Nhưng đến nay, hàng triệu cây sở với tổng đầu tư hơn 10 tỷ đồng được trồng đang bị lãng quên. Cây sở chết yểu trên những đất rừng đang làm nghèo khổ và gây phiền phức dân.
Được biết, năm 2002, huyện Nghĩa Đàn được giao chỉ tiêu trồng một nghìn ha sở, trong đó riêng Lâm trường Nghĩa Đàn 500ha, chiếm một nửa diện tích, còn các xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Thuận (nay thuộc TX Thái Hòa) 500ha.
Ngay trong năm đầu tiên, Lâm trường Nghĩa Đàn, có bốn đơn vị trồng gồm : xã Nghĩa Mai, Nghĩa Minh, Nghĩa Lâm và Nghĩa Yên. Khi bắt đầu triển khai dự án, xã Nghĩa Yên chỉ tiêu trồng 112ha, năm tiếp theo cứ mỗi năm trồng mới hơn 100ha. Sau bốn năm, 10/14 xóm trực tiếp tham gia, xã Nghĩa Yên đã trồng được 480ha. Như vậy Lâm trường Nghĩa Đàn đã bàn giao 480ha đất trồng Sở cho nhân dân xã Nghĩa Yên. Tuy nhiên chỉ có 260ha có cây sở còn sống và 220ha diện tích trồng sở bị chết do nắng hạn. Tại xóm Dừa, xã Nghĩa Yên, một trong những xóm có diện tích trồng sở nhiều nhất với hơn 170ha. Người dân ở đây cho biết, nhiều diện tích cây sở bị chết, những diện tích trồng sở trên đất Nghĩa Yên, vốn là đất rừng phòng hộ đã được chuyển thành đất rừng sản xuất nhưng do cây vẫn là của dự án nên người dân không biết xử lý như thế nào. Ông Hoàng Lành, xóm Dừa nói: “Gia đình trồng gần 2ha sở nhưng bị chết và còi cọc hơn một nửa. Mười năm nay rồi cây vẫn thấp lè tè. Chúng tôi muốn thay thế cây sở bằng cây khác có hiệu quả kinh tế hơn nhưng do đây là cây của dự án nên không dám phá bỏ”. Ông Lành không giấu giếm, trong xóm đã có nhiều người lén lút chặt bỏ cây sở để trồng cây khác nhưng Ban chỉ huy xóm phát hiện nhắc nhở và xử phạt. Hiện cây sở trên đất Nghĩa Yên đã chết gần 50%, có chỗ đã bị xoá hẳn, nhiều hộ dân đã trồng xen các loại cây khác vào những chỗ cây sở bị chết để giữ màu xanh cho đất.
Về các xã Nghĩa Mai, Nghĩa Minh... cán bộ và nhân dân đầu không mặn mà với cây sở bởi đã nhiều năm rồi vẫn còi cọc không đem lại hiệu quả gì. Xã Nghĩa Mai có khoảng 40ha Sở, nhiều diện tích đã chết và bà con đã tranh thủ trồng xen các loại cây khác để có thủ nhập, tránh lãng phí đất.
Ngược lên huyện rẻo cao Quế Phong, đến bản Đô, xã Châu Kim nơi có diện tích trồng sở đầu nhiều nhất của huyện này. theo tuyên truyền phổ biến cây sở là loại cây trồng để lấy hạt ép dầu dùng làm dầu ăn, dầu in hoặc dầu trong y dược thuộc chương trình của Dự án 327. Bắt đầu năm 2002, hàng trăm hộ dân xã Châu Kim vui mừng tiếp nhận trồng hơn 50ha cây sở.
Cây sở bước đầu phát triển đến nay đã cho quả, nhưng quả chín rồi cứ để rơi rụng thối rữa vì không có ai thu mua. Gia đình Lò Văn Dy trồng nhiều nhất bản với 5ha chua xót nói: “Gia đình tôi gần 10 năm nay bỏ biết bao nhiêu công sức chăm sóc, chờ đợi nhưng đến nay đã cho thu hoạch mà không có ai đến thu mua, lãng phí lắm!”. Vì thấy không đem lại hiệu quả nên nhiều hộ đã chặt bỏ cây sở chuyển sang trồng các loại cây khác. Thực tế người dân trồng Sở ở xã Châu Kim hết sức lo lắng vì 50ha sở đã cho quả mà không tiêu thụ được và đang bị chặt bỏ dần.
Ngược lên quốc lộ 7, đến bản Khe Chi, huyện Tương Dương, hỏi người dân về cây Sở, hình như ai cũng ngạc nhiên “cây sở đã chết từ ba đời tám hoánh rồi còn hỏi làm chi”. Tìm hiểu được biết, tháng 11-2003, bản được giao nhận hơn trồng 20ha, do trồng vào mùa khô nên chỉ một tháng sau cây sở chết rục. Còn cây nào thì phát triển còi cọc được hoặc bị trâu bò giẫm nát. Ngược lên bản Ang xã Xá Lượng cũng trong tình trạng cây sở bị lãng quên khoảng gần 80ha, riêng bản Ang và bản Cửa Rào 2 mất khoảng 17ha rừng sở.
Tại xã Hữu Kiệm và xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, năm 2003 bản Cánh, bản Bình Sơn 1 và bản Cầu Tám trồng 30ha nhưng khi đi kiểm tra vòng một đã có 50% diện tích cây sở bị chết rũ. Cả xã Tà Cạ trồng được 100ha thì cả 100ha cây Sở đều chết sạch...
Phải chăng trong quá trình thực hiện dự án đã xảy ra tình trạng chất lượng rừng trồng đạt thấp, hàng trăm ha cây sở bị chết hoặc còi cọc... Không hiểu sao nhiều năm trôi qua, hàng chục tỷ đồng “đem vãi lên rừng” một cách vô nghĩa, gây lãng phí tốn kém tiền của như vậy mà không ai quan tâm chịu trách nhiệm, tháo gỡ nỗi khổ cho dân vì “cái dự án chết yểu” đó?
Tỉnh Nghệ An cần chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng khảo sát lại diện tích thuộc dự án trồng Sở nếu không thực sự đem lại hiệu quả thì cần chỉ đạo thay thế tránh lãng phí và làm khổ dân như hiện nay.
Cây sở thuộc cây họ chè, là loại cây lấy hạt. Ngoài tác dụng phòng hộ, chống xói mòn, bảo vệ môi trường, cây sở còn có giá trị kinh tế chế biến thành dầu ăn cao cấp. bã hạt sở (sau khi ép lấy dầu làm nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật. Lá cây sở chứa chất ta nanh có thể phục vụ công nghiệp thuộc da).