Đứng trên cầu T5 phóng tầm mắt theo dòng kênh dài tít tắp kéo tận biên giới Tây Nam, tiếp giáp nước bạn Campuchia, ngắm nhìn dòng nước mát từ kênh Vĩnh Tế chảy vào sâu nội đồng. Mầu vàng úa của cỏ cây, mầu đỏ quạch của phèn già trong đất trồi lên mỗi khi mưa sa, giờ được thay thế bằng mầu xanh của đồng ruộng thẳng cánh cò bay và những vườn cây sai trĩu quả.
Công trình ý Đảng hợp lòng dân
Là một trong những cư dân cố cựu ở đây, ông Hai Ân (Huỳnh Ngọc Ân, 69 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) vẫn nhớ như in hình ảnh hoang sơ, khắc nghiệt mà người ta hay gọi là xứ “khỉ ho, cò gáy”. Ông Hai Ân kể, sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, vẫn rất ít dân cư ở miệt Lạc Quới, Vĩnh Gia. Nói đúng hơn, ngày xưa vùng này là cánh đồng hoang, cánh đồng chết vì không cây gì sống nổi. Mùa khô thì đất khô nứt nẻ chân chim. Nhưng chỉ cần một trận mưa là phèn già ẩn trong lòng đất bắt đầu xì lên, dậy cả một vùng đỏ quạch. Mùa lũ (nước nổi) thì ngập trắng đồng, mênh mông như biển cả.
Lão nông Tám Được (Trần Văn Được, 72 tuổi, cùng ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới) vốn là dân gốc ở Ba Chúc, huyện Tri Tôn kể, hồi trước, từ bên Ba Chúc qua Lạc Quới cả chục cây số, nhưng chỉ lác đác mấy căn nhà, còn lại là rừng tràm với đồng lác hoang vu. Ông Tám Được bộc bạch, chỉ có dân nghèo mới liều mình vô đồng bưng kiếm sống. Người nào gan lắm cũng chỉ dám ở tới khi mặt trời ngã bóng xế là phải về nhà trước khi chạng vạng, vì sợ rắn rết.
Bình thường nước trên các ao đìa, kênh mương nội đồng trong vắt, cá vẫn sống được, nhưng uống vô là chua quéo lưỡi. Tới mùa sa mưa rớt hột là phèn già trong đất trồi lên, đặc quánh, chảy đỏ cả một vùng, cá rô còn nổ mắt mà chết. “Có năm nước phèn già trong đồng sâu đổ ngược ra đây làm dân chạy nháo nhào. Nước trên con kênh bên cạnh đỏ như nước mắm. Gặp trưa nắng gắt, nước dậy lên mùi tanh nồng nặc”, ông Tám Được lục tìm ký ức kể.
Ông Hai Ân góp lời, mười mấy năm sau, vùng Lạc Quới, Vĩnh Gia bắt đầu có dân đi kinh tế mới. Thế nhưng, cả vùng đất bao la rộng lớn của Tứ giác Long Xuyên vẫn còn muôn vàn khó khăn, canh tác lúa thuần nông không hiệu quả. Nhà ông có 7 ha lúa mà làm hoài vẫn thiếu thốn. Nguyện vọng của bà con lúc bấy giờ là làm sao để giảm bớt thiệt hại về nhân mạng, tài sản trong mùa lũ và mùa khô thì có nước ngọt vô nội đồng để tưới tiêu, cải tạo đất.
Một ngày cuối tháng 7/1996, khi Hai Ân đang nằm võng hóng gió đồng thì có đoàn công tác đi khảo sát thực địa chỉ đạo đào kênh thoát lũ. “Một người dáng vẻ sang trọng xắn quần lội ra đồng. Xã phải mượn hai chiếc xe máy cày, máy kéo để chở đoàn vào sâu trong nội đồng khảo sát. Tôi cũng may mắn được theo xe vì rành đồng áng xứ này, tiện bề hướng dẫn. Đi tới đâu, người đàn ông đó gặp người dân là thăm hỏi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Về sau, tôi mới biết đó là Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, ông Hai Ân nhớ lại.
Rồi nguyện vọng, mơ ước lớn lao của người dân đã thành hiện thực. Ngày 22/4/1997, công trình đào kênh T5 có chiều rộng từ 30-36m, sâu 20m, dài 48 km chạy qua địa phận hai tỉnh An Giang, Kiên Giang nối với sông Rạch Giá-Hà Tiên ra tận biển Tây, được khởi công. “Ban ngày thì xáng múc, xáng cạp thi công liên tục, công nhân làm việc dưới nắng chang chang. Ban đêm, công trình thắp đèn điện sáng choang, máy móc, nhân công không ngơi nghỉ, để kịp tiến độ con kênh hoàn thành trong vòng bốn tháng. Lúc khai miệng cống để dẫn nguồn nước từ kênh Vĩnh Tế vào kênh T5, dân chúng mừng dữ lắm, đến rơi nước mắt. Đây là công trình lịch sử, của ý Đảng hợp lòng dân”, ông Hai Ân xúc động nói.
Đánh thức đồng hoang
Khi kênh T5 được thi công cơ bản, các dòng kênh T6 (cũng thuộc xã Lạc Quới), kênh T4 (thuộc xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) cũng được tiến hành đào. Trong đó, T5 là kênh chính, huyết mạch, còn kênh T4, kênh T6 có nhiệm vụ hỗ trợ trong cả hệ thống công trình, cho nên hẹp hơn, ngắn hơn.
Từ khi có kênh, những cố nông đầu tiên vào đây khai mở đất cũng bắt đầu di dời sang kênh T4, T5, T6 cất nhà định cư. Ông Hai Ân là một trong những người đến bờ kênh T5 dựng nhà sớm nhất. Kế đến là ông Tám Được, ông Ba Đạo ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước. Mỗi khi tới mùa lũ, nước từ thượng nguồn sông Mê Kông và đầu nguồn sông Cửu Long đổ vào vùng trũng Tứ giác Long Xuyên gây ngập nặng.
Hệ thống thủy lợi nêu trên đã làm tốt nhiệm vụ thoát lũ, đưa lũ theo kênh T5 đổ ra sông Rạch Giá-Hà Tiên ra biển Tây. Có đủ nước ngọt tưới tiêu, người dân tăng gia cày cấy, chuyển đổi từ lúa mùa sang lúa thần nông, mỗi năm hai vụ. Năng suất cứ nhích dần, ban đầu chỉ mười mấy giạ, dần dần 30-40 giạ/công. Vài năm sau việc mần ăn ngày càng khấm khá, người dân kéo về quy tụ, sinh sống bên các bờ kênh ngày một đông hơn.
Con đường hôm nay vốn là bờ kênh T5 bùn lầy năm ấy, được láng nhựa phẳng phiu, rộng hơn 6m. Trên đường bộ, xe cơ giới, xe tải chạy bon bon, lũ trẻ có thể tự đến trường bằng xe đạp. Dưới dòng kênh, ghe xuồng chở máy móc, vật tư nông nghiệp, ghe mua lúa dập dìu xuôi ngược. Trường học từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở Lạc Quới, Vĩnh Phước được xây dựng khang trang, ngay bên dòng kênh T5 lịch sử. Rồi san sát mái ngói, nhà lầu chạy dài từ đầu kênh đến tận khu vực biên giới Tây Nam tạo nên những làng quê sầm uất.
Qua khỏi cầu Dừa (cầu Vĩnh Thành 2) một đoạn đã gặp ngay cơ sở làm cơ khí khá quy mô của ông Ba Đạo. Năm 2000, vợ chồng Ba Đạo đùm túm ba đứa con từ huyện Châu Phú vô kênh T5 mua đất với ước mơ mở trang trại nuôi bò. Được một thời gian, thấy nhu cầu về sửa chữa máy móc nông nghiệp, cơ khí ở đây khá lớn, sẵn nghề được học, Ba Đạo mở xưởng tại nhà. Nằm bên bờ kênh lộng gió, lão nông thủ thỉ: “Nhờ kênh T5 dẫn nước tưới mát ruộng đồng giúp vùng đất này lại phát triển, đổi thay nhanh chóng như hôm nay. Nhờ những công trình lịch sử, nhất là kênh T5 đã đánh thức đồng hoang trở thành vùng trù phú nhất nhì Tứ giác Long Xuyên”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, mục tiêu xuyên suốt và lớn nhất của hệ thống các công trình thủy lợi do Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ đạo thực hiện là tiêu thoát lũ ra biển Tây. Tuy nhiên, các dòng kênh này, nhất là kênh T5 còn giúp đưa nước ngọt và phù sa vào sâu nội đồng, giúp cải tạo vùng phèn mặn rộng lớn của Tứ giác Long Xuyên. Từ đó, đã tạo ra thêm diện tích sản xuất lúa rộng đến 125.000 ha (nằm trên địa phận tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang) cho vùng Tứ giác Long Xuyên, tăng năng suất, sản lượng lúa gạo và tạo công ăn việc làm cho người dân.
“Khi chưa có các công trình này, dân cư ở vùng trũng Tứ giác Long Xuyên rất thưa thớt. Dần dần, các địa phương kết hợp đầu tư phát triển hệ thống giao thông, điện, nước sạch thì dân cư bắt đầu đông đúc. Những tuyến dân cư vượt lũ ngày nào giờ là những làng quê sung túc dọc theo tuyến biên giới Tây Nam, vừa làm thay đổi bộ mặt nông thôn, vừa góp phần ổn định an ninh quốc phòng khu vực biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia”, ông Trần Anh Thư chia sẻ.
Nhớ ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Để ghi nhớ công ơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, năm 2009, Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang đã thông qua Nghị quyết đổi tên kênh T5 thành kênh Võ Văn Kiệt và xây dựng một công viên văn hóa với bia và tượng bán thân Thủ tướng Võ Văn Kiệt ngay đầu kênh T5-nơi ghi dấu ấn của người trên vùng đất mới, thuở nào.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân là người được làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong thời gian dài, có nhiều kỷ niệm, ký ức đẹp. “Ấn tượng nhất chính là sự quyết đoán, nói thật và làm thật, dám chịu trách nhiệm của “Chú Sáu Dân”. Kế đến là sự gần gũi, sâu sát với quần chúng nhân dân, với thực tế và luôn luôn lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân và cán bộ từ cơ sở. Từ đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có những quyết sách mang tính lịch sử làm đổi thay cả một vùng đất mới”, Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ.