Nơi lưu giữ mạch nguồn quan họ

Về miền Kinh Bắc, mọi người có thể được đắm chìm trong những làn điệu quan họ đằm thắm. Quan họ đã có những giai đoạn thăng trầm, nhưng giờ đã thấm sâu vào đời sống người dân Bắc Ninh-Kinh Bắc.
0:00 / 0:00
0:00
Các liền anh, liền chị làng Diềm bên ngôi nhà chứa quan họ mới.
Các liền anh, liền chị làng Diềm bên ngôi nhà chứa quan họ mới.

Và một trong những nhân tố để văn hóa quan họ hồi sinh, không thể không nói đến một không gian đặc biệt được ngành văn hóa cũng như chính quyền địa phương quan tâm, đó là nhà chứa quan họ.

Nhiều người đã có chút gợn khi nghe nói về những “nhà chứa quan họ”, nhưng thật ra, “nhà chứa” chỉ được hiểu theo nghĩa tiêu cực trong thời hiện đại; còn với miền Kinh Bắc, nhà chứa là một bộ phận không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa quan họ. Để hiểu được điều ấy, chúng ta cùng ngược dòng tìm về những lề lối quan họ cổ xưa. Ở những “làng quan họ quê tôi”, các liền anh, liền chị “chơi quan họ” kết nhau thành “bọn” (gần giống những nhóm, những câu lạc bộ ngày nay) và rồi bọn quan họ làng này kết bạn với bọn quan họ làng kia.

Có những làng có nhiều bọn quan họ khác nhau. Hát hay chưa đủ, còn phải rành rẽ lắm điệu, nhiều lời. Bởi khi vào canh, các liền anh, liền chị đôi bên sẽ hát từ tối đến khi gà gáy sáng, với ba chặng khác nhau. Không có “lưng vốn” vài trăm bài, từ những giọng cổ, giọng lề lối cho đến giọng lẻ, giọng vặt thì dễ rơi vào cảnh tẽn tò khi vào canh hát đối với bọn quan họ bạn. Và thế là các liền anh, liền chị phải luyện tập, phải trao truyền từ những lớp người đi trước cho đến thế hệ trẻ mới tham gia. Việc sinh hoạt luyện tập nảy sinh nhu cầu cần có không gian; thêm vào đó mỗi mùa hội về, bọn quan họ thường mời bạn hát đến hát canh; chính vì thế cần có một không gian phù hợp để tổ chức những canh hát quan họ. Chẳng biết từ bao giờ, những nhà chứa đã ra đời từ nhu cầu chơi quan họ như thế.

Tuy nhiên, nhà chứa không phải một thiết chế của cộng đồng, thường là nhà của chính một người có điều kiện kinh tế trong bọn quan họ. Những bọn quan họ vừa lấy nhà chứa làm nơi tập luyện, vừa là nơi hát canh, nơi đãi đằng khách trong bữa cơm quan họ. Trên khắp mảnh đất Bắc Ninh đã từng tồn tại rất nhiều nhà chứa như thế. Điển hình như làng Viêm Xá (làng Diềm, nay thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh), đất tổ quan họ từng có đến 10 nhà chứa, bởi nơi đây xưa kia có tới năm bọn quan họ nam, năm bọn quan họ nữ, kết bạn với quan họ các làng: Hoài Trung, Hoài Thị, Đống Cao. Chính những nhà chứa này đã góp phần nuôi dưỡng mạch nguồn quan họ, là nơi các liền anh, liền chị thế hệ này tiếp nối thế hệ kia sáng tạo ra thêm những câu ca mới qua luyện tập, qua những canh hát, nơi diễn ra những cuộc chơi quan họ qua nhiều thế kỷ.

Những biến thiên của lịch sử khiến nhà chứa quan họ mai một theo tháng năm. Hiện giờ, một vài làng cổ vẫn còn nhà chứa xưa kia nhưng thuộc về tư gia và đã không còn mang chức năng cũ nữa. Tự hào là nơi khởi nguồn dân ca Quan họ Bắc Ninh với 31/44 làng quan họ gốc và nhiều làng quan họ thực hành, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà chứa quan họ, góp phần khôi phục lại lề lối quan họ cổ.

Điển hình trong số đó phải kể đến những nhà chứa quan họ thuộc các nơi: Thôn Lũng Giang, thị trấn Lim (huyện Tiên Du); khu Đương Xá (phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh); thôn Viêm Xá (phường Hòa Long), phường Thị Cầu, phường Kinh Bắc (thành phố Bắc Ninh)… Các nhà chứa đều được trang bị nội thất để giới thiệu về quan họ cũng như các phương tiện để liền anh, liền chị có thể sinh hoạt.

Cùng với việc đầu tư xây dựng nhà chứa, tỉnh Bắc Ninh cũng ban hành các chính sách liên quan đến việc dạy hát quan họ trong trường học, khuyến khích thành lập các câu lạc bộ quan họ, có chế độ hỗ trợ, vinh danh các nghệ nhân quan họ.

Dù ít nhiều cũng sẽ có những thay đổi so với nhà chứa quan họ khi xưa, nhưng những điểm sinh hoạt văn hóa ấy đang góp phần giúp nối dài những làn điệu quan họ, để quan họ thấm sâu hơn vào cuộc sống người dân hôm nay.