Cầu Đồng Nai bắc qua sông Đồng Nai nằm trên tuyến giao thông đường bộ huyết mạch kết nối các tỉnh miền bắc, miền trung vào TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Tuy nhiên, nơi đây thường xảy ra các vụ va chạm giao thông đường thủy, đe dọa đến độ an toàn, bền vững của cây cầu. Lúc 7 giờ 30 phút ngày 24-6, sà-lan mang số hiệu ĐN-1078 trọng tải 1.198 tấn do ông Đinh Văn Huân (50 tuổi), làm thuyền trưởng điều khiển lưu thông hướng từ cảng Hiệp Phước, TP Hồ Chí Minh lên thượng lưu huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Khi đến Km 34+300 bờ trái hạ lưu cầu Đồng Nai thuộc phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, bất ngờ sà-lan đâm vào trụ chống va số 2 cầu Đồng Nai. Vụ va chạm khiến trụ chống va bị gãy rơi xuống sông, sà-lan hư hỏng.
Trước đó, chiều 15-4, tàu hàng mang số hiệu Royal 09 do ông Nguyễn Văn Tú (33 tuổi) đang neo ở hạ lưu Cảng Đồng Nai, thuộc phường Long Bình Tân thì hỏng máy, trôi dạt khoảng 100 m về phía thượng nguồn, rồi đâm vào thành cầu Đồng Nai. Sau khoảng một giờ, tàu hàng mới được đưa ra khỏi vị trí gặp nạn.
Không chỉ va vào cầu Đồng Nai, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên dòng sông này. Gần đây nhất, ngày 18-5, trên tuyến sông Đồng Nai, đoạn thuộc thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, đã xảy ra vụ chìm sà-lan khiến ba người chết. Kết quả điều tra cho thấy, thời điểm trên, sà-lan chở cát có tải trọng 1.200 tấn được tàu đẩy với tốc lực lớn ngược dòng nước để cua vào cảng cát. Tuy nhiên, do lúc này nước sông chảy rất mạnh, khi sà-lan quay ngang đã bị lật úp, đè lên tàu, chìm xuống sông.
Được xem là tuyến đường thủy gần như duy nhất vận chuyển đá xây dựng cho các tỉnh miền Tây, nên mỗi ngày có hàng trăm sà-lan qua lại sông Đồng Nai, đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Mật độ phương tiện tăng cao cũng kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy. Chưa kể, trên sông Đồng Nai tồn tại các bãi đá ngầm, gây bất lợi cho hoạt động lưu thông. Theo thống kê của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tuyến sông Đồng Nai đoạn qua hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương có bảy bãi đá ngầm, có những bãi đá dài 800 m. Ông Nguyễn Văn Mây, quê Long An, điều khiển tàu chở đá, chia sẻ kinh nghiệm, khi tàu qua đoạn sông này mỗi lần gặp nước cạn đều phải neo tàu lại chờ nhiều giờ đồng hồ. Khi nước lên mới cho tàu qua và phải chấp hành nghiêm các bảng chỉ dẫn của lực lượng chức năng.
Bên cạnh đó, nhiều bến phà, đò trên tuyến sông Đồng Nai, qua TP Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, tình trạng khách đi phà không mặc áo phao còn diễn ra phổ biến. Hậu quả sẽ khôn lường trong trường hợp xảy ra tai nạn. Ông Nguyễn Hữu Ngời, chủ bến đò Trạm, phường Bửu Long, TP Biên Hòa cho biết: Mùa mưa lũ, chúng tôi nhắc nhở hành khách mặc áo phao hoặc cầm dụng cụ nổi. Trên phà, chúng tôi trang bị đầy đủ áo phao cho hành khách, bảo đảm an toàn khi qua sông, nhưng khi phát áo phao, nhiều người không muốn mặc.
Việc tăng cường kiểm tra, siết chặt điều kiện về điều khiển phương tiện của các chủ tàu đang được lực lượng chức năng đẩy mạnh. Sáu tháng đầu năm, lực lượng thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai đã kiểm tra 173 đợt, với 1.096 lượt phương tiện chở hàng hóa, vật liệu xây dựng, bến phà khách, lập biên bản xử phạt hành chính hơn 60 trường hợp vi phạm. Đáng lưu ý, trong số này, phương tiện chở hàng hóa vượt quá vạch mớn nước an toàn chiếm phần lớn, còn lại là các lỗi neo đậu không bảo đảm, hành khách không mặc áo phao, chở quá tải trọng cho phép.
Theo Phó Chánh Thanh tra giao thông tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phan Trong, mùa mưa lũ hiện nay, đơn vị còn bố trí lực lượng phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh tuần tra trên tuyến sông và ứng trực để kịp thời xử lý các tình xuống xảy ra, gắn với tuyên truyền cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, nhằm bảo đảm an toàn lưu thông. Trước tình trạng tàu, sà-lan liên tục va vào cầu Đồng Nai, các đơn vị liên quan cần có các giải pháp hợp lý, kiên quyết hơn đối với phương tiện neo đậu ở khu vực cảng của hai tỉnh Đồng Nai, Bình Dương cũng như lưu thông qua đoạn sông trên.