Kết quả thư bạn đọc

Nội dung đề nghị đòi lại đất cha ông để lại của bà Phạm Thị Cầu là có cơ sở, do đất là của bố, mẹ bà Cầu để lại

NDO - Báo Nhân Dân phản ánh đơn của bà Phạm Thị Cầu, trú tại thôn Ngòi Lan, xã Lan Giới (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), khiếu nại về nhà đất của cha ông để lại tại thôn Huề Đông, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
0:00 / 0:00
0:00
Nội dung đề nghị đòi lại đất cha ông để lại của bà Phạm Thị Cầu là có cơ sở, do đất là của bố, mẹ bà Cầu để lại

Về nội dung này, Báo Nhân Dân nhận được văn bản trả lời số 87/KL-UBND ngày 29/11/2022 của UBND xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nội dung chính như sau:

UBND xã Đại Lai nhận được đơn kiến nghị của bà Phạm Thị Cầu do Báo Nhân Dân chuyển đến. Để giải quyết, trả lời nội dung đơn, UBND xã Đại Lai đã ban hành Quyết định số 1822/QĐ-UBND ngày 08/11/2022 về việc thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai, để kiểm tra, xác minh, tham mưu giải quyết kiến nghị của công dân.

Ngày 15/11/2022, Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai đã tổ chức buổi hòa giải giữa nguyên đơn là bà Phạm Thị Cầu và những người có liên quan, sau khi nghe báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh nội dung đơn của bà Phạm Thị Cầu; nghe ý kiến trình bày của các bên và ý kiến của các đại biểu tại hội nghị hòa giải.

Chủ tịch UBND xã Đại Lai có ý kiến trả lời, kết luận và đề xuất những nội dung như sau:

Kết quả kiểm tra, xác minh: Về nguồn gốc thửa đất của hộ bà Nguyên là đất của ông Phạm Văn Nga và bà Trần Thị Sự (bố mẹ của bà Cầu), sau khi ông Nga và bà Sự chết, ông Nghị vẫn sinh sống trên mảnh đất này đến năm 1993.

Kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết: Căn cứ nội dung xác minh, ý kiến của các bên tranh chấp, ý kiến của các đại biểu tại hội nghị hòa giải, UBND xã kết luận và đề xuất những nội dung sau:

1- Kết luận:

- Căn cứ vào hồ sơ địa chính lưu tại xã thì thửa đất số 145, 148 tờ bản đồ số 15 thuộc thôn Huề Đông, xã Đại Lai có nguồn gốc từ hộ ông Phạm Văn Nga và bà Trần Thị Sự, được thể hiện trên sổ sách ghi chép và lưu trữ tại UBND xã do cán bộ quản lý ruộng đất thời điểm đó lập năm 1985, 1988. Sau khi ông Nga và bà Sự chết, ông Phạm Văn Nghị (con trai ông Nga) sinh sống trên mảnh đất này. Đồng thời, ông Nghị đứng tên trên sổ bộ thuế lập năm 1993, đến năm 1998 sổ bộ thuế vẫn đứng tên ông Phạm Văn Nghị.

Năm 1993, ông Nghị chết, được gia đình giao cho ông Phạm Văn Luân chủ trì đứng ra lo liệu hậu sự, giỗ tết, thờ cúng tổ tiên; trong đó có ông Nga, ông Nghị và liệt sĩ Phạm Văn Nghi. Giao ông Luân sử dụng, trông coi thửa đất mà gia đình ông Nga để lại, song trên sổ bộ thuế lập năm 1993, năm 1998 vẫn đứng tên ông Phạm Văn Nghị và bà Nguyên là người thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất.

Năm 2000, kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Chỉ thị số 18/1999/CT-TTg ngày 01/07/1999 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch số 04/KH-UB ngày 18/01/2000 của UBND huyện Gia Bình, bà Nguyên đứng tên kê khai xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất và được Hội đồng đăng ký đất đai xét duyệt, thực hiện công khai theo quy định. Tại thời điểm đó, đất không có tranh chấp, không có kiến nghị, nên bà Nguyên được UBND huyện Gia Bình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Quyết định 303/QĐ-UBND ngày 26/10/2000.

Đến năm 2012, xã Đại Lai thực hiện dự án xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, bà Nguyên xin đăng ký cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc xin đăng ký cấp đổi được Hội đồng đăng ký đất đai xã xét duyệt và thực hiện công khai theo quy định. Tại thời điểm đó đất không có tranh chấp, kiến nghị nên bà Nguyên được cấp đổi thành 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa số 145 và thửa số 148, tờ bản đồ số 15 thuộc thôn Huề Đông, xã Đại Lai.

2. Đề xuất biện pháp giải quyết cho các bên tranh chấp:

Đối với gia đình bà Cầu:

Nội dung đề nghị của bà Phạm Thị Cầu là có cơ sở do nguồn gốc 2 thửa đất 145 và 148 có nguồn gốc của ông Phạm Văn Nga và bà Trần Thị Sự (bố mẹ bà Cầu). Tuy nhiên, trước khi chết ông Nga, bà Sự, ông Nghị không để lại di chúc. Tại hội nghị họp gia đình, nội tộc khi ông Nghị chết đã giao cho ông Phạm Văn Luân là người đứng ra lo liệu hậu sự, thờ cúng. Đồng thời giao cho ông Luân quản lý, sử dụng, trông coi phần đất mà gia đình ông Nga để lại, vì vậy ông Luân đã kê khai cho bà Nguyên (là con dâu) đứng tên thửa đất nêu trên để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà Phùng Thị Nguyên.

Đề nghị gia đình bà Cầu xem xét phần công lao tôn tạo, giữ gìn thửa đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với thửa đất mà bà Nguyên đang là chủ sử dụng; đồng thời có công lao chăm sóc ông Nghị lúc ốm đau, lo toan hậu sự, thờ cúng của gia đình ông Luân, chỉ nên nhận 1 thửa đất, thửa còn lại giao lại cho bà Nguyên để giao cho con gái bà Nguyên là cháu Phạm Thị Tuân để làm nơi thờ cúng ông Tuân (là chồng bà Nguyên đã chết), theo nguyện vọng của bà Nguyên và gia đình con cháu ông Luân.

Đối với gia đình bà Nguyên:

Căn cứ vào nguồn gốc thửa đất và ý kiến đề nghị của bà Cầu, hiện tại gia đình bà Cầu đã tìm được con cháu ông Nghị qua nhiều năm thất lạc. Để bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của những người có liên quan, đồng thời giữ được thuần phong mỹ tục, đạo lý, tình cảm giữa anh em họ tộc, UBND xã Đại Lai đề nghị bà Nguyên chuyển lại một thửa đất cho con cháu ông Nghị để có nơi ở, thờ cúng ông bà tổ tiên, trong đó có liệt sĩ Phạm Văn Nghị.

Trường hợp bà Cầu, bà Nguyên không đồng ý với đề xuất, kết luận của UBND xã mà vẫn tiếp tục đòi lại đất, hoặc không chuyển quyền lại thì các bên có thể làm đơn gửi tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đề nghị các thành viên họ tộc tuyên truyền vận động, các bên có tranh chấp xem xét thống nhất sao cho có lý, có tình bảo đảm giữ gìn tình đoàn kết, thống nhất giữa các thành viên trong gia đình, họ tộc và những người liên quan có quyền lợi, không để xảy ra khiếu kiện tranh chấp, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, thuần phong mỹ tục, đạo lý và tình hình an ninh nông thôn.