Một trong những điểm sáng nổi bật trong quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức là hợp tác kinh tế, thương mại. Truyền thông Đức thường xuyên có những bài viết bày tỏ ấn tượng về thành tựu phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19 của Việt Nam.
Theo TTXVN, với tiêu đề “Phát triển kinh tế trên nền tảng vững chắc”, báo Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức nhận định, Việt Nam dường như đã vượt qua những khó khăn của nền kinh tế thế giới, chủ yếu do tác động từ tình hình Ukraine, một cách tốt đẹp. Trong khi đó, trang DW của Đức đánh giá, hoạt động kinh tế đầy sôi động của Việt Nam trong những năm gần đây chính là yếu tố thu hút sự chú ý của các công ty châu Âu đối với quốc gia Đông Nam Á này.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở Lục địa già. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Đức và Việt Nam năm 2021 đạt 11,2 tỷ USD. Tính đến tháng 1/2022, Đức có 417 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 2,29 tỷ USD, đứng thứ 4 trong Liên minh châu Âu (EU).
Việc nền kinh tế đầu tàu châu Âu triển khai hàng loạt dự án phân bổ rộng rãi tại 38 tỉnh, thành phố của Việt Nam, hầu hết tập trung ở các thành phố lớn, có điều kiện cơ sở hạ tầng tương đối phát triển là minh chứng rõ nét về sức hút đặc biệt của dải đất hình chữ S đối với giới doanh nhân Đức. Bên cạnh đó, sau hai năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã tạo xung lực mới, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với EU nói chung và Đức nói riêng phát triển tích cực.
Trên chặng đường 47 năm hợp tác cùng phát triển, Việt Nam và Đức cũng gặt hái nhiều thành tựu nổi bật về văn hóa, giáo dục. Là điểm hẹn của những người yêu thích tiếng Đức và nền văn hóa Đức, Trung tâm Văn hóa Đức (còn gọi là Viện Goethe) hoạt động thành công trong nhiều thập niên ở Việt Nam, ghi dấu những cột mốc của quá trình giao lưu văn hóa giữa hai nước. Về giáo dục-đào tạo, dự án Trường đại học Việt-Đức được đánh giá là “ngọn hải đăng” của mối quan hệ hữu nghị, hợp tác song phương.
Được thành lập từ tháng 9/2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh, trường hoạt động theo mô hình của đại học Đức và nhận được sự hỗ trợ tích cực của bang Hessen cùng Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) thông qua các hình thức cung cấp giảng viên, giáo trình. Với dự án này, Đức đã đồng hành hiệu quả và tích cực với Việt Nam để bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong giai đoạn khó khăn khi đại dịch Covid-19 hoành hành khắp toàn cầu, tinh thần đoàn kết, hợp tác và sẻ chia giữa Việt Nam và Đức càng được nêu cao. Với phương châm sát cánh bên nhau cùng vượt qua đại dịch, dù cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nhưng Việt Nam đã sẵn sàng chia sẻ nguồn lực y tế, hỗ trợ Đức vào thời điểm khó khăn nhất của dịch bệnh. Đáp lại tình cảm chân thành đó, Đức cũng cung cấp hàng chục triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 và nhiều thiết bị y tế giúp Việt Nam chống dịch.
Chặng đường gần nửa thế kỷ qua là minh chứng rõ nét cho tình hữu nghị và quan hệ đối tác chặt chẽ Việt Nam-Đức. Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, với quyết tâm và nỗ lực không ngừng của lãnh đạo và nhân dân hai nước, mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Đức hứa hẹn sẽ tiếp tục được nối dài bởi những nhịp cầu hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục..., góp phần mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho cả hai quốc gia ■