Nỗ lực tìm thân nhân liệt sĩ

Mới đây, Cục Người có công (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) cho biết đã xác định được danh tính 15 liệt sĩ trong tổng số 99 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Viện K20, thuộc xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia đã được quy tập, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ðức Cơ, tỉnh Gia Lai. Công tác xác định danh tính các liệt sĩ còn lại đang được gấp rút triển khai, tuy nhiên gặp nhiều khó khăn do đến nay Cục Người có công mới tiếp nhận được hơn 30 hồ sơ kèm mẫu sinh phẩm của thân nhân để xét nghiệm ADN phục vụ công tác xác định danh tính liệt sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Giám định viên, Thạc sĩ Chu Thị Thủy (Viện Pháp y quốc gia - Bộ Y tế) thực hiện xét nghiệm ADN, xác định danh tính liệt sĩ K20.
Giám định viên, Thạc sĩ Chu Thị Thủy (Viện Pháp y quốc gia - Bộ Y tế) thực hiện xét nghiệm ADN, xác định danh tính liệt sĩ K20.

[Danh sách quân nhân hy sinh, từ trần, an táng tại Viện K20]

Trước đó, Báo Nhân Dân (số ra ngày 11 và 12/10/2020) đăng bài "Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ" phản ánh việc các liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn 1971-1972 tại Viện K20, thuộc xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia (gọi tắt là liệt sĩ K20) đã được quy tập, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ðức Cơ, tỉnh Gia Lai năm 2010 và 2011 nhưng chưa được xác định danh tính, khiến các thân nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tìm mộ liệt sĩ. Ðồng thời, Báo Nhân Dân đề nghị các cơ quan chức năng sớm xác minh thông tin, lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và thân nhân, phân tích, đối chiếu ADN để xác định danh tính các liệt sĩ.

Sau khi báo đăng, Cục Người có công có văn bản yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai xác minh thông tin. Kết quả kiểm tra hồ sơ tìm kiếm, quy tập, bàn giao và an táng được lưu giữ tại cơ quan chức năng cho thấy, trong hai mùa khô năm 2009-2010 và năm 2010-2011, Ðội K52-Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Gia Lai) đã tìm kiếm, cất bốc hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia; đã đưa 99 hài cốt liệt sĩ quy tập tại xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ðức Cơ (tỉnh Gia Lai).

Ngay khi có kết quả xác minh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai đã lập kế hoạch tổ chức lấy mẫu sinh phẩm đối với 99 hài cốt liệt sĩ K20, đồng thời có công văn đề nghị Cục Người có công phối hợp thực hiện. Việc tổ chức lấy mẫu sinh phẩm hài cốt các liệt sĩ K20 tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ðức Cơ (Gia Lai) được tiến hành rất khẩn trương ngay trong ngày 4/1/2021, ngày làm việc đầu tiên của năm. Kết quả là 93 trong số 99 hài cốt liệt sĩ lấy được mẫu sinh phẩm đủ điều kiện xét nghiệm ADN.

Ngay sau khi hoàn thành việc lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ, Cục Người có công đã tiếp nhận hồ sơ kèm theo mẫu của các thân nhân liệt sĩ K20, gửi sang Viện Pháp y quốc gia (Bộ Y tế) để phân tích ADN, khớp nối thông tin, xác định danh tính các liệt sĩ. Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan này mới tiếp nhận được 33 hồ sơ và mẫu của thân nhân liệt sĩ K20.

Giám định viên pháp y - Thạc sĩ Chu Thị Thủy (Viện Pháp y quốc gia - Bộ Y tế) là người trực tiếp lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ K20 và thực hiện giám định ADN cho biết: "Với 93 hài cốt liệt sĩ được lấy mẫu sinh phẩm có khoảng 80% thu được trình tự ADN đối chiếu với thân nhân liệt sĩ. Kết quả đối chiếu, tìm được 15 thân nhân trùng khớp trong tổng số 33 thân nhân đã gửi mẫu đến Viện Pháp y quốc gia, chiếm tỷ lệ hơn 45%. Hiện còn 70 mẫu hài cốt liệt sĩ đã có giải trình tự ADN nhưng chưa tìm được thân nhân".

[Danh sách quân nhân hy sinh, từ trần, an táng tại Viện K20]

Theo bản danh sách kèm theo Công văn số 286/CS-TBLS, ngày 3/2/2021 của Cục Chính sách-Tổng cục Chính trị gửi Báo Nhân Dân, có tất cả 128 quân nhân hy sinh, từ trần, an táng tại Viện K20 trong giai đoạn từ năm 1971 đến 1973, hầu hết thuộc đơn vị V104F7-B2, đã xác định được tên tuổi, quê quán, thân nhân, địa chỉ liên lạc. Căn cứ thông tin trong bản danh sách nêu trên, phóng viên Báo Nhân Dân và một số tình nguyện viên đã liên hệ với các thân nhân liệt sĩ, tuy nhiên một số trường hợp đã chuyển địa chỉ nơi ở khác, đồng thời chuyển hồ sơ liệt sĩ đến địa phương khác quản lý.

Ðặc biệt, trong số 128 quân nhân hy sinh, từ trần tại Viện K20, có ông Trần Văn Muôn đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Thông tin trong bản danh sách do Cục Chính sách-Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) quản lý ghi rõ: "Trần Văn Muôn, sinh năm 1938, quê quán: Quách Văn Hiển, Ngọc Hiển, Bạc Liêu; nhập ngũ đi B tháng 4/1961; cấp bậc chức vụ: Tiểu đội trưởng; đơn vị V104F7-B2; ngày hy sinh: 9/5/1971; trường hợp hy sinh: sốt rét; nơi hy sinh, an táng ban đầu: Viện K20; mẹ: Lê Thị Mạnh". Khi chúng tôi tìm kiếm, liên hệ chính quyền địa phương và trực tiếp về quê hương của ông Trần Văn Muôn thì được biết ông Trần Văn Muôn vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Hiện bố, mẹ và các anh, chị ruột của ông Muôn đều đã qua đời, chỉ còn hai người cháu ruột là ông Trần Văn Chiến và bà Trần Thị Liên nhưng họ cũng đã cao tuổi. Những thông tin này cũng đã được Báo Nhân Dân phản ánh trong số báo ra ngày 24/4/2021 (bài: Vì sao ông Trần Văn Muôn chưa được công nhận liệt sĩ?). Hiện nay, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận ông Trần Văn Muôn là liệt sĩ và cấp Bằng Tổ quốc ghi công.

Anh Lê Quang Vinh, ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), con trai liệt sĩ Lê Quang Tặc cho biết, anh và tình nguyện viên Lê Anh đã nhiều lần trực tiếp liên hệ, gặp gỡ với nhiều thân nhân liệt sĩ K20 thông báo việc Cục Người có công đang tiếp nhận hồ sơ và mẫu của thân nhân liệt sĩ để khớp nối thông tin, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, tuy nhiên một số trường hợp còn nghi ngại những thông tin anh và các tình nguyện viên cung cấp. "Họ mong muốn và chờ đợi thông báo chính thức và hướng dẫn từ các cơ quan chức năng về việc này", anh Vinh nói.

Trước những khó khăn nêu trên, đề nghị Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và Cục Chính sách-Tổng Cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) phối hợp các Sở Lao động-Thương binh và Xã hội; Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố; các đơn vị quân đội quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ khẩn trương rà soát, thông tin đến thân nhân các liệt sĩ hy sinh tại Viện K20, trong các năm: 1971, 1972, 1973, hướng dẫn thân nhân liệt sĩ làm hồ sơ kèm mẫu đối chứng gửi về Cục Người có công để phục vụ công tác xác định danh tính liệt sĩ, tìm lại tên tuổi, quê quán đã mất trong hơn 50 năm qua.

"Hồ sơ đề nghị giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ K20 gồm: Ðơn đề nghị có xác nhận của địa phương; Giấy báo tử của liệt sĩ; Bằng Tổ quốc ghi công. Người lấy mẫu sinh phẩm thuộc một trong các trường hợp có quan hệ với liệt sĩ như sau: mẹ liệt sĩ; anh, chị, em cùng mẹ với liệt sĩ; anh, chị, em cùng mẹ của mẹ đẻ liệt sĩ; anh, chị, em, con của chị gái, em gái mẹ đẻ liệt sĩ; con của chị gái, em gái liệt sĩ".

Nguyễn Kim Oanh

Phó Trưởng phòng Hồ sơ-Thông tin liệt sĩ,
Cục Người có công, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội