Nỗ lực triệt phá tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới

Là địa bàn có 277km đường biên giới, địa hình hiểm trở, giao thông đến các thôn, bản khó khăn nên hoạt động của các loại tội phạm trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang rất phức tạp.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái (huyện Mèo Vạc) lấy lời khai của đối tượng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.
Cán bộ Đồn Biên phòng Xín Cái (huyện Mèo Vạc) lấy lời khai của đối tượng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, tình hình tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại… có chiều hướng giảm, nhưng tội phạm mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép lại có xu hướng tăng, xuất hiện thêm nhiều đường dây có tổ chức và có tính xuyên quốc gia với tính chất và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Những năm gần đây, tỉnh Hà Giang luôn là địa bàn “nóng” của nạn mua bán người đang ngày càng biến tướng với nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi, để lại nỗi đau, sự cùng quẫn đối với các nạn nhân, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống của người dân trên các bản, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ đội Biên phòng tỉnh đã quyết liệt điều tra, bóc gỡ nhiều đường dây, giải cứu các nạn nhân trở về đoàn tụ gia đình.

Phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt

Thượng tá Nguyễn Hồng Tâm, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Hà Giang, cho biết: Khi dịch Covid-19 bùng phát, lực lượng chức năng phía Trung Quốc mở các đợt cao điểm truy quét người nước ngoài cư trú trái phép ra khỏi lãnh thổ.

Trong khi đó, các đối tượng phía bên kia biên giới móc nối với các đối tượng người Việt Nam thông thổ địa bàn tổ chức nhiều đường dây mua bán phụ nữ và trẻ em hoạt động tinh vi, tập trung chủ yếu ở các xã Xín Cái, Sơn Vĩ (huyện Mèo Vạc), Phó Bảng (huyện Đồng Văn) và Bạch Đích, Phú Lũng (huyện Yên Minh).

Là một trong những nạn nhân được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang giải cứu vào cuối tháng 7/2022, chị Vàng Thị Ch. (sinh năm 1987, trú tại huyện Đồng Văn) kể lại: “Được người quen giới thiệu sang Trung Quốc làm việc với thu nhập cao, tôi tưởng sẽ “đổi đời” nhưng khi vừa đặt chân qua biên giới, tôi đã bị bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc”.

Tương tự, chị Sùng Thị X. (sinh năm 2002, dân tộc Mông, ở huyện Đồng Văn) cho biết, tháng 3/2020, cũng vì nhẹ dạ, cả tin mà chị bị kẻ xấu rủ rê sang Trung Quốc với chiêu trò “việc nhẹ, lương cao”. Khi sang đến nơi, chị X. mới biết mình bị bán làm vợ. Hơn 1 năm sau, chị tìm cách thoát về Việt Nam rồi trình báo Đồn Biên phòng Xín Cái.

Từ các chuyên án được Bộ đội Biên phòng Hà Giang triệt phá, bóc gỡ cho thấy phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng xảo quyệt. Các đối tượng ở hai bên biên giới cấu kết chặt chẽ, triệt để lợi dụng mạng xã hội, như: Zalo, Facebook, Wechat… hoặc thông qua các mối quan hệ xã hội để tiếp cận, làm quen, hứa hẹn đưa nạn nhân ra nước ngoài làm thuê với thu nhập cao.

Chúng chủ yếu nhằm vào phụ nữ dân tộc thiểu số, có độ tuổi từ 16 đến 30, trình độ nhận thức pháp luật còn hạn chế. Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã ghi nhận 19 vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán người; xác lập và đấu tranh thành công 10 chuyên án, bắt giữ 21 đối tượng phạm tội mua bán người, giải cứu 13 nạn nhân; đồng thời, tiếp nhận 3 phụ nữ do lực lượng chức năng của Trung Quốc giải cứu, trao trả.

Thiếu tá Tạ Tấn Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Xín Cái, Bộ đội Biên phòng Hà Giang, chia sẻ: Gần đây, các đối tượng chuyển hướng tiếp cận nạn nhân là phụ nữ bỏ chồng, hay góa bụa. Chiêu bài phổ biến là ngỏ lời yêu đương, dẫn nạn nhân về ra mắt gia đình vào ban đêm, rồi lừa bán sang Trung Quốc. Có trường hợp ở với nhau một thời gian mới bị lừa bán.

Như vậy, loại hình tội phạm này ngày càng biến tướng, thủ đoạn tinh vi hơn, qua nhiều bước bài bản: điều tra tình hình, gia cảnh của nạn nhân; tiếp cận, lấy lòng tin; móc nối với các đối tượng nước ngoài vạch kế hoạch đưa người vượt biên trái phép. Nạn nhân khi bị bán phải chịu những rủi ro rất cao như bị bán làm vợ qua tay nhiều người, bị đưa vào các ổ chứa, thậm chí bị lấy một phần nội tạng.

Đối tượng bị lừa không chỉ ở tỉnh Hà Giang mà càng mở rộng ra các tỉnh giáp ranh, như: Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái… Tháng 12/2021, Đồn Biên phòng Xín Mần đã triệt phá thành công chuyên án A1221.2 giải cứu thành công chị Ly Sao P., dân tộc Mông, ở xã La Pán Tẩn, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, khi đang bị các đối tượng bán qua biên giới.

Cũng bằng thủ đoạn ngỏ lời yêu đương rồi rủ đi Trung Quốc làm thuê lấy tiền cưới, các đối tượng đã lừa chị P. không biết người yêu mình là đối tượng chính đã nhiều lần tổ chức mua bán người.

Đại tá Hoàng Anh Đức, Phó Chỉ huy trưởng Nghiệp vụ Bộ đội Biên phòng Hà Giang, cho biết: Song song với công tác phòng, chống dịch, làm nhiệm vụ kép, Bộ đội Biên phòng Hà Giang cũng mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, từng bước kiềm chế, đẩy lùi tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới.

Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên nắm bắt được những phương thức, thủ đoạn của loại hình tội phạm này.

Đại tá Hoàng Văn Sáu, Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Hà Giang, cho biết: “Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, lực lượng chức năng Trung Quốc đã trao trả hàng chục nghìn công dân vi phạm về cư trú và lao động trái phép. Nắm bắt được sẽ có nạn nhân của tội phạm mua bán người, chúng tôi cùng lực lượng Công an tỉnh Hà Giang lấy lời khai xác định nhân thân, phân loại tình tiết để nắm rõ đâu là trường hợp lao động trái phép, đâu là nạn nhân của tội phạm mua bán người rồi gửi ngược lại cho lực lượng chức năng Trung Quốc tiếp tục xác minh, từ đó điều tra ra các đường dây phạm tội mua bán người từ nhiều năm trước.

Đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm

Dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý bảo vệ biên giới, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép. Tính từ năm 2020 đến nay, Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã xử lý 1.093 vụ/5.844 đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép. Cùng với chính sách Zero Covid, từ tháng 3/2021 phía Trung Quốc đã xây dựng 260km hàng rào trên tuyến biên giới tỉnh Hà Giang nhằm tăng cường ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Đại tá Hoàng Văn Sáu, thời gian gần đây tình hình hoạt động tội phạm diễn biến khó lường, nhất là sau khi Bộ đội Biên phòng rút các tổ chốt chống dịch trên tuyến biên giới. Sau khi phía Trung Quốc xây dựng hệ thống hàng rào trên tuyến biên giới Hà Giang, tội phạm cũng thay đổi phương thức hoạt động và thủ đoạn. Các đối tượng đã dùng thang, dùng chăn bông phủ kín dây thép gai để trèo qua hàng rào biên giới.

Tinh vi hơn nữa, có những đối tượng đào đường hầm qua hàng rào ở nơi kín đáo với mục đích vượt biên trót lọt… Điều này đòi hỏi Bộ đội Biên phòng không thể chủ quan, phải tăng cường nắm bắt tình hình, duy trì hoạt động tuần tra, kiểm soát nhiều hơn nữa.

Địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, mặc dù điều kiện cuộc sống và trình độ dân trí nhìn chung đã được cải thiện nhiều, nhưng do canh tác nông nghiệp khó khăn, thiếu việc làm nên người dân vẫn tìm cách vượt biên sang Trung Quốc làm thuê kiếm sống.

Để chống dịch Covid-19, phía Trung Quốc tổ chức cao điểm truy quét lao động trái phép nên hiện nay nhu cầu thuê nhân công giá rẻ, nhu cầu tìm kiếm vợ ngoại quốc tăng cao, dẫn đến tội phạm mua bán người và xuất, nhập cảnh trái phép ở biên giới vẫn tiếp tục diễn ra theo chiều hướng phức tạp.

Thượng tá Nguyễn Hồng Tâm, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng Hà Giang, chia sẻ: “Các đối tượng là người dân tộc thiểu số ở địa phương đều thông thuộc địa hình, các đường mòn lối mở, nắm bắt được các tổ chốt, quy luật tuần tra, kiểm soát công khai của Bộ đội Biên phòng để tránh bị phát hiện và luôn cấu kết với các đối tượng ngoại biên và nội địa để thay đổi cách thức hoạt động. Chúng tôi sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, cơ động thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, nắm bắt diễn biến tâm lý của các loại tội phạm để nhanh chóng triệt phá. Gần 20 km đường biên chưa được rào chắn do núi cao, địa hình hiểm trở nên rất dễ bị các đối tượng tội phạm lợi dụng vượt biên, sẽ giao cho các đơn vị tăng cường tuần tra, kiểm soát”.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Giang đã xử lý 184 vụ/743 đối tượng; khởi tố và điều tra 4 vụ/14 đối tượng tội phạm mua bán người và xuất, nhập cảnh trái phép. Nổi bật nhất là ngày 1/7, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ đã khởi tố 6 đối tượng tổ chức đưa, đón 6 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận đã cấu kết ngoại biên thành lập đường dây đưa đón 6 công dân Trung Quốc vào Việt Nam rồi sang nước khác với thù lao khoảng 160 triệu đồng.

Thiếu tá Đỗ Minh Hải, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Thàng Tín, Bộ đội Biên phòng Hà Giang, cho biết: Tội phạm xuất, nhập cảnh trái phép thường tổ chức một nhóm đông, có cả nam và nữ với mục đích ban đầu là đi làm thuê lao động, kiếm tiền. Nhưng khi sang bên kia biên giới rất có thể biến tướng thành tội phạm mua bán người khi các đối tượng ngoại biên thay đổi mục đích ép bán các nạn nhân là phụ nữ trẻ đẹp đi làm vợ hoặc vào các ổ mại dâm hoặc là bị cưỡng bức lao động, cưỡng chế về tinh thần… Do đó, rủi ro của các trường hợp đi lao động trái phép rất là cao.

Để công tác phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới đạt hiệu quả thiết thực, Bộ đội Biên phòng Hà Giang sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp về tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới, cửa khẩu; chủ động bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình địa bàn; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người dân cũng như nhận diện rõ âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh công tác trao đổi thông tin với các cấp, các ngành; tổ chức rà soát, xử lý kịp thời các đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc đối tượng có liên quan hoạt động mua bán người, từ đó có phương án, biện pháp xử lý triệt để.

Ngoài ra, đơn vị sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng của nước láng giềng trong trao đổi thông tin và đấu tranh ngăn chặn, triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm hoạt động xuyên biên giới, làm tốt công tác tiếp nhận, giải cứu nạn nhân.