề đạo đức xã hội hiện tại đang xuống cấp đáng lo ngại. Theo ông, ngoài những vụ các băng nhóm "đâm thuê chém mướn" gây rúng động xã hội, thì những vụ con giết cha, vợ giết chồng, anh chém em chỉ vì tranh nhau một căn nhà, một lối đi đang diễn ra gây bức xúc trong dân. Đặc biệt, hiện tượng "bạo lực học đường" đang có chiều hướng gia tăng, trong đó đáng chú ý, các cháu nữ sinh ở độ tuổi 14-15 câu kết, "đánh hội đồng" một bạn gái vì không chịu làm theo "mệnh lệnh" của nhóm! Điều đau lòng là, cảnh đó diễn ra ngay trước cổng trường, trên đường phố, có nhiều người chứng kiến, nhưng tất cả đều đứng im, "bỏ mặc cho qua"!

Báo chí mới dừng ở việc thông tin vụ nọ, vụ kia, chứ chưa coi trọng phân tích thấu đáo nguyên nhân và kiến nghị giải pháp thiết thực. Các cơ quan chức năng, trước hết là các ngành tuyên giáo, văn hóa, giáo dục; cả lãnh đạo cấp ủy và chính quyền một số nơi chưa thật sự "vào cuộc" có hệ thống, chưa làm tốt chức năng giáo dục, định hướng; trên cơ sở đó, phối hợp, xử lý tận gốc. Mình đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng ở góc độ tham gia vun đắp đạo đức xã hội, ủng hộ cái thiện; lấy cái đẹp dẹp cái xấu, thì mặt cơ bản này cần phải huy động sức mạnh của báo chí, của đội ngũ tuyên truyền miệng để triển khai mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn…

Chia tay ông, tôi thầm cảm ơn những lời chỉ bảo chân tình của một vị lãnh đạo có TÂM và có TẦM, đến khi về hưu vẫn tâm huyết, trách nhiệm với đất nước và nhân dân. Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Ông, tôi ghi lại một số câu chuyện trên đây, coi đó là nén tâm nhang tưởng nhớ và tri ân Thủ tướng Võ Văn Kiệt!

Hà Nội, tháng 9/2022

N.H.V