Nỗ lực triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU

NDO - Ngày 3/2, tại Đà Nẵng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị “Phổ biến các kết quả làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) và Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (chống khai thác IUU)".
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU chủ trì; cùng các đại biểu và đại diện 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển.

Vẫn còn một số tồn tại

Tháng 10/2022, Đoàn thanh tra của EC đã đến làm việc, kiểm tra việc thực hiện chống khai thác IUU; đồng thời làm việc với lãnh đạo Trung ương. Tháng 12/2022, EC đã có báo cáo kết luận và thông tin những hạn chế còn tồn tại.

Theo đó, EC ghi nhận tiến bộ đáng kể đã đạt được, tinh thần sẵn sàng tiếp tục cải thiện và sự cởi mở của phía Việt Nam đối với các khuyến nghị của EC. Khung pháp lý toàn diện phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, việc thực thi nhiều quy định pháp lý mới hiện vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Qua thực tế kiểm tra tại tỉnh Khánh Hòa, EC đánh giá cao tỉnh có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan chức năng tham gia chống khai thác IUU. Việc phối hợp này chúng ta cần đồng đều như vậy ở tất cả các tỉnh, thành phố

Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, như: Giám sát đội tàu đã được cải thiện, tuy nhiên, số lượng các trường hợp mất kết nối vẫn còn cao và cần có sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan chức năng của Việt Nam. Sự khác biệt giữa các tỉnh khiến hệ thống kiểm soát vẫn chưa đủ để ngăn chặn hiệu quả thủy sản có nguồn gốc từ IUU. Vấn đề nghiêm trọng đã được xác định liên quan đến việc truy xuất nguồn gốc và kiểm soát thủy sản nhập khẩu dưới dạng container. Vấn đề đáng lo ngại nhất còn tồn tại là số lượng lớn tàu cá Việt Nam bị bắt giữ ở vùng biển các nước láng giềng.

EC cũng đã đưa ra các khuyến nghị về IUU sau thanh tra lần 3 như: Bảo đảm rằng hai tàu được nhập khẩu tại tỉnh Khánh Hòa vào năm 2015 được đặt dưới sự giám sát tại cảng đầy đủ và hiệu quả cho đến khi làm rõ hoàn toàn tên và lịch sử trước đây của hai tàu này. Nếu quá trình xác minh dẫn đến kết luận rằng, các tàu này là tàu trong danh sách IUU và/hoặc được nhập khẩu vào Việt Nam trên cơ sở thông tin gian lận, thì cần thực hiện các chế tài xử lý thích hợp.

Xác nhận xem có các trường hợp tàu cá khác được nhập khẩu vào Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây hay không và trong trường hợp có thì kiểm tra cẩn thận hồ sơ đã nộp trước khi đăng ký, cũng như đặc điểm của tàu để bảo đảm những tàu này không có khả năng là tàu nằm trong danh sách IUU. Rà soát và sửa đổi, trên cơ sở kết luận rút ra từ hai hành động ở trên, các quy trình, thủ tục nhập khẩu đối với tàu cá nước ngoài.

Cần thanh kiểm tra hai doanh nghiệp có xuất khẩu cá kiếm sang EU mà Đoàn đã kiểm tra tại Khánh Hòa (có sự tham gia hải quan), nhằm xác nhận xuất xứ và số lượng nhập vào và xuất đi của hai doanh nghiệp này vào năm 2021 và 2022 là tương đương nhau. Các hoạt động kiểm tra này cần đưa vào quy trình (quy định) giám sát của cơ quan chức năng đối với các hệ thống truy xuất nguồn gốc tại các doanh nghiệp chế biến và thực hiện các hoạt động đối chiếu số lượng tổng thể ngẫu nhiên

Xây dựng các quy trình và yêu cầu về hồ sơ nhằm bảo đảm không có thủy sản có nguồn gốc từ IUU nào được nhập khẩu vào Việt Nam, bất kể sử dụng phương tiện vận tải nào. Kiểm soát nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu dưới dạng container; xác nhận khối lượng cá kiếm bất thường tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Bên cạnh đó, chúng ta cần bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về ra vào cảng, nhật ký khai thác, kiểm tra chéo với VMS, kiểm soát bốc dỡ, và lưu trữ hồ sơ tại tất cả các tỉnh; Chuẩn hóa việc lưu trữ hồ sơ tại tất cả các cảng; Cùng với một số khuyến nghị về Nghị định 26 và Nghị định 42.

Giữa tháng 5/2023, Việt Nam cần báo cáo hoàn thành các khuyến nghị để qua tháng 6, EC sẽ tiến hành kiểm tra một lần nữa.

Đẩy mạnh khắc phục

Trước những khuyến nghị của EC, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương đã nhanh chóng có những khắc phục. Tàu cá được cấp giấy phép đã tăng đạt 86,7% (tăng 20% so tháng 9/2022); Tàu lắp VMS đạt 28.739/29.827 tăng lên 96,35% (tăng 1,06% so tháng 9/2022); Tàu từ 24m có 157 tàu mất kết nối, đã có 30,6% phản hồi lại của địa phương. Tuy nhiên, trong tháng 1/2023, có 6 tàu bị bắt giữ.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục thực hiện gỡ thẻ vàng của EC.

Cụ thể: Trình ban hành Nghị định 26 và Nghị định 42 sửa đổi trong quý 1/2023.

Về quản lý đội tàu: Thống kê, phân loại toàn bộ tàu cá hiện có; hoàn thành đăng ký, đánh dấu, cấp phép, lắp VMS 100% tàu cá, giám sát 24/7 toàn bộ tàu cá khi hoạt động trên biển; giám sát chặt chẽ tàu cá nguy cơ cao vi phạm IUU; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập tại đồn biên phòng; xây dựng cơ chế kiểm soát tàu cá di chuyển ngoài tỉnh; cập nhật đầy đủ, thường xuyên dữ liệu trên hệ thống.

Về thực thi pháp luật: Ngăn chặn hiệu quả, chấm dứt tàu cá vi phạm khai thác IUU ở nước ngoài; phối hợp các lực lượng thực hiện các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, xử lý nghiêm 100% tàu cá vi phạm; Xác minh, xử lý 100% tàu cá không duy trì kết nối VMS; điều tra, xử lý 100% tàu cá nước ngoài bắt giữ; xử lý 100% trường hợp vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài và đưa thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng; cập nhật 100% kết quả xử lý vi phạm hành chính trên hệ thống phần mềm.

Về truy xuất nguồn gốc: Thực hiện xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác đúng quy định; 100% lô hàng xuất khẩu đi EU và khác cần truy xuất nguồn gốc có hồ sơ theo quy định; giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ tại địa phương; 100% tàu cá từ 15m trở lên phải vào cảng chỉ định bốc dỡ sản phẩm; thuyền trưởng phải báo trước 1 giờ và nộp nhật ký khai thác.

Nỗ lực triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU ảnh 1

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương cần nắm rõ và triển khai: Nắm rõ các quy định, văn bản, pháp luật của cả hệ thống, các kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, chương trình hành động... Tập trung nguồn lực bảo đảm ngăn chặn chấm dứt tàu cá ngư dân vi phạm các vùng biển nước ngoài, quản lý đội tàu, kiểm soát đội tàu;

Khẩn trương rà soát thống kê toàn bộ lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% đăng ký, đăng kiểm, và đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, theo quy định.

Cập nhật 100% dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase; kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến. Thực hiện xác nhận chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản; khẩn trương rà soát các điểm tàu cá bốc, xếp khai thác, bảo đảm 100% tàu cá chiều dài 15m trở lên cập cảng đúng quy định.

Mở rộng các đợt tuần tra, kiểm tra kiểm soát về xử lý vi phạm IUU, xác minh xử lý 100% tàu cá không duy trì kết nối giám sát hành trình; điều tra xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam vi phạm nước ngoài và cập nhật đầy đủ kết quả xử lý;

Bố trí nguồn lực thực hiện và thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan lực lượng chức năng, các tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU; Đầu tư xây dựng cảng cá; Đẩy mạnh hình thức thông tin truyền thông sát thực tiễn đến với bà con ngư dân, đưa lại được hiệu quả.

Đồng chí Phùng Đức Tiến cũng hy vọng và tin tưởng rằng, tất cả các tỉnh, bộ, ngành cùng thi đua, quyết tâm gỡ được “thẻ vàng” trong lần thanh tra thứ tư này.