Nới lỏng nhiều hoạt động sau 2 tháng giãn cách, Hà Nội cần nêu cao ý thức phòng dịch

NDO -

Sáng 21/9, Hà Nội được nới lỏng giãn cách sau gần 2 tháng thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Các tuyến đường chính ở Thủ đôi trở lại đông đúc. Nhiều cửa hàng, hoạt động dịch vụ, chợ dân sinh mở lại dịch vụ.

Phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong sáng đầu tiên Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách. (Ảnh: Duy Linh)
Phương tiện tham gia giao thông tăng cao trong sáng đầu tiên Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách. (Ảnh: Duy Linh)

Nhìn chung, mọi người đón nhận việc nới lỏng thận trọng, do lo ngại dịch bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng chủ quan trong phòng, chống dịch.

Bắt đầu từ hơn 5 giờ, không khí nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố đã “nóng” dần lên bởi hoạt động mua bán. Ngày 21/9 đúng vào rằm tháng 8 âm lịch, là Tết Trung thu, nên mọi người đều tranh thủ đi chợ sớm để mua đồ lễ cúng rằm.

Chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) có sáng kiến lập rào phân cách giữa người bán và người mua. Do đó, khoảng cách giữa người bán, người mua luôn được giữ an toàn. Bên cạnh các mặt hàng thực phẩm, hàng hoa, quả và đồ cúng chế biến sẵn thu hút nhiều khách mua.

Hà Nội “tỉnh giấc” sau 2 tháng giãn cách -0
 Các phương tiện giao thông đổ về trung tâm thành phố trên trục đường Giải Phóng - Lê Duẩn. (Ảnh: Duy Linh)

Chị Tô Thúy Nga (phố Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết: “Tôi tranh thủ đi chợ sớm để còn đi làm. Tôi nhận thấy, dù nới lỏng giãn cách, nhưng mọi người đều có ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch, không thấy có người không đeo khẩu trang”.

Lực lượng chức năng thường xuyên xuất hiện đôn đốc mọi người thực hiện các biện pháp phòng dịch. Không khí tấp nập từ sớm cũng diễn ra tại các chợ như: Ngã Tư Sở (quận Đống Đa), Kim Giang (quận Thanh Xuân), Ngọc Lâm (quận Long Biên)…

Khoảng 7 giờ sáng, các tuyến phố ra, vào trung tâm, các tuyến phố chính bắt đầu đông đúc. Đường Nguyễn Trãi - trục nối các quận Hà Đông, Thanh Xuân với khu nội đô cũ, lượng phương tiện tăng đột biến so với những ngày trước đây.

Dòng người đi lại tấp nập. Đường Hồ Tùng Mậu - cửa ngõ phía tây, hay Giải Phóng - cửa ngõ phía nam thành phố cũng nhộn nhịp người qua lại. Các tuyến đường chính trong nội đô như: Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Tây Sơn, Giãng Võ, Đê La Thành… lượng người đi lại tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, lượng phương tiện chưa đủ lớn để gây ra tình trạng ùn tắc.

Tối 20/9, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 22 thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn trong tình hình mới. Việc chống dịch trên địa bàn được thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chỉ thị mới, nhiều loại hình kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trở lại. Trong đó, có những dịch vụ mà người dân mong chờ lâu nay như: cắt tóc, gội đầu; kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô-tô, xe máy, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày.

Hà Nội “tỉnh giấc” sau 2 tháng giãn cách -0
 Cửa hàng xe máy trên phố Tây Sơn (Đống Đa) mở cửa trở lại. (Ảnh: Duy Linh)

Các cơ quan, công sở được phép hoạt động theo nguyên tắc 50% làm việc tại chỗ, 50% làm việc trực tuyến. Các nhà máy, xí nghiệp được hoạt động trở lại nếu đáp ứng được các yêu cầu chống dịch theo quy định của Trung ương và thành phố.

Đó là lý do Hà Nội như “tỉnh giấc” sau gần 2 tháng thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngay trong buổi sáng 21/9, nhiều loại hình dịch vụ đã mở cửa và thu hút đông khách. Anh Lương Hồng Tân (phố Hoa Lâm, quận Long Biên) cho biết: “Với diễn biến dịch bệnh có chiều hướng tích cực, tôi cũng đoán là thành phố sẽ nới lỏng các biện pháp phòng dịch nên lau dọn cửa hàng từ mấy hôm nay. Khi có quyết định chính thức thì mở cửa đón khách. Khách hàng của tôi đều rất vui vì lâu không được cắt tóc”.

Nếu như một số quận và các huyện ngoại thành đã được mở lại dịch vụ ăn uống gần một tuần qua, thì đến sáng 21/9, người dân các quận nội thành mới được thưởng thức quà sáng, khi các quán xá mở cửa bán hàng mang về.

Nhiều cửa hàng bánh mì, xôi, phở, bún… trên địa bàn quận Hoàn Kiếm mở hàng từ sớm, nhưng không xảy ra tình trạng chen chúc. Thi thoảng mới có người mua hàng. Tương tự là các cửa hàng ăn uống trên địa bàn các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy…

Một số chủ cửa hàng cho biết, việc ban hành thông báo diễn ra muộn, nên các chủ cửa hàng không kịp chuẩn bị phục vụ khách trong sáng 21/9. Hơn nữa, do nhu cầu có thể chưa cao nên các chủ cửa hàng thận trọng.

Tại một cửa hàng bún cá trên phố Hàn Thuyên (quận Hai Bà Trưng), chị Nguyễn Thu Thủy, một khách hàng cho biết: “Mọi người đều chờ mong ngày này lâu lắm. Ai cũng muốn đổi vị quà sáng, nhất là gia đình có trẻ em nên tôi nghĩ hôm nay sẽ khá đông khách, nhưng thực tế  vẫn vắng. Tôi nghĩ việc cẩn thận khi mua bán là cần thiết, để ít ngày nữa được trở lại trạng thái bình thường mới, tha hồ thưởng thức”.

Trong ngày đầu tiên nới lỏng, khu phố chuyên bán đồ chơi Trung thu của Hà Nội là Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) vẫn tạm thời chưa đón khách. Nhiều tuyến phố của khu vực phố cổ vẫn chưa dỡ hoàn toàn rào chắn. Đây là biện pháp phòng ngừa cần thiết, bởi tối Trung thu có thể nhiều người sẽ đổ về khu vực này, gây nên tình trạng tập trung đông người, làm nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Mặc dù phần lớn mọi người đều tuân thủ các biện pháp phòng dịch, nhưng vẫn còn hiện tượng lơ là, chủ quan. Từ sáng sớm, nhiều người đã đổ ra đường tập thể dục. Sau khi tập nóng lên, nhiều người đã bỏ khẩu trang. Một số hàng quán chủ cửa hàng không thường xuyên đeo khẩu trang, chỉ đeo đối phó. Điều này đòi hỏi cần phải tiếp tục tuyên truyền, vận động song song xử lý nghiêm các vi phạm, để Hà Nội có thể sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Nỗ lực thực hiện mục tiêu kép