Nơi phát tích một môn phái võ Việt

NDO - Làng Hồng Ðô, xã Hoằng Ngọc, Hoằng Hóa (Thanh Hóa) nổi tiếng là vùng đất địa linh nhân kiệt với thế võ bí truyền, điệu hò tìm bạn tình tứ. Ngày hội, dân làng đổ về quần thể Văn hóa và Di tích Lịch sử Tướng công Ðại vương Lê Trung Giang tế lễ, vui hội, ghi nhớ công ơn bậc tiền bối.
Nơi phát tích một môn phái võ Việt

Theo gia phả họ Lê, cuối thời Lê Sơ, có người con trai họ Lê Trung, húy là Giang, thụy Quảng Xuyên, sức khỏe phi thường, giỏi vật và võ thuật. Lê Trung Giang trưởng thành gặp lúc triều Lê Sơ đổ nát, Mạc Ðăng Dung tiếm ngôi làm xã hội rối ren, nạn cướp hoành hành dân làng. Ông liền triệu tập trai tráng, rèn vũ khí đánh đuổi bọn cướp, đem lại thái bình cho đất nước.

 Năm 1533, vua Lê Trang Tông chiêu mộ quân sĩ, Lê Trung Giang đưa quân bản bộ gia nhập và trở thành chiến tướng dưới thời Lê Trung Hưng. Ông làm quan trải qua bốn triều vua, phục vụ 66 năm trong triều đình. Các triều vua xưa rất ân sủng Tướng công Lê Trung Giang và họ Lê ở Hồng Ðô, ban tới 13 đạo sắc, ban chữ "khải văn võ đường", ngự dụng (4 đôi đũa) và sắc phong "khai quốc công thần Thành Hoàng Ðô Thống Linh ứng Hùng khẩu tối linh Thượng đẳng thần". Nhớ công ơn đánh giặc giữ yên bờ cõi, bồi đắp vùng đất biển hoang sơ thành vùng dân cư đông đúc, trù phú; dân làng tôn ông làm thành hoàng làng và lập đền thờ phụng.

Khu di tích "Quần thể Văn hóa và Di tích lịch sử Tướng công Ðại vương Lê Trung Giang" được hậu duệ đời thứ 16 của ông và nhân dân chung tay trùng tu, xây dựng khang trang trên diện tích gần 10.000 m2, được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam bảo trợ, hướng tâm linh hậu thế về với cội nguồn. Ðền thờ chính có hàng trăm pho tượng sơn son thếp vàng. Phía tả, hữu có điện thờ vua Lê Thái Tổ, Trần Nhân Tông với nhiều cổ vật giá trị. Cạnh khu lăng mộ Ðại vương có phối thờ các vị nhân thần có công với nước, đối diện đền thờ là tháp Bảo Minh Quang Thắng. Trong quần thể còn có chùa, nhà cổ vật, nhà văn hóa, hồ bán nguyệt, khu vui chơi và các động.

Hội vật ở Ðô Du, quê hương Tướng công Lê Trung Giang luôn thu hút đông đảo người dân tham dự. Nét độc đáo là võ sinh không đóng khố cởi trần mà mặc quần dài chớm gót khi vật, phô diễn những miếng võ điêu luyện, hạ gục đối phương mà vẫn ung dung, thư thái, không để bẩn lấm quần áo mới là thắng. Võ Nhất Nam được phát triển mạnh mẽ dưới thời nhà Lê (1428 - 1788), là môn võ đậm chất thuần Việt. Tương truyền, võ Nhất Nam do Thủy sư Ðô đốc Lê Trung Giang quy tập, hình thành và phát triển mạnh mẽ thành một môn phái riêng. Ðến nay, võ Nhất Nam đã có hơn 32.000 môn sinh, hàng loạt các Liên đoàn võ Nhất Nam có mặt trên 40 thành phố ở các nước như Lít-va, Bê-la-rút, LB Nga, U-crai-na...