Nơi âm nhạc thính phòng cất cánh

NDO - Cứ mỗi buổi chiều muộn, từ căn phòng nhỏ trên phố Ðê La Thành (Hà Nội) lại vang lên những thanh âm thánh thót, du dương của những bản nhạc thính phòng đầy mê hoặc. Chính nơi đây đã thắp lên tình yêu âm nhạc giữa các thành viên Câu lạc bộ nhạc thính phòng CEG, giúp họ gặp gỡ, trao đổi và luyện tập một cách say mê với khát khao được đem âm nhạc thính phòng đến gần hơn với công chúng.
Ca sĩ Lê Anh Dũng biểu diễn trong đêm nhạc thính phòng của câu lạc bộ.
Ca sĩ Lê Anh Dũng biểu diễn trong đêm nhạc thính phòng của câu lạc bộ.

Ðều đặn mỗi tháng, vào tối thứ 6 tuần cuối cùng, những người yêu nhạc thính phòng lại tìm đến quán cà-phê Trung Nguyên số 52 phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) để hòa mình trong giai điệu của những bản sô-nát, những khúc rô-măng trữ tình, lãng mạn. Khán phòng hơn 100 chỗ ngồi chưa buổi nào trống ghế. Không gian như được cô lại thành một khối, sân khấu mở, khiến nhạc công gần người nghe hơn, những mái đầu đu đưa theo từng điệu nhạc, tất cả nhường chỗ cho âm nhạc thính phòng thăng hoa... Không giống như những quán cà-phê âm nhạc khác, tại đây, khi âm nhạc của các thành viên Câu lạc bộ CEG lên tiếng, không gian tĩnh lặng tuyệt đối, quầy ba ngừng phục vụ, khán giả chìm trong yên lặng, để thính giác được huy động tối đa, nắm bắt từng tiếng nhạc thánh thót rơi vào không trung. Từ người sành nhạc đến giới bình dân, tất cả đều có thể cảm nhận được dòng nhạc từ trước đến nay vốn được coi là hàn lâm, bác học, thú vị hơn là được thưởng thức một cách miễn phí, với thái độ nghiêm túc và một trái tim biết trân trọng âm nhạc. Âm thầm, lặng lẽ nhưng tạo ra dư âm và sức lan tỏa mãnh liệt, đó là cách mà CEG đã để âm nhạc thính phòng vang lên trong suốt chín chương trình công diễn, bắt đầu từ buổi ra mắt vào ngày 7-3-2012.

Ấp ủ ý tưởng thành lập câu lạc bộ nhạc thính phòng suốt 20 năm, đến nay, nhạc sĩ Nguyễn Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ mới được thỏa nguyện. Người ta vẫn hay quen với hình ảnh của một Nguyễn Cường phong trần, bụi bặm bên những bản tình ca bốc lửa về Tây Nguyên, ít ai biết rằng, ẩn sâu trong vẻ kiêu bạc ấy là một trái tim lúc nào cũng đau đáu về sự phát triển của nền khí nhạc đỉnh cao nước nhà. Ông tâm sự: "Bấy lâu nay, khán giả Việt Nam vẫn chưa có nhiều cơ hội để làm quen với nhạc thính phòng. Hơn nữa, để một tác phẩm thính phòng đến được với công chúng yêu cầu sự đầu tư rất lớn mà không phải nhạc sĩ nào cũng đủ khả năng chi trả. Hàng trăm bản giao hưởng thính phòng sau khi ra đời vẫn chỉ nằm im trong ngăn kéo. Vì thế, tôi và những cộng sự hy vọng sự xuất hiện của Câu lạc bộ thính phòng CEG (từ viết tắt phiên âm ba nốt nhạc đồ, mi, son) sẽ phần nào lấp đầy được khoảng trống này, trở thành sân chơi của những tài năng âm nhạc trẻ, nơi họ được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thể hiện và trưởng thành; nơi các nhạc sĩ được giới thiệu những sáng tác thính phòng mới của mình; và là địa chỉ quen thuộc để kết nối công chúng với âm nhạc". Chọn khẩu hiệu đơn giản là "vang lên", bởi trong không gian âm nhạc của CEG, nghệ sĩ và người nghe được hòa làm một, không còn khoảng cách, không cần mi-crô, cũng chẳng cần nâng cấp qua âm ly, tự thân vẻ đẹp đích thực của âm nhạc thính phòng được truyền tải trực tiếp tới công chúng.

Cùng chung tay thành lập CEG với nhạc sĩ Nguyễn Cường là nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thuấn, Giám đốc điều hành Câu lạc bộ. Là một nhạc sĩ trẻ trưởng thành từ Học viện Âm nhạc quốc gia, lại đang tham gia công tác giảng dạy âm nhạc, cho nên hơn ai hết, anh thấu hiểu được nỗi buồn "thời cuộc" của các nhạc công, nhạc sĩ, ca sĩ và cả những sinh viên đã và đang theo học dòng nhạc này. Ðược đào tạo bài bản những kỹ năng khó trong việc thể hiện những tác phẩm âm nhạc kinh điển, nhưng sau khi tốt nghiệp ra trường và lập nghiệp, họ hầu như lại phải "xuôi" theo dòng chảy của nhạc nhẹ, nhạc thị trường. Những bản aria, rô-măng, những tác phẩm âm nhạc thính phòng chỉ có dịp được vang lên trong các ngày lễ lớn, các sự kiện cấp quốc gia, hay các cuộc thi âm nhạc quốc tế... Chính vì thế, nhạc sĩ trẻ Nguyễn Ngọc Thuấn càng tin tưởng sự ra đời của câu lạc bộ sẽ thắp lên tình yêu, niềm đam mê bấy lâu chưa có dịp được thể hiện của các sinh viên, nhạc công, nghệ sĩ. Có lẽ bởi vậy mà từ khi thành lập đến nay, mặc dù số lượng thành viên câu lạc bộ không cố định, đội ngũ tổ chức thường xuyên thay đổi, nhưng những buổi diễn vẫn diễn ra thường xuyên, đều đặn trong sự đón đợi của người hâm mộ.

Nếu là "khách quen" của CEG sẽ dễ dàng nhận ra cấu trúc tổng thể tương đối ổn định của từng đêm diễn với hai phần: phần thể hiện những tác phẩm âm nhạc thính phòng kinh điển của những nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới và phần giới thiệu những sáng tác mới của các tác giả Việt Nam, với mong muốn đem đến cái nhìn toàn cảnh về âm nhạc thính phòng trong nước và quốc tế. Thông thường, để thu âm một sáng tác âm nhạc mới, mỗi nhạc sĩ mất ít nhất năm triệu đồng/tác phẩm, nhưng đến với CEG, họ chỉ phải bỏ ra trung bình  một triệu để bồi dưỡng cho nhạc công và người hát, còn lại tất cả ê-kíp tổ chức chương trình, từ người lên kế hoạch đến vận động biểu diễn đều làm việc không thù lao bằng tất cả tình yêu, sự đam mê với âm nhạc thính phòng.

Nhạc sĩ Ngọc Thuấn chia sẻ, thời gian đầu, khi liên hệ với các nghệ sĩ để tổ chức biểu diễn, anh thường xuyên gặp khó khăn khi đề cập yếu tố kinh phí, nhưng sau khi hiểu rằng CEG là một tổ chức hoạt động tình nguyện vì âm nhạc thính phòng thì ai cũng đồng tình và ủng hộ. Chính vì thế, những đêm diễn của CEG, bên cạnh thành viên chủ chốt là các sinh viên đang theo học tại các trường âm nhạc còn thu hút sự tham gia của những nghệ sĩ, những solist số một Việt Nam và các bạn sinh viên đã và đang du học tại nước ngoài như: Nghệ sĩ Phúc Tiệp - giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, giải nhì dòng nhạc thính phòng Sao Mai 2007; nghệ sĩ Vũ Mạnh Dũng - Phó Trưởng đoàn hát Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, giải nhì Giọng hát Thính phòng Nhạc kịch toàn quốc 2009... CEG cũng là nơi nhiều sáng tác âm nhạc thính phòng mới của các nhạc sĩ trong nước đã được giới thiệu đến công chúng như: Khúc độc tấu Cung la ngũ cung của nhạc sĩ Doãn Nho, Hợp xướng ca không nhạc của nhạc sĩ Cát Vận, Trio.No.5 Tình yêu lung linh giọt thời gian của nhạc sĩ Lê Tịnh...

Trong bối cảnh nhạc nhẹ lên ngôi, nhạc giải trí lấn lướt nhạc chính thống, sự ra đời của CEG được đánh giá là sự xuất hiện của một "salon âm nhạc" chuyên nghiệp, góp phần tìm lại thế cân bằng cho âm nhạc Việt Nam theo hướng tích cực. Câu lạc bộ Âm nhạc và Báo chí (trực thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam) đánh giá sự thành lập CEG là một trong mười sự kiện và hoạt động âm nhạc nổi bật nhất năm 2012. Hy vọng, trên đà hiện có, với đam mê mãnh liệt dành cho dòng âm nhạc chính thống, CEG sẽ còn ghi dấu ấn với nhiều bước tiến hơn nữa trên hành trình đưa công chúng đến gần hơn với âm nhạc thính phòng Việt Nam.