Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm

Mỗi năm cả nước xảy ra hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó, phần lớn là do sử dụng thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn nguy hại như E.coli, tả, thương hàn... Các loại vi khuẩn này thường tồn tại, phát triển thành các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong môi trường thức ăn đường phố.
0:00 / 0:00
0:00
Thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn các bệnh truyền nhiễm nếu không được bảo quản, chế biến theo quy định. (Ảnh: HUY HOÀNG)
Thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn các bệnh truyền nhiễm nếu không được bảo quản, chế biến theo quy định. (Ảnh: HUY HOÀNG)

Chị Nguyễn Thu Hoài, trú tại quận Ba Đình hiện công tác tại một ngân hàng lớn ở Hà Nội. Do công việc áp lực về thời gian cho nên mỗi khi dời cơ quan chị thường ghé qua chợ Thành Công, quận Ba Đình để mua các thức ăn chế biến sẵn chuẩn bị cho bữa tối của gia đình. Thói quen đó đã diễn ra nhiều năm nay.

Chị Hoài bộc bạch: “Nhiều lúc cũng muốn về sớm để nấu bữa cơm tối cho cả gia đình, nhưng công việc bận rộn nên hôm nào cũng hơn 19 giờ tôi mới về nhà. Nếu giờ đấy mua thực phẩm về chế biến thì không kịp nấu bữa tối cho chồng và các con. Chưa kể ăn cơm xong, các con tôi đứa thì học bài ở nhà, đứa thì học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Mặc dù biết thức ăn mua sẵn “khuất mắt trông coi” không bảo đảm vệ sinh, nhưng do bận công việc nên tôi vẫn phải mua…”.

Khác với chị Hoài, chị Trần Thu Nga, ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh lại có sở thích ẩm thực vỉa hè với những món ăn như tiết canh ngan, nem chua, các món gỏi cá, gỏi tôm,… chấm với xì dầu, mù tạt. Tuy nhiên, đến một ngày chị cảm thấy người nôn nao, chóng mặt, sụt cân, đi khám tiêu hóa tại bệnh viện thì bác sĩ chẩn đoán chị bị bệnh sán não và nhiễm vi khuẩn H.P dạ dày.

Bác sĩ cho biết có nhiều nguyên nhân khiến chị Nga nhiễm bệnh, trong đó có cả thói quen thường xuyên ăn các loại thức ăn sống, tái và tồn dư hóa chất không bảo đảm vệ sinh. Lúc này, chị cảm thấy rất hối hận vì đã không nghe lời khuyên của người thân, bạn bè. Thời gian trôi đi, căn bệnh sán não, viêm dạ dày của chị Nga ngày càng trở nặng, phải điều trị dài ngày rất tốn kém. Giờ đây, thân hình của chị trở nên tiều tụy, trái ngược với hình ảnh người con gái đang độ xuân trước đây…

Thức ăn đường phố là thực phẩm được chế biến dùng để ăn, uống ngay. Loại thực phẩm này thường được bán rong, bày bán trên đường phố, nơi công cộng hoặc những nơi tương tự. Hiện nay, thức ăn đường phố được bán ở khắp mọi nơi, từ ngõ ngách đến các cổng trường học, bến xe, chợ… bất kể thời gian sáng sớm hay đêm khuya, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm bao gồm: sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, kinh doanh thức ăn đường phố, sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, sơ chế nhỏ lẻ, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ... Đây là bất cập gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP).

Ngoài ra, mặc dù không biết rõ nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm, biết thực phẩm chưa chắc đã bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nhưng do giá rẻ, tiện lợi nên vẫn được những người dễ dãi lựa chọn… Có nhiều nguyên nhân khiến thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP như việc bày bán thực phẩm ngoài trời, không được che đậy cẩn thận, không được bảo quản lạnh... sẽ dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố; nguồn gốc thực phẩm không được bảo đảm, tẩm ướp quá nhiều hóa chất chống thối trong quá trình vận chuyển trước khi chế biến món ăn. Bên cạnh đó, nhiệt độ mùa hè là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn có hại như tả, thương hàn… phát triển mạnh.

Theo ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, trong sáu tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành tại tất cả các địa phương. Qua kiểm tra hơn 4.746 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính 487 cơ sở với số tiền xử phạt gần 3,5 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chính như người tham gia sản xuất, kinh doanh, chế biến chưa đáp ứng đầy đủ các quy định, điều kiện về bảo đảm VSATTP, thực phẩm đưa vào chế biến không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng, vi phạm về quy định về điều kiện ATTP, vi phạm về nhãn hàng hóa, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP...

Để chủ động bảo đảm VSATTP tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thời gian tới, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP các địa phương tăng cường tập huấn, phổ biến các quy định, điều kiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhất là kinh doanh thức ăn đường phố, tại các bếp ăn trường học, bệnh viện,…; yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, xuất xứ để chế biến thức ăn; các chủ cơ sở phải bảo đảm người tham gia sản xuất, chế biến thức ăn phải được khám sức khỏe định kỳ và đủ điều kiện theo quy định về VSATTP; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP định kỳ theo kế hoạch, theo chuyên đề, đột xuất nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm…; phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định ATTP và công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng...

Thức ăn đường phố rất dễ nhiễm các vi sinh vật do môi trường khói, bụi. Vì vậy, nếu không có nguồn gốc rõ ràng, không được bảo quản, chế biến cẩn thận theo quy định dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu khiến vi khuẩn E.coli có thể xâm nhập vào thức ăn, gây ngộ độc, tiêu chảy cho người dùng. Ngoài ra, nếu sử dụng thức ăn đường phố không được làm sạch và chế biến kỹ thì người dùng có nguy cơ mắc các bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn Helicobacter pylori (H.P), viêm gan siêu vi A và các bệnh về đường hô hấp lây qua người bán hàng; nhiễm vi khuẩn, ký sinh, sán làm tổ trong ruột và não. Nếu người dùng ăn phải các thực phẩm bị nấm mốc thì dễ mắc các bệnh ung thư gan, thực quản, buồng trứng,…

Bác sĩ CKII HÀ XUÂN HOA

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ)

Các cơ sở chế biến, kinh doanh thức ăn đường phố có thể bị phạt đến 3 triệu đồng nếu sử dụng dụng cụ chế biến, ăn uống, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm VSATTP theo quy định. Người đang mắc các bệnh mà theo quy định của pháp luật không được trực tiếp tham gia kinh doanh thức ăn đường phố… Các cơ quan có thẩm quyền có thể căn cứ Điều 16 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP để xử lý các hành vi vi phạm này. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh buộc phải tiêu hủy thực phẩm nếu sử dụng phụ gia thực phẩm được sang chia, sang chiết không phù hợp quy định của pháp luật để chế biến thức ăn…

Luật sư TRẦN THỊ KHÁNH HƯƠNG

(Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)